17 giờ:22 phút Chủ nhật, ngày 11 tháng 10 , 2020

Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không giải cứu thành công 6 thuyền viên trên tàu Vietship

Đúng 22 giờ 30 phút ngày 10-10, khi nhận được lệnh cơ động thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Tổ bay EC-155 của Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18) thực hiện nhiệm vụ treo cẩu người gặp nạn trên biển nhằm cấp cứu các thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu Vietship tại khu vực cảng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân đã khẩn trương triển khai lực lượng và phương tiện sẵn sàng cơ động bằng đường bộ từ Hà Nội vào Đồng Hới, Quảng Bình ngay trong đêm.

Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không giải cứu thành công 6  thuyền viên trên tàu Vietship
Thành viên Tổ bay EC-155 và nhân viên cứu hộ cứu nạn Trung tâm Quốc gia Huấn luyện
và TKCN đường không sau chuyến bay cứu hộ về hạ cánh an toàn. Ảnh: CTV

Vượt qua cung đường các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 6 gây mưa to và gió lớn, 6 giờ ngày 11-10, cán bộ, nhân viên của đơn vị đã tập kết kịp thời tại Sân bay Đồng Hới sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau khi có mặt tại Sân bay Đồng Hới, Đội Tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm đã hiệp đồng với đại diện các lực lượng, tổ bay của Công ty Trực thăng miền Bắc gồm Đại tá Trần Quang Tuấn - Cơ trưởng; Thiếu tá Lê Hải Đăng - Cơ phó, nhân viên tổ bay Ngô Tiến Dũng và Đinh Văn Quang cùng bàn thảo và đưa ra phương án phối hợp thực hiện nhiệm vụ tối ưu nhất.

Hơn 8 giờ ngày 11-10, sau khi triển khai đầy đủ các phương tiện cứu hộ đường không chuyên dùng như: Hệ thống nôi cẩu vớt, áo phao, dây tời, giày chuyên dụng, găng tay, đồ lặn giữ nhiệt…, Trung tá Cao Ánh Dương - Tổ trưởng Bộ môn Dù - Tìm kiếm cứu nạn và Thượng úy Tăng Bá Trung - Nhân viên Tìm kiếm cứu nạn đường không, đã lên Máy bay EC-155 do Đại tá Trần Quang Tuấn điều khiển cất cánh từ Sân bay Đồng Hới tiến về hướng Cửa Việt, nơi 6 thuyền viên mắc kẹt trên tháp chỉ huy tàu Vietship. Mặc dù phải bay trong điều kiện khí tượng hết sức khó khăn: Gió to, mưa lớn, sóng biển đánh mạnh, nước biển dâng cao… nhưng với bản lĩnh của người phi công dày dạn kinh nghiệm đã có hơn 6.000 giờ bay tích lũy, Đại tá Trần Quang Tuấn đã điều khiển máy bay vào khu vực tàu gặp nạn, giữ máy bay ở chế độ bay treo với độ cao từ 7-10m.

Khi máy bay ổn định, Trung tá Cao Ánh Dương với đầy đủ phương tiện bảo hộ và cứu hộ người bị nạn đã nhanh chóng đu dây tời đáp đúng vị trí 6 thuyền viên đang mắc kẹt. Sau khi ra hiệu cho các thuyền viên yên tâm và quan sát thấy người gặp nạn kiệt sức nhất trong nhóm, anh nhanh chóng đưa người này lên trước. Sau 2 lần chuyến đưa được 2 người yếu nhất trong số 6 thuyền viên lên máy bay chở về bãi tập kết cấp cứu ở khu vực Quảng trường Cửa Đại; Trung tá Cao Ánh Dương và Thượng úy Tăng Bá Trung tiếp tục lên máy bay tiến hành cẩu cứu 4 thuyền viên còn lại. Với quyết tâm và thao tác cứu hộ chuyên nghiệp, nhanh gọn; chỉ trong thời gian chưa đầy 30 phút, lực lượng của Công ty trực thăng miền Bắc và Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và Tìm kiếm cứu nạn đường không đã cẩu vớt, giải cứu thành công 6 thuyền viên cuối cùng mắc kẹt trên tàu Vietship trở về đất liền an toàn trên 3 chuyến bay.

Thượng tá Phạm Văn Dũng - Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, phấn khởi cho biết: “Ngày 10-10, khi nhận được lệnh của cấp trên, Công ty đã sử dụng lực lượng trực cấp 2 khẩn trương cất cánh, hiệp đồng với các lực lượng liên quan và thực hiện các phương án của Ban Chỉ đạo. Song, chiều muộn ngày 10-10, do điều kiện thời tiết phức tạp nên Ban Chỉ đạo yêu cầu trực thăng thả thực phẩm, nhu yếu phẩm tiếp tế, phao cứu sinh và dây kéo từ tàu vào bờ để các lực lượng khác thực hiện các phương án cứu hộ tại chỗ. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty đã chủ động đề xuất với cấp trên phương án cứu hộ cẩu người từ biển lên máy bay đưa về đất liền. Phương án được chấp thuận. Cùng với sự phối hợp ăn ý, hiệu quả giữa tổ bay và các cán bộ nhân viên tìm kiếm cứu nạn đường không của Quân chủng PK-KQ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện; đưa người gặp nạn về đất liền cấp cứu kịp thời. ”

Còn đối với Trung tá Cao Ánh Dương - Người trực tiếp 6 lần đu dây tời từ máy bay xuống mỏm tàu cứu các thuyền viên thì khẳng định, không bao giờ quên khoảnh khắc khi anh tiếp cận người gặp nạn trên mỏm tàu. Sau nhiều ngày mắc kẹt trên biển, các thuyền viên trở nên kiệt sức, người nhợt nhạt vì dầm mình lâu trong nước; trong đó 2 người bị va đập có chấn thương ở chân và ngực. Vì vậy, đòi hỏi công tác cứu hộ phải tiến hành khẩn trương, để nhanh chóng đưa các thuyền viên về đất liền điều trị. Trung tá Cao Ánh Dương khẳng định: “Chúng tôi được huấn luyện và luyện tập những kỹ năng cứu hộ đường không trên biển nhiều năm nay, nhưng khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khí tượng phức tạp, người dân đang ở tình thế nguy cấp thì càng thôi thúc chúng tôi phải hành động khẩn trương, chính xác và hiệu quả”.

BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website