9 giờ:0 phút Thứ hai, ngày 25 tháng 9 , 2023

Bộ đội PK-KQ đánh máy bay không người lái

Sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngừng ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Paris. Tuy nhiên, với mưu mô xảo quyệt và bản chất hiếu chiến, xâm lược, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã chủ trương thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở Miền Bắc, chúng tăng cường cho máy bay trinh sát hệ thống giao thông vận chuyển và các địa bàn chiến lược quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… đe dọa đánh phá trở lại Miền Bắc.

Bộ đội PK-KQ đánh máy bay không người lái
Phi công ta rút kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1968, đầu năm 1969 địch thường sử dụng các loại máy bay SR-71, BQM-34A và các máy bay dòng 147 (Ryan Model 147) để tiến hành trinh sát Miền Bắc. BQM-34A là máy bay trinh sát không người lái tầng cao, thường bay trinh sát chụp ảnh ở độ cao 18km với tốc độ từ 220 đến 250m/s. Còn các máy bay 147J, 147S, 147SB là loại trinh sát tầng thấp, trong đó 147SER có thể trinh sát cả ban đêm. Các loại máy bay tầm thấp thường do máy bay C-130 bay cách bờ biển 150 - 200km phóng ra và bay theo một lập trình nhất định. Mỗi khi hoạt động địch thường cho máy bay EB-66 hoặc EC-121 gây nhiễu ngoài đội hình để nghi binh thu hút hỏa lực, có lúc kéo dài gây căng thẳng, mất cảnh giác cho bộ đội ta. Mặc dù máy bay không người lái đã bị bắn rơi trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tuy nhiên đối với lực lượng PK-KQ, việc đánh loại máy bay này có những khó khăn nhất định. Vấn đề nan giải nhất là máy bay bay thấp, diện phản xạ rất nhỏ, tín hiệu mờ nhạt, ra đa phát hiện gần dễ lẫn với địa hình địa vật, thời gian lưu trong khu vực hỏa lực rất ngắn, dễ xảy ra hiện tượng sót, lọt, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.

Quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng có chủ trương: “…Kiên quyết đánh tiêu diệt máy bay trinh sát của địch và làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu để giành thắng lợi ngay từ trận đầu, đợt đầu khi địch đánh phá trở lại Miền Bắc. Bộ đội Cao xạ, Bộ đội Tên lửa và Bộ đội Không quân đều phải bắn rơi máy bay trinh sát địch khi chúng vào vùng hỏa lực của đơn vị…”.  Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tìm cách đánh máy bay trinh sát nhất là trinh sát tầm thấp của Mỹ.

Binh chủng Ra đa đã tổ chức nghiên cứu hoạt động của địch trên các tầng không, củng cố và mở rộng mạng ra đa, hệ thống quan sát mắt; bố trí sử dụng lực lượng thích hợp, xen kẽ giữa các loại ra đa nhằm bảo đảm phát hiện địch vững chắc hơn. Đồng thời, tăng cường tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình phát hiện máy bay C-130 cho các đơn vị ra đa ven biển; củng cố việc phát hiện, thông báo phát hiện C-130 và dòng máy bay trinh sát 147 ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng…

Tiếp đó, các cơ quan và đơn vị phòng không đã dày công nghiên cứu và xác định quy luật đường bay trinh sát của địch; tìm cách khắc phục những nhược điểm, phát hiện máy bay không người lái từ xa trong điều kiện đánh gấp. Phương án đánh gấp, đánh gần, bám sát hỗn hợp hoặc bằng tay quay ở cự ly gần được xây dựng và luyện tập thành thạo ở các tiểu đoàn tên lửa.

8 giờ 38 phút ngày 2-1-1969, Tiểu đoàn 26, Trung đoàn Tên lửa 261 ở trận địa phía Bắc Hà Nội ra quân trận đầu đã phóng 1 quả đạn hạ 1 chiếc máy bay không người lái tầm thấp của địch. Một tuần sau, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257 ở trận địa phục kích vòng ngoài (Hải Hưng nay là Hải Dương và Hưng Yên) đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay không người lái tầng cao BQM-34A.

Thấy rõ chiến thuật cơ động phục kích của Sư đoàn 361 có kết quả, ngày 6-6-1969, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định dùng Không quân và cơ động một số đơn vị phục kích, đón lõng đánh trên đường bay trinh sát của địch. Nhiều lần cơ động máy bay, sở chỉ huy ra Hải Phòng, vào Nghệ An, Quảng Bình chuẩn bị và thực hành chiến đấu, các đơn vị Không quân cũng bị địch phát hiện chặn đánh và tập kích gây ra một số tổn thất. Nhưng với quyết tâm cao “Kiên quyết đòi lại những thước phim mà máy bay trinh sát địch đã chụp được”, các đơn vị Không quân đã bố trí lực lượng nhiều nơi ở Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Bắc, Nghệ An, Quảng Bình và một số sân bay dã chiến như: Cẩm Thủy, Gát, Phú Quý… tranh thủ thời gian, đẩy mạnh huấn luyện bay biên đội (4 chiếc, 8 chiếc, 12 chiếc), bay khí tượng phức tạp, bay đêm; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho chỉ huy bay, và các lực lượng bảo đảm. Ngày 1-7-1969, Đại đội 23, Trung đoàn Ra đa 293 đã kịp thời phát hiện máy bay C-130 của địch cùng với các Đại đội 25, 46, 47 bám sát máy bay không người lái và dẫn đường để Không quân ta bắn rơi 1 chiếc 147SC trên bầu trời Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Tây). Đây là chiếc máy bay thứ 3.300 của Mỹ bị bắn rơi trên Miền Bắc.

Chỉ riêng trong năm 1969, toàn Quân chủng đã tổ chức đánh 357 trận, bắn rơi 56 máy bay trinh sát của địch. Đây là cơ sở để các đơn vị phòng không, không quân rút ra nhiều kinh nghiệm trong đánh máy bay nói chung và máy bay không người lái, bay thấp nói riêng. Đây cũng là bài học quý giá của các lực lượng PK-KQ trong đối phó với các phương tiện không người lái và chiến thuật bay thấp của không quân địch trong tác chiến hiện đại.

Hữu Lệ (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website