17 giờ:2 phút Thứ năm, ngày 5 tháng 10 , 2017

Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đối đầu với B-52 trên bầu trời Hà Nội

Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự quan tâm, hối thúc, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Người là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần động viên, chỉ hướng, xây dựng quyết tâm cho Bộ đội PK-KQ vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, từng bước trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đối đầu với B-52 trên bầu trời Hà Nội
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966.
                                                 
Ảnh tư liệu.

B-52 - Mối quan tâm đặc biệt

Ngay từ năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Người nói: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. Như vậy, mối quan tâm về B-52 đã được Bác chỉ ra ngay từ khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam.

Ngày 19-7-1965, Bác đến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo PK 234 tại Sân bay Bạch Mai, trước ngày lên đường chiến đấu bảo vệ các đơn vị tên lửa phòng không lần đầu xuất trận. Tại đây Người nói: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì, đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Ngày 24-3-1966, Bác đến thăm Quân chủng. Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp “mục sở thị” xác chiếc máy bay trinh sát tầm cao bị tên lửa ta bắn rơi khi đang bay ở độ cao 18.000m, Bác nói: “Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc. Tên lửa của ta có đủ tầm cao bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu. Nhiệm vụ này, Bác giao cho các chú. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

Ngày 12-4-1966, đúng như dự báo của Bác, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) và sau đó mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và các trọng điểm giao thông trên địa bàn Quân khu 4 nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN cho cách mạng miền Nam.

Tháng 6-1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Bác Hồ đã thống nhất chủ trương “Sớm đưa tên lửa Phòng không vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Người đã chỉ thị cho Bộ đội PK-KQ: “Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp phải vào tận hang”.Tháng 8-1966, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, Quân chủng đã bí mật đưa lực lượng tên lửa và ra đa vào chiến trường Vĩnh Linh, trực tiếp tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật, nghiên cứu quy luật hoạt động, cách đánh phá của B-52, từ đó tìm ra cách đánh B-52 thích hợp.

Trên tuyến đầu Vĩnh Linh, ngày 17-9-1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng máy bay B-52, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn 238) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên chỉ huy cùng sĩ quan điều khiển Lê Hỷ, các trắc thủ Trần Hồng Thính, Nguyễn Văn Ngân, Phạm Văn Ngoạn đã đánh liên tiếp hai trận, tiêu diệt 2 máy bay B-52 của Mỹ. Đây là chiến công lớn và đặc biệt quan trọng, khẳng định tên lửa của ta có thể quật ngã “Siêu pháo đài bay”.

Dự báo trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành sự quan tâm đặc biệt tới B-52. Người đã nghiên cứu rất kỹ về các kết cục chiến tranh mà người Mỹ tiến hành: Các thành phố Dressden của nước Đức,

Hirosima và Nagasaki của nước Nhật, Bình Nhưỡng của Triều Tiên đều đã trở thành những đống tro tàn trước khi kết thúc chiến tranh bởi các cuộc không kích của “pháo đài bay” B-29. Kịch bản ấy đối với Hà Nội cũng không thể loại trừ.

Chính vì vậy, cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách PK-KQ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự quan tâm, hối thúc, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Người là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần động viên, chỉ hướng, xây dựng quyết tâm cho Bộ đội PK-KQ vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, từng bước trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Chúng ta đã có hẳn 10 năm để chuẩn bị và lập nên kỳ tích cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12-1972, bắn rơi 81 máy bay (trong đó có 34 chiếc B-52) gây rúng động cả nước Mỹ và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán trong thế thua, chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam, đúng như Người dự đoán.

LÊ TỬ DÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website