Thầm lặng lính công binh thời bình:
Kỳ 2: Khi cán, binh "3 cùng"
Do đặc thù nhiệm vụ, quân số của Lữ đoàn 28 luôn phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn rộng khắp đất nước, ở cả vùng sâu, vùng xa cộng với tính chất hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; điều kiện sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn; trang bị kỹ thuật tuy được bổ sung mới nhưng ít, đơn vị chủ yếu khai thác các trang bị cũ, xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp… Vậy làm sao để khắc phục những khó khăn, thử thách, gian nan đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Vui vẻ chia sẻ với tôi về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Đại tá Trịnh Văn Chuyển - Lữ đoàn trưởng cho biết, tính đến trung tuần tháng 10-2016, Lữ đoàn 28 đã cán đích thi công 19 công trình với tổng khối lượng: Khoan nổ 11.550 m3 ; đổ bê tông 4.725,66 m3; đào đắp 20.130 m3; xây các loại 1.077 m; trát các loại: 4.413 m2; sơn, quét vôi ve: 4.451,8 m2; san gạt: 13.650 m2; lu lèn: 2.112 m3; cậy đổ khe matis: 4.727 m; rà phá bom mìn vật nổ 119ha; đổ xi cát đá dăm: 1.257 m3. Khi tôi đặt câu hỏi, nguồn lực, sức mạnh nào khiến các anh hoàn thành khối lượng công việc lớn thế thì anh Chuyển nhường lời cho Thượng tá Trịnh Thanh Tiện - Phó Lữ đoàn trưởng. Theo anh Tiện thì bao năm qua, đối với các đơn vị trực tiếp thi công các công trình của Lữ đoàn như Tiểu đoàn 29; Tiểu đoàn 31… ngoài cán bộ khung được bố trí đến cấp trung đội thì chủ yếu là chiến sĩ. Với đặc thù công việc tương đối nặng nhọc lại thường xuyên dịch chuyển nay đây, mai đó, nếu không có sự đồng thuận thực sự trên tinh thần tự nguyện, tự giác thì khó mà có thể hoàn thành nhiệm vụ…”.
Đội rà phá bom mìn, vật nổ (Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 28)
thực hiện chuyển bom khỏi Sân bay Kép để xử lý.
Đại tá Trịnh Văn Chuyển - Lữ đoàn trưởng cho tôi biết thêm: Để xây dựng được mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị để mọi người cùng đồng cam, cộng khổ với nhau trên tinh thần vì nhiệm vụ chung là một việc làm không hề đơn giản, nhất là khi chiến sĩ mới về đơn vị. Ở các đơn vị thi công có đủ các thành phần và đa số là chiến sĩ. Mỗi chiến sĩ ở đơn vị đều có những hoàn cảnh, trình độ, sở thích, sở trường và cá tính khác nhau, vậy nên cấp ủy và chỉ huy các cấp luôn xác định, nếu không “3 cùng” với chiến sĩ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ thì hiệu quả công việc sẽ không cao, ấy là chưa nói đến những vấn đề tư tưởng tiêu cực nảy sinh mà hậu quả thì không thể lường trước được”.
“Cùng ăn ở, cùng sinh hoạt học tập, cùng làm việc với nhau là nếp sống nhiều năm qua ở hầu hết các đơn vị của Lữ đoàn 28. Chính sự “3 cùng” tự nguyện, tự giác và nêu gương của đội ngũ cán bộ khung đã làm anh em chiến sĩ đơn vị gắn bó, tự tin với nhiệm vụ mình được giao…” - Trung tá CN Nguyễn Văn Tề - Nhân viên Kế hoạch thi công Lữ đoàn 28, người gắn bó với hầu hết các công trình mà Lữ đoàn 28 thi công trên khắp mọi miền của đất nước chia sẻ với tôi.
Một lòng vì nhiệm vụ
Dù vết thương do trượt chân vì cố vác tảng đá chưa lành và phải mang chiếc băng trắng trên tay nhưng Binh nhì Nguyễn Minh Trường - Chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 31 vẫn say sưa làm việc với đồng đội. Khi tôi hỏi Trường là tại sao không xin nghỉ cho lành hẳn đã, Trường cho biết: “Vết thương cũng tương đối ổn định rồi anh ạ! Thấy cán bộ và anh em làm việc, mình ngồi không cũng thấy áy náy lắm. Thôi thì chia sẻ được chút nào hay chút ấy, đau ít thì làm ít hơn nhưng vui anh ạ…”.
Cùng chung ý nghĩ với Trường, Binh nhì Nguyễn Quang Cường, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên tâm sự: “Lao động tuy có vất vả một chút, nhưng anh em chúng em luôn vui vẻ và coi nhau như anh em một nhà. Vậy nên, trong công việc, ai khỏe hơn sẽ tự nguyện làm việc nặng hơn người yếu. Cách sống, cách làm việc này chúng em học được từ cán bộ trong đơn vị…”.
“Thế Sơn thì sao?” - Tôi hỏi Binh nhì Hoàng Văn Sơn và được Đại úy Nguyễn Minh Đạt - Chính trị viên Đại đội 10 tiếp lời: “Trước đây, chưa từng trải qua vất vả, khó khăn, cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình nên những ngày đầu hòa nhập vào môi trường quân ngũ là thử thách không nhỏ đối với Sơn. Nhưng được sự giúp đỡ từ đồng đội, cùng sự động viên, chỉ bảo tận tình của cán bộ đại đội, giờ đây Sơn đã trở thành anh lính công binh lành nghề”.
Tôi chăm chú nhìn cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Người nào cũng đen nhẻm, tóc đỏ quạch và cứng như rễ tre mà vẫn phơi phới làm việc. Dường như cảm nhận được sự thắc mắc của tôi, Đại úy Vương Quốc Đạt - Đại đội trưởng, mỉm cười: “Đơn vị đang cùng lúc thi công nhiều công trình khác nhau. Thời tiết ở công trường nào cũng khắc nghiệt nên mới thành ra thế. Nhưng anh thấy đấy, tinh thần vượt khó, vươn lên của cán bộ, chiến sĩ được thể hiện rõ nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm”.
Công việc gấp của tòa soạn khiến tôi lỡ hẹn cùng ăn bữa cơm chiều với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 dù mâm cơm đã được dọn ra. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, tươi rói và loáng thoáng những câu chuyện không đầu, chẳng đuôi về công việc vừa làm chiều nay, lòng tôi ấm áp và hẹn họ ngày mai trên những công trình mới.
NGÔ TIẾN MẠNH
>>> Kỳ cuối: Trong tình đất ấm tình người