Câu chuyện của Đại tá Ngô Thanh Quang đưa tôi về những ngày này của chục năm về trước, khi ấy, anh đang là Phó Trưởng Phòng Quân y. Cùng đoàn cán bộ Ngành Y đi kiểm tra, khảo sát khắp các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ, đã đặt chân tới hầu hết các trạm Ra đa, các đại đội Pháo phòng không, các Tiểu đoàn Tên lửa, điều làm anh cũng như mỗi cán bộ y tế đều trăn trở là hầu hết trang thiết bị trong các buồng điều trị còn quá đơn giản, nghèo nàn, buồng điều trị của quân y phải ghép chung với phòng quản lí hay phòng ở chiến sĩ. Để quản lí, theo dõi sức khỏe cho bộ đội, y, bác sĩ không có phượng tiện khám chữa, nhiều lúc “lực bất tòng tâm”.
Nung nấu việc cải thiện buồng điều trị ở tuyến cơ sở, vừa được bổ nhiệm vị trí Trưởng Phòng năm 2011, việc lớn đầu tiên Đại tá Ngô Thanh Quang cùng các cán bộ Phòng quan tâm là lộ trình nâng cấp trang, thiết bị cho Ngành. Vừa đề nghị Cục Quân y, vừa tự tìm hướng tạo nguồn, đến nay, hầu hết các đơn vị, từ cấp Tiểu đoàn đã có phòng điều trị riêng và đã được củng cố, trang bị khá đầy đủ, từ giường i-nox bệnh nhân, tủ thuốc, máy điện tim, máy đo huyết áp, các bộ tiểu phẫu thuật đến những hộp y cụ chuyên dụng. Bệnh xá sư đoàn đã có máy siêu âm, điện tim, máy răng, máy nội soi tai, mũi, họng, máy xét nghiệm bán tự động sinh hóa và xét nghiệm nước tiểu… Đó là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng theo dõi, quản lí, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội cũng như giúp các đơn vị thực hiện hiệu quả hơn các chương trình quân, dân y kết hợp.
Bên cạnh đó, việc quản lí, chăm sóc sức khỏe phi công là mảng nhiệm vụ mang tính đặc thù, đòi hỏi phải có trang bị hiện đại và chuyên môn cao. Đã từng là Chủ nhiệm Quân y Trường Dự khóa bay, nơi khám tuyển và tạo nguồn học viên phi công quân sự, Đại tá Ngô Thanh Quang càng thấu hiểu điều đó. Những năm gần đây, khi các đơn vị Không quân được đầu tư các thế hệ máy bay mới, hiện đại, các phi công Quân sự phải thực hiện nhiệm vụ với khối lượng và tính chất công việc áp lực ngày một tăng thì nhiệm vụ của Ngành Y cũng phải vươn tầm cùng những cánh bay. Qua nhiều nỗ lực của Ngành, đến nay, hệ thống buồng hàng y ở các trung, lữ đoàn Không quân đã được đầu tư những trang thiết bị hiện đại như máy điện tim, siêu âm, máy kéo dãn cột sống, máy đo thích ứng sáng tối, máy điều trị vật lý trị liệu đa năng cho phi công, máy đo nồng độ cồn, hệ thống cáng chuyên ngành... Tuyến cao nhất trong công tác quản lí, chăm sóc sức khỏe phi công là Viện Y học PK-KQ cũng đã được đầu tư các trang bị hiện đại như buồng giảm áp, hệ thống kiểm tra thần kinh tâm lí, máy tập phóng ghế nhảy dù, máy đo thính lực đồ, máy chụp cộng hưởng từ…
Đồng bộ với trang thiết bị, trình độ của cán bộ y tế cũng được nâng lên đáng kể. Chia sẻ chuyện nghề, Đại tá Ngô Thanh Quang tâm sự, với những người làm công tác quân y, việc học tập để nâng cao trình độ chuyên môn không bao giờ là đủ. Là thầy thuốc trong Quân chủng PK-KQ, nội dung và tính chất công việc vừa đa dạng vừa mang tính đặc thù thì yêu cầu đó đặt ra càng cấp thiết. Đơn cử như để làm tốt việc tư vấn về sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên khoa mình đã được đào tạo, còn phải tự học hỏi để nắm được kiến thức về các chuyên khoa khác mới có cái nhìn tổng thể.
Với Đại tá Ngô Thanh Quang, những trăn trở với y học hàng không đã được anh đúc kết thành kiến thức và kinh nghiệm. Các văn bản pháp quy áp dụng ở buồng hàng y trước đây còn đơn giản và có những bất cập, anh đã bổ sung, hoàn thiện một cách đầy đủ, khoa học, trình Tư lệnh Quân chủng kí và ban hành, lấy đó làm quy định đối với cán bộ, nhân viên y tế các đơn vị Không quân trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, trên cơ sở “Điều lệnh giám định y khoa Không quân” được xuất bản và áp dụng từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, với vai trò là chủ nhiệm đề tài, anh cùng nhóm nghiên cứu đã bổ sung, tổng hợp, sắp xếp lại bố cục và trình lên cấp trên để xuất bản cuốn “Điều lệ giám định y khoa Không quân” mới. Cuốn sách vừa đề cập đến những quy định chung, vừa đưa ra những tiêu chí, quy định để lấy làm cơ sở trong khám tuyển sức khỏe và tuyển chọn học viên lái máy bay quân sự, trong giám định sức khỏe phi công và thành viên tổ bay. Cuốn sách đã trở thành cẩm nang đối với các y, bác sĩ hàng y.
Hơn ba chục năm gắn bó với nghề, qua các vị trí từ Chủ nhiệm Quân y Trường Dự khóa bay, Trưởng Ban Quân y Quân chủng, Đội trưởng Đội Phòng dịch đến cán bộ Phòng Quân y, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thầy thuốc như mẹ hiền”, Đại tá Ngô Thanh Quang đã hiện thực hóa những trở trăn về chuyện sức khỏe mặt đất, trên trời thành những đóng góp thiết thực xây dựng Ngành. Những danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng như Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (năm 2011), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2016) là những ghi nhận xứng đáng với anh.
HỒNG LINH