Học viện phòng không - không quân
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động sâu rộng lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo. trước sự tác động của Cuộc CMCN 4.0, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện PK-KQ đã triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục (gọi tắt là nhà giáo) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giờ học tập của học viên chuyên ngành Kỹ sư hàng không, Học viện PK-KQ.Đại tá, TS Tạ Văn Trung - Phó Giám đốc Học viện, cho biết, đội ngũ nhà giáo là lực lượng chủ yếu, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH); lực lượng nòng cốt hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Học viện cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại, theo mô hình “Nhà trường thông minh”, tiếp cận Cuộc CMCN 4.0. Chính vì vậy, thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện coi việc xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa là khâu đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Với những nỗ lực, quyết tâm không ngừng, đến nay, 100% đội ngũ nhà giáo của Học viên có trình độ đại học, 79,27% sau đại học. Trong đó, tiến sĩ 8,19%, thạc sĩ 71,08%. Phần lớn đội ngũ giảng viên đã qua đào tạo cán bộ cấp trung (lữ), sư đoàn, qua thực tế các chức vụ chỉ huy tại các đơn vị trong Quân chủng… Đây là nền tảng, điều kiện thuận lợi để Học viện tiếp tục phấn đấu xây dựng “Nhà trường thông minh”, cải tiến, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp cận CMCN 4.0, Học viện đã xây dựng Quy chế, thực hiện quy trình tuyển chọn giảng viên chặt chẽ, nghiêm túc, đủ số lượng, chất lượng cao; coi trọng bảo đảm các tiêu chuẩn chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo của từng khoa giảng viên, nhất là các khoa chuyên ngành. Đặc biệt là việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ chủ nhiệm bộ môn có chất lượng ngày càng cao. Việc quy hoạch, tuyển chọn nhà giáo theo hướng chuẩn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu Cuộc CMCN 4.0 cần phải đạt được: Chuẩn về kiến thức chuyên môn; chuẩn về năng lực giảng dạy; chuẩn về năng lực NCKH; chuẩn về năng lực quản lý; chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Với phương châm: “Nhà trường gắn với đơn vị”, thời gian qua, Học viện đã tích cực đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, đảm nhiệm chức vụ quản lý, chỉ huy tại các đơn vị trong Quân chủng, nhất là các đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới, cải tiến; đồng thời tham gia các chương trình tập huấn, hội thi, hội thao, diễn tập, bắn đạn thật, nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phương pháp, tác phong chỉ huy, kỹ năng thực tiễn trong giảng dạy. Các khoa giảng viên tập trung xây dựng bộ môn điểm về công tác phương pháp; duy trì tốt nền nếp, chất lượng các hoạt động nghiệp vụ sư phạm, như: Thông qua giáo án, giảng thử, giảng mẫu, thí giảng, bình giảng,… cho các giảng viên theo các nội dung chuyên sâu về phương pháp giảng dạy, kỹ năng xử lý tình huống, nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các bộ môn trong các hoạt động phương pháp nhằm giúp giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc thi giảng viên, chủ nhiệm bộ môn giỏi, là cơ sở và tiêu chí để đánh giá, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên.
Học viện đã và đang tích cực đổi mới quy trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, chú trọng bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo 5 tiêu chí về học hàm, học vị; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tại trường với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong, ngoài Quân đội và ngoài nước theo lộ trình đã xác định, ưu tiên cán bộ đầu ngành, trong diện quy hoạch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin được triển khai tích cực, sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng chuyên ngành đào tạo. Học viện xác định, một trong các yếu tố xây dựng “Nhà trường thông minh”, tiếp cận Cuộc CMCN 4.0 là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học; coi đây là điều kiện tiên quyết và là “chìa khóa” mở cánh cửa tri thức. Trên cơ sở bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, Học viện đã tiến hành khảo sát trình độ, khả năng sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo và chất lượng dạy, học, sử dụng ngoại ngữ; ban hành và cụ thể hóa hệ thống văn bản, quy chế, quy định khung về trình độ ngoại ngữ, tin học cho các đối tượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển, chuẩn chức danh cho đội ngũ nhà giáo; coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, trong đó giảng viên Bộ môn Ngoại ngữ, Khoa Ngoại ngữ, ngữ văn làm nòng cốt để triển khai các mô hình học tập và sử dụng ngoại ngữ. Đồng thời, coi trình độ ngoại ngữ là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và là điều kiện đủ để quy hoạch, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý
Từ năm 2016 đến nay, hằng năm Học viện đều tự mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo trong Học viện. Đồng thời, khuyến khích, động viên cán bộ, giảng viên tích cực đi đào tạo sau đại học, ngoại ngữ, tin học ở các cơ sở trong, ngoài Quân đội và ở nước ngoài, đi tham quan, khảo sát, học tập tại một số học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội có chất lượng, hiệu quả cao trong dạy, học ngoại ngữ và tin học để nâng cao trình độ toàn diện. Hiện nay, số cán bộ, giảng viên có trình độ B1, B2 theo khung tham chiếu Châu Âu đạt 55%; 67 đồng chí có bằng đại học thứ 2, cử nhân, thạc sĩ tiếng Anh, tiếng Nga; nhiều đồng chí đủ năng lực tham gia phiên dịch các hoạt động giao lưu, đối ngoại quân sự và hội thảo quốc tế. Các lần kiểm tra, kiểm định của Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), Học viện đều được đánh giá là một trong những nhà trường có môi trường dạy, học và sử dụng ngoại ngữ tốt.
Cùng với đó, Học viện tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt, kỷ luật nghiêm”; Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, … tạo môi trường sư phạm lành mạnh, khích lệ, động viên đội ngũ nhà giáo nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC LƯU