Chuyện kể trên đường băng Trường Sa
Đã được hợp đồng qua điện thoại từ trước cho buổi làm việc nên cán bộ, nhân viên Đội Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa thuộc Phòng Tham mưu, Sư đoàn 370 chờ sẵn tôi ở chiếc bàn đá trong khuôn viên đơn vị dưới tán cây tra. Ly nước vối và những câu chuyện thú vị về công việc của “lính thợ” đường băng nơi đảo xa đủ để “giải nhiệt” cho phóng viên sau hành trình dài ra với Đảo trong những ngày nắng cao điểm.
Trực thăng hạ cánh xuống đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VĂN THẮNG. Hiểu được thời gian eo hẹp của phóng viên khi lên Đảo nên Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng vào ngay câu chuyện. Anh cho biết, công việc của cán bộ, chiến sĩ trong Đội là bảo đảm cho hoạt động bay ở khu vực Trường Sa của các lực lượng Không quân, Hải quân và Binh đoàn 18. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, điều tiên quyết là mọi cán bộ, nhân viên trong Đội đều phải có khả năng độc lập công tác trên các vị trí. Thứ nữa, là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên, các bộ phận. Anh giải thích, cũng là hoạt động tiếp thu và phóng hành máy bay, nếu được thực hiện trong đất liền, với những tình huống gặp khó khăn còn có sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan chức năng, còn nơi đảo xa, tất cả đều phải tự bảo đảm. Tiếp lời Đội trưởng, Trung úy CN Ngô Hùng Sơn - Nhân viên PCCC minh chứng, ví như với việc phòng chống cháy, nổ, đơn vị ở đất liền còn có xe đặc chủng, nơi đảo xa này chỉ có bình cứu hỏa nên những quy định về phòng chống cháy, nổ nơi đây đều phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, với tinh thần và quyết tâm cao nhất “phòng” hơn “chống”.
Hiểu rõ đặc thù nhiệm vụ nên cách đây già nửa năm, trong mùa luân chuyển quân, hầu hết các thành viên trong Đội mới chân ướt chân ráo từ đất liền ra Đảo thì đã có ý thức gắn kết với nhau trong cuộc sống và nhiệm vụ. Thượng úy Trịnh Thế Dược - Phó đội trưởng, Bí thư Chi bộ kể, từ đầu năm, trong nghị quyết lãnh đạo, cấp ủy, chi bộ đã xác định, phải nhanh chóng bắt nhịp với công việc một cách tốt nhất. Thế là bỏ qua những khó khăn chung như sự khắc nghiệt của thời tiết, những thay đổi đột ngột về điều kiện sống so với đất liền, toàn thể cán bộ, nhân viên trong Đội cùng quyết tâm vận hành để cỗ máy “bảo đảm kỹ thuật sân bay” ở Trường Sa hoạt động hiệu quả.
Đội trưởng Nguyễn Văn Nam ra nhận nhiệm vụ từ mùng 7/1, hai ngày sau, mùng 9/1 đã chỉ huy thành công bảo đảm cho chuyến đầu tiên cấp cứu một chiến sĩ Hải quân nhập ngũ bị tai nạn đa chấn thương. Anh Nam chia sẻ, đã từng là Phó đội trưởng của Đội từ năm 2010, rồi về đất liền thực hiện nhiệm vụ, sau 5 năm trở lại Đảo, lại từng là Trưởng Tiểu ban tác chiến, trợ lí quản lí điều hành bay nên đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết trong hành trang đem theo ra Đảo. Phấn khởi hơn nữa, Quân chủng và Sư đoàn 370 đã quan tâm, trang bị, tạo điều kiện tốt nhất cho Đội thực hiện nhiệm vụ. Trung úy CN Tạ Việt Hiền – Nhân viên Thông tin vui mừng khoe với tôi, không chỉ khí tài thông tin như vi sát, hệ thống sóng ngắn, sóng cực ngắn đã được thay mới mà máy tra nạp xăng dầu và các loại khí tài trang bị bảo đảm đều đã được đầu tư mới. Sắp tới, khi được chuyển về nhà mới đang chuẩn bị khánh thành thì điều kiện ăn, ở, làm việc của Đội còn được cải thiện đáng kể.
Trên cương vị Phó đội trưởng, Bí thư Chi bộ, Thượng úy Trịnh Thế Dược thật an lòng khi mỗi thành viên trong Đội đều ý thức được công việc mình đang thực hiện ở nơi đầu sóng. Anh bảo, mỗi lần được nhìn những chiếc máy bay lượn vòng trên đảo, có khi xuyên tâm ở độ cao thấp, còn nhìn rõ cả số hiệu máy bay, thì thấy tự hào và kiêu hãnh lắm. Những cánh bay khẳng định chủ quyền. Những cánh bay đem hơi ấm, sự gửi trao và niềm tin từ đất liền ra Đảo. Anh chia sẻ, từ khi ra Đảo, anh ấn tượng nhất với chuyến bay “che đầu” của Sư đoàn 370 trong lần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra thăm và kiểm tra Đảo Trường Sa Lớn hồi tháng 5. Như thường lệ, hôm ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam làm nhiệm vụ chỉ huy tại sân, còn anh là sĩ quan dẫn đường. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với sĩ quan dẫn đường là làm sao dẫn dắt, chỉ huy để các máy bay mang số hiệu 610, 620 bay thông qua trên Đảo đúng lúc máy bay của Bộ trưởng vừa hạ cánh, đoàn chuẩn bị thực hiện Lễ chào cờ trên Đảo. Cái khó trong những lần như vậy, trước hết là ở đặc thù của hoạt động bay. Máy bay Su-30 với vận tốc trung bình 13 km/phút, nếu chỉ huy nhanh hay chậm dù chỉ tính bằng “giây”, tình hình cũng đã khác đi rồi. Đó còn chưa kể đến những áp lực tâm lí khi sĩ quan dẫn đường ngồi ở Sở chỉ huy với sự chi phối của rất nhiều kênh thông tin. Hôm ấy, khi máy bay chở Bộ trưởng vừa hạ cánh tại đường băng, hai máy bay Su-30 đã ở vị trí giảm độ cao, tốc độ, tổ bay quan sát tốt đảo. Sĩ quan chỉ huy đã chỉ thị cho biên đội giữ vững đội hình, tiếp tục giảm độ cao, chờ lệnh. Khi hai chiếc Su-30 đã cách Đảo 8km, hạ độ cao xuống 600m, xác định đó là thời điểm “vàng” phát khẩu lệnh; chưa thấy Đội trưởng Nam chỉ thị, thời cơ lại đã đến, Trịnh Thế Dược đã ra thông báo: “610, 620 hạ cánh tốt, giảm độ cao
300m, thông qua”. Hai chiếc Su-30 giảm độ cao, lượn 3 vòng trên Đảo đúng thời điểm Lễ Chào cờ chuẩn bị tiến hành. Sự xuất hiện kịp thời của những chiếc Su-30 ở độ cao rất thấp, đã tăng thêm không khí sôi động, hào hứng và sự nghiêm trang trong buổi chào cờ. Ngồi ở Sở chỉ huy, Trịnh Thế Dược thở phào nhẹ nhõm vì đã phối hợp và hỗ trợ tốt cho đồng đội. Anh sung sướng rời Sở Chỉ huy ra phía đường băng trong cái bắt tay xiết chặt của Đội trưởng Nguyễn Văn Nam.
Tôi chưa một lần được chứng kiến những màn hạ cánh hay những chuyến bay thông qua ngoạn mục trên Đảo nhưng qua những câu chuyện được kể ngay trên đường băng ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Đội Bảo đảm Kỹ thuật Sân bay Trường Sa đã truyền đến cho tôi niềm kiêu hãnh và tự hào khôn tả. Gắn liền với sự hiện diện của những cánh bay ở Trường Sa, là hình ảnh những người lính thợ đường băng lặng thầm, cần mẫn, trách nhiệm bảo đảm đường lăn, sân đỗ, nối thông liên lạc, tra nạp xăng dầu. Và trước hết là những sĩ quan chỉ huy, sĩ quan dẫn đường Không quân; những người không những thông tường “4 biết” mà còn biết vận dụng sáng tạo những quy định ấy trong quản lí, chỉ huy bay nơi đảo xa.
HỒNG LINH