Không để tự phê bình và phê bình mãi là khuyết điểm của đảng viên
Tồn tại như một cố tật; một phản xạ mang tính “di truyền” trong không ít đảng viên khi nhận trước Đảng rằng, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của mình còn hạn chế… Hạn chế từ đâu? Vì sao lại hạn chế từ ngày, tháng, năm này, thế hệ này sang ngày, tháng, năm khác, thế hệ khác… Đó có phải là hiển nhiên hay không? Có khắc phục, sửa chữa được không? Sửa chữa từ đâu, bằng cách nào?... Đó là những điều chúng tôi muốn đưa ra để chúng ta cùng luận bàn và tự soi, tự sửa.
Có phải là hiển nhiên?
Chúng ta phải đồng thuận rằng, một tổ chức Đảng mạnh là phải biết tập trung và phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ tập thể. Trong đó, sức mạnh trí tuệ tập thể lại được xây dựng nên từ những cá nhân cụ thể. Điều đó đồng nghĩa là những cá nhân cụ thể phải biết rõ những ưu điểm của mình để phát huy và khuyết điểm, yếu kém của mình để khắc phục sửa chữa mới thực sự là cá nhân mạnh. Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là chế độ thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.
Thẳng thắn phê bình trực tiếp giữa giáo viên với học viên phi công bay ở Trung đoàn 920,
Trường SQKQ đã giúp học viên phi công nhanh chóng trưởng thành.
Khi nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”. Vì vậy, Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.
Lẽ thường trong cuộc sống, con người ta thường thích được khen và không thích bị chê. Và chẳng ai không một lần mắc phải sai lầm, khuyết điểm. Song, chúng tôi cho rằng, thái độ của một đảng viên cách mạng là phải nhận ra sai lầm của mình, chỉ ra sai lầm của đồng chí mình để cùng giúp nhau khắc phục.
Chúng tôi đồng tình rằng tồn tại những khuyết điểm, sai lầm là tất yếu đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Điều khác nhau là ở mức độ. Tuy nhiên, sự tồn tại những khuyết điểm, yếu kém có tính chất lặp lại là không thể chấp nhận. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và nghiêm túc sửa chữa. Để tính đấu tranh phê bình và tự phê bình trở thành điểm mạnh của Đảng viên.
Có bệnh phải chữa bệnh
Thật lạ lùng từ ngày, tháng, năm này, thế hệ này sang ngày, tháng, năm khác, thế hệ khác, đảng viên ta luôn nhận mình còn nhiều hạn chế trong đấu tranh phê bình và tự phê bình mà không hề sửa chữa, khắc phục, trong khi lại thừa nhận, đấu tranh phê bình và tự phê bình là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển ở mỗi tổ chức Đảng, đảng viên.
Theo chúng tôi, thang thuốc đặc trị cho căn bệnh suy thoái đạo đức, lối sống lúc này chính là phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi di chúc của Người đã để lại thật minh triết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”.
Chữa như thế nào?
Cái khó nhất của tự phê bình là phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình. Theo lẽ thường thì người ta ai cũng muốn nói về những cái tốt của mình hơn là nói về những điều chưa tốt, những thiếu sót của mình. Đây là một hạn chế, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thành khẩn, phải biết lắng nghe, phải không ngừng học hỏi và rèn luyện đạo đức. Bởi cho cùng, nếu đảng viên không tự xem xét, không tự phê bình mình thì không bao giờ tiến bộ được.
Ai cũng có những ưu điểm của mình và cũng có lúc sẽ mắc phải những khuyết điểm, sai sót. Do đó phải cổ vũ, phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt và tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm nhằm hướng đến hoàn thiện, tiến bộ hơn.
Nếu chỉ nói cái xấu, chỉ trích nhau là sai lệch, làm mất ý nghĩa của phê bình, nhưng nếu cổ vũ ưu điểm, những thành quả đạt được không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, xu nịnh và nó sẽ là cơ hội, là đồng minh của chủ nghĩa cá nhân, của việc kết bè kết cánh, cục bộ gây mất đoàn kết, làm giảm sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do đó, đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thấu đáo về điều mình sẽ trình bày, không thêm bớt ưu khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả, càng phát huy ý nghĩa bấy nhiêu.
Cùng với cả nước, trong những năm qua, cán bộ, Đảng viên của Quân chủng đã phát huy cao độ tâm, trí, lực trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Coi đây là nhiệm vụ cách mạng hàng đầu cho sự tồn tại và phát triển đi lên của Đảng ta, đất nước ta. Tuy nhiên, không chủ quan khi thấy rằng, đa phần đảng viên và các tổ chức đảng trong Quân chủng vẫn luôn tự nhận rằng, cá nhân, tổ chức mình còn có những hạn chế trong đấu tranh phê bình và tự phê bình. Điều này không những thể hiện ở những tổ chức, cá nhân chưa tốt mà ngay cả những tổ chức mạnh, cá nhân xuất sắc được khen thưởng. Tại sao lại như vậy? Đó là câu hỏi không khó đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, đảng viên ta phải nghiêm túc trả lời và khắc phục.
Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH