>>> Bài 2: Phát huy truyền thống, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện
Tại buổi tọa đàm, các vị tướng lĩnh, các phi công kỳ cựu của Quân chủng PK-KQ - những người từng đối đầu với không lực Hoa Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thế hệ đã viết nên trang sử hào hùng của Bộ đội Không quân anh hùng - đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, đào tạo, cơ động, chiến đấu… của Bộ đội Không quân nói riêng và Bộ đội PK-KQ nói chung. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về Bộ đội PK-KQ anh hùng.
Ảnh minh họa. Nguồn: QPVN
Mới hơn 7 giờ sáng, trước sân Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ đã nhộn nhịp. Những cái siết tay thật chặt, những nụ cười đôn hậu của các cựu chiến binh đã một thời sát cánh bên nhau, vào sinh ra tử khi đối đầu với không quân Mỹ. Chúng tôi nhìn kỹ và nhận ra khách mời đến dự tọa đàm hầu hết là những tướng lĩnh, những phi công nổi tiếng đã được ghi danh trong lịch sử của Bộ đội Không quân trước đây và Bộ đội PK-KQ ngày nay. Đó là Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân; Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng PK-KQ; Trung tướng Phạm Phú Thái, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Thiếu tướng Trần Việt, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp khác. Những câu chuyện của họ cả trong và ngoài cuộc tọa đàm, đã một lần nữa tái hiện hình ảnh Bộ đội Không quân anh dũng, thiện chiến trong chiến đấu, nỗ lực, dũng cảm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời bình.
Những ngày đầu trứng nước
Giờ giải lao, trước sảnh của Sở chỉ huy quân chủng, Trung tướng Trần Hanh, một trong những phi công tiêm kích đầu tiên của Quân đội ta có câu chuyện kể với các phóng viên quân đội. Trong câu chuyện của ông thì từ tháng 3-1949, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Ban Nghiên cứu không quân. Đây là một bước cụ thể trong lộ trình thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội ta chính quy, hiện đại với đầy đủ các lực lượng nòng cốt là Lục quân, Hải quân, Phòng không và Không quân. Tuy nhiên, ban này chỉ tồn tại một thời gian, sau đó các học viên được điều động đi làm nhiệm vụ khác. Đến ngày 3-3-1955, Bộ Quốc phòng tiếp tục thành lập Ban Nghiên cứu sân bay, đặt nền móng thực sự để cho ra đời các đơn vị không quân đầu tiên của Quân đội ta. Trung tướng Trần Hanh cho biết, khi ấy chúng ta chưa có phi công, mà Ban Nghiên cứu sân bay chủ yếu làm nhiệm vụ điều hành các sân bay hiện có, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm mặt đất phục vụ cho việc tổ chức lực lượng không quân sau này. Từ Ban Nghiên cứu sân bay này, đội ngũ cán bộ của Bộ đội Không quân đã hình thành và chúng ta đã lựa chọn được lứa học viên phi công đầu tiên gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Cho đến đầu năm 1959, lứa học viên phi công đầu tiên của ta đã hoàn thành chương trình đào tạo và về nước, làm nòng cốt để thành lập trung đoàn không quân vận tải đầu tiên của Quân đội ta là Trung đoàn 919. Cũng vào cuối năm 1959, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ về đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ đội Không quân, ta đã thành lập thêm hai cơ sở đào tạo phi công (đào tạo một phần) tại Hải Phòng và Gia Lâm (Hà Nội), đồng thời thành lập Trường Không quân Việt Nam 910. Việc kết hợp đào tạo trong nước và ngoài nước giúp thời gian đào tạo phi công của chúng ta đã được rút ngắn. Sau khi thành lập Quân chủng PK-KQ, tháng 2-1964, ta đã thành lập được trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên mang phiên hiệu 921, chuẩn bị cho cuộc đối đầu với không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Như vậy là trong điều kiện hết sức gian khó, nhưng chúng ta vẫn cho ra đời được lực lượng Không quân với những trang bị được coi là hiện đại thời bấy giờ, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Quân đội ta lên một bước mới.
Đối đầu với không quân Mỹ
Vẫn trong câu chuyện của Trung tướng Trần Hanh, ông kể: “Tháng 8-1964, Trung đoàn 921 cơ động về sân bay Nội Bài và khẩn trương làm công tác chuẩn bị để bước vào trực ban chiến đấu. Đến tháng 3-1965, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện báo cáo mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, các biên đội MiG-17 đã sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu, và ngày 3-4-1965, biên đội 4 chiếc MiG-17A do các phi công Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương lái (biên đội nghi binh, thu hút tiêm kích địch gồm 2 chiếc MiG-17A do Trần Hanh và Phạm Giấy lái) đã tiêu diệt 2 chiếc F-8U của không quân Mỹ, làm nên trận thắng đầu tiên của Bộ đội Không quân Việt Nam non trẻ, mở đầu cho việc "Mở mặt trận trên không thắng lợi".
Từ đó cho đến khi kết thúc đợt chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc lần thứ nhất (đầu tháng 11-1968), Không quân nhân dân Việt Nam đã có 2 trung đoàn không quân tiêm kích là 921 và 923. Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, hai trung đoàn không quân tiêm kích đã xuất kích 4.602 lần chiếc, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay gồm 19 kiểu loại của Mỹ, bắt sống 50 giặc lái, góp phần vào chiến công chung của toàn miền Bắc bắn rơi 2.200 máy bay của không quân Mỹ (tính đến hết tháng 10-1968). Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã cất cánh chiến đấu 51 lần chiếc, đánh chìm 3 tàu biệt kích, 1 tàu đổ bộ, bắn bị thương 3 chiếc khác, đánh hỏng 1 trạm ra-đa dẫn đường, 2 trực thăng của địch. Vận chuyển tiếp tế 402 lần chiếc, thả 3.115 dù, 631 tấn hàng, bay 206 chuyến chuyên cơ an toàn và hàng nghìn chuyến bay nhiệm vụ khác.
"Lập được những chiến công ấy là do Bộ đội Không quân nhận được sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, của quân đội và của đồng bào cả nước. Thêm nữa, trong chúng tôi khi ấy ai cũng mong mỏi được cất cánh, được ra trận đối đầu với kẻ thù. Chính những điều đó đã giúp cho Bộ đội Không quân trưởng thành nhanh chóng”-Trung tướng Trần Hanh nhớ lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn này chúng ta cũng bị mất 85 máy bay MiG các loại và một số phi công anh dũng hy sinh.
Đánh thắng pháo đài bay B-52
Ngoài lề cuộc tọa đàm, Trung tướng Phạm Tuân đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Ông kể việc đánh máy bay B-52 của Mỹ là một kỳ tích của quân và dân ta, trong đó Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ năm 1965, Bác Hồ đã nhận định thế nào Mỹ cũng đem B-52 ra ném bom miền Bắc, nên đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ tìm cách đánh B-52. Vì thế, chiến thuật “vào hang bắt cọp” đã được triển khai bằng cách bí mật đưa tên lửa của ta vào Quảng Bình để đánh chặn B-52. “Ngày 17-9-1967, Trung đoàn Tên lửa 236 đã bắn hạ 2 máy bay B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đến ngày 20-11-1971, anh Vũ Đình Rạng lái MiG-21 đã bắn bị thương B-52 trên vùng trời Khu 4. Đây cũng là trận đầu tiên MiG của ta bắn trọng thương B-52 của Mỹ”-Trung tướng Phạm Tuân kể. Sau này, Thiếu tá phi công Mỹ Ralph F.Wetterhahn (sau là một nhà văn)-người từng tham gia chiến dịch ném bom phá hoại các sân bay trên miền Bắc năm 1967-kể lại rằng, trung tuần tháng 11-1967, một máy bay B-52 của Mỹ bị tên lửa từ MiG-21 bắn trọng thương, cháy động cơ, thủng thùng dầu, phải hạ cánh khẩn cấp tại Nakhom Phanom, sau đó được tháo rời và đưa về Utapao (1).
Từ trận đầu không quân ta bắn bị thương B-52 cho đến tháng 4-1972, nghĩa là trước khi Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc thì việc tìm cách đánh B-52 đã được triển khai quyết liệt trong toàn lực lượng PK-KQ. Cũng trong vòng 8 tháng, kể từ khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc lần thứ hai (tháng 4-1972 đến giữa tháng 12-1972) Bộ đội Không quân đã liên tục xuất kích, liên tục chiến thắng. Có ngày không quân xuất kích tới 64 lần chiếc (10-5-1972) và có nhiều phi công mới lập công xuất sắc. Các trung đoàn mới thành lập như Trung đoàn 925, Trung đoàn 927 đã đánh thắng trận đầu và đạt hiệu suất chiến đấu cao. Kế hoạch bảo vệ bầu trời Hà Nội cũng đã được quân chủng hoàn thành.
Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1968: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội…”, sau khi trúng cử Tổng thống, Ních-xơn đã lật lọng, không thực hiện Bản dự thảo Hiệp định "Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" đã thảo luận trước đó mà đã cùng Lầu Năm Góc bí mật, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Cuộc tập kích này được Mỹ gọi là chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II", với lực lượng gồm 193 máy bay chiến lược B-52 (chiếm xấp xỉ 50% lực lượng không quân chiến lược Mỹ), toàn bộ không quân chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ ở Đông Nam Á, bao gồm 5 biên đội tàu hải quân, gần 1.000 máy bay các loại, 50 máy bay KC-135 tiếp dầu trên không và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại khác.
“Do đã có sự chuẩn bị từ trước, Bộ đội Không quân phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, kịp thời xuất kích, đánh nhiều trận, lập công xuất sắc. Đặc biệt, trong trận đánh đêm 27-12-1972, tôi lái MiG-21 vượt qua hàng rào dày đặc máy bay tiêm kích, bắn rơi 1 máy bay B-52 trên vùng trời Tây Bắc. Rồi đến ngày 28-12-1972, đồng chí Vũ Xuân Thiều cũng bay MiG-21 bắn rơi 1 chiếc B-52 tại Sơn La, bẻ gãy mũi tiến công bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội. Trong trận này, anh Thiều đã anh dũng hy sinh”-Trung tướng Phạm Tuân kể.
Thất bại nặng nề trên bầu trời miền Bắc, ngày 30-12-1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, từ Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Pa-ri bàn việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 Bộ đội Không quân đã xuất kích 30 lần chiếc, đánh 8 trận, bắn rơi 7 máy bay địch; trong đó, có 2 máy bay B-52, bắt sống 5 giặc lái, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không tiêu diệt địch. Toàn chiến dịch, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52. Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Chiến thắng này cũng đập tan thần tượng "siêu pháo đài bay" và cái gọi là "uy thế không lực Hoa Kỳ", đánh sập ý tưởng "thương lượng trên thế mạnh" của Ních-xơn, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri vào ngày 27-1-1973, tạo ra thế và lực mới cho Cách mạng Việt Nam.
Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Không quân đã được trên giao nhiệm vụ mở mũi tiến công từ trên không vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, chỉ sau 6 ngày luyện tập khẩn trương, chiều 28-4-1975, “Phi đội Quyết thắng” gồm 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Trần Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung của Trung đoàn 923 và 1 phi công của ngụy đã được giáo dục, cải tạo là Trần Văn On đã sử dụng máy bay A-37 vừa thu được của địch, cất cánh từ sân bay Phan Rang, bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 25 máy bay của ngụy. Chiến công xuất sắc này đã khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của Bộ đội Không quân, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 320 máy bay trong số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ, trong đó có 2 máy bay B-52. Chiến công đó đã khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành không ngừng của Bộ đội PK-KQ nói chung và Bộ đội Không quân nói riêng.
Từ khói lửa của cuộc chiến tranh, Bộ đội Không quân đã đi từ không đến có, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng, dám xả thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt, Bộ đội Không quân đã vô cùng sáng tạo trong nghiên cứu, sử dụng các loại vũ khí, trang bị, phương tiện mới, hiện đại lúc bấy giờ. Khi tiếp nhận các loại máy bay, khí tài mới, chỉ trong thời gian ngắn là Bộ đội Không quân đã có thể làm chủ và đưa vào chiến đấu hiệu quả. Truyền thống đó vẫn tiếp tục được Bộ đội PK-KQ ngày nay phát huy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu để luôn giữ thế chủ động trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Theo qdnd.vn
(1) Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía, Nxb QĐND, 2013, tr.557