Chiến sĩ quân y Phòng không - Không quân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh
Trong những ngày này, hàng chục y, bác sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đang có mặt tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh để kịp thời hỗ trợ các lực lượng thăm khám, điều trị, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho các bệnh nhân COVID-19 với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó vừa góp phần “chia lửa” công tác phòng, chống dịch với ngành y tế địa phương, vừa tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho nhân dân quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần
Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2, tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang, Thiếu tá Nguyễn Toàn Chung - Bác sĩ Khoa Khám tuyển phi công, Viện Y học PK-KQ, lại đăng ký lên đường vào “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, anh cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu luôn phải căng mình làm việc với cường độ cao, chung tay cùng địa phương chống dịch. Thiếu tá Nguyễn Toàn Chung cho biết: “Đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác PCD tại Bắc Giang nên chuyến công tác lần này xác định dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả hơn, tôi sẽ luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, mang những kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ Nhân dân”.
Y, bác sĩ Viện Y học PK-KQ khám, điều trị COVID-19 tại nhà cho Nhân dân Phường 4, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện nhiệm vụ ở tâm dịch là phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, nguy cơ lây nhiễm cao; bên cạnh đó, không ít đồng chí gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Bố, mẹ già yếu, con còn nhỏ… song khi có kế hoạch tăng cường vào miền Nam chống dịch, tất cả các y, bác sĩ của Quân chủng đều xung phong, tình nguyện lên đường. Thượng úy QNCN Nguyễn Hà Giang - Y sĩ, Ban Quân y Sư đoàn 361 và anh trai là Thượng úy QNCN Nguyễn Phi Long - Nhân viên Khoa Khám bệnh, Viện Y học PK-KQ, là hai trong số đó. Cả hai anh em đều có vợ hiện đang công tác trong ngành Y tế nên cũng là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Mặc dù vậy, hai anh em đều sắp xếp công việc gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ. Thượng úy QNCN Nguyễn Hà Giang chia sẻ: “Là một chiến sĩ quân y tôi luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tổ chức giao phó. Tăng cường làm nhiệm vụ chống dịch cũng là cơ hội tốt để chúng tôi rèn luyện bản lĩnh, trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn; đặc biệt là nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì cộng đồng, sẵn sàng dấn thân vào những nơi gian khó để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân”.
Hết lòng vì nhân dân phục vụ
Ngay sau khi có mặt tại TP Hồ Chí Minh, theo sự phân công của địa phương, các y, bác sĩ của Quân chủng trở thành lực lượng nòng cốt của các tổ quân y cơ động, khẩn trương có mặt tại các “điểm nóng” trên địa bàn Quận 10 và Quận 11, để tăng cường cho các trạm y tế lưu động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương cao độ nên các chiến sĩ quân y PK-KQ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình mọi mặt, tiếp cận và hòa nhịp ngay vào trạng thái khẩn trương chống “giặc dịch” của địa phương. Đại úy Lê Anh Đức - Bác sĩ Khoa Nghiên cứu và Huấn luyện chuyên ngành, Viện Y học PK-KQ, chia sẻ: “Từ 4 giờ sáng, chúng tôi dậy để lấy mẫu xét nghiệm cho lực lượng shipper; đồng thời, chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Không chỉ đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà bệnh nhân F0 để thăm khám, điều trị, phát thuốc mà chúng tôi còn tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong các khu dân cư; tư vấn, điều trị và cấp cứu cho nhân dân trên địa bàn; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác theo yêu cầu”.
Địa bàn hoạt động rộng, bệnh nhân đông trong khi lực lượng có hạn nên cường độ làm việc của các chiến sĩ quân y rất vất vả. Mặc dù vậy, anh em luôn túc trực bất kể ngày đêm, khi người dân hoặc địa phương có yêu cầu là lên đường. Đại úy Phạm Minh Tuyển - Bác sĩ Khoa Ngoại - Hồi sức cấp cứu, Viện Y học PK-KQ, chia sẻ kỷ niệm: “Vào 23 giờ 15 phút đêm 9-9, anh em vừa lên giường nghỉ sau khi phục vụ một ca cấp cứu thì tiếp tục nhận được điện thoại hỗ trợ một sản phụ chuyển dạ thuộc Phường 8, Quận 10. Khi nhìn thấy chúng tôi đến, cả gia đình ai cũng vui mừng, phấn khởi. Lúc này, sản phụ đã chuyển dạ nhưng còn nguyên dây rốn và do mất máu nhiều nên cơ thể rất nhợt nhạt, tinh thần hoảng loạn… Vừa tiến hành một số biện pháp hồi sức cấp cứu, chúng tôi vừa động viên nên chỉ ít phút sau, sức khỏe, tinh thần của sản phụ đã ổn định hơn. Chỉ cần được chăm sóc, điều trị, mang niềm vui, hạnh phúc đến với nhân dân là mọi vất vả, áp lực trong ngày lại tan biết hết”.
Công tác trong tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm cao, khu vực ăn nghỉ của các y, bác sĩ là tại các địa điểm công cộng như trường học, trạm y tế lưu động, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng… điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn, song ai nấy luôn giữ vững tinh thần quyết tâm, hết lòng vì nhân dân phục vụ, qua đó, đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Bài, ảnh: MINH KHÔI, CÔNG GIANG