Kỹ sư trẻ đam mê sáng tạo
Chúng tôi đến Trung đoàn 921 (Sư đoàn 371) đúng dịp đơn vị đang triển khai thực hiện Ngày kỹ thuật. Khác với không khí sôi động, hối hả tại khu vực ngoại trường, công việc của những cán bộ, kỹ thuật viên ở Phân Xưởng Vô tuyến điện tử, Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật hàng không có phần lặng lẽ hơn. Bên những khối máy được sắp đặt khoa học, gọn gàng trên giá, Đại uý Nguyễn Kim Bộ - Phân Xưởng trưởng đang cùng các đồng nghiệp miệt mài hiệu chỉnh, đồng bộ các tham số từng khối máy theo đúng quy trình công nghệ.
Đại úy Nguyễn Kim Bộ (ngoài cùng bên phải) kiểm tra các thiết bị vô tuyến điện tử tại Phân xưởng.Trò chuyện với anh chúng tôi được biết, đơn vị đóng quân ở nơi có điều kiện thời tiết không thuận lợi, hằng năm thời gian mưa ẩm kéo dài, mùa Hè thì nắng nóng thường xuyên ở nhiệt độ cao, tác động không nhỏ đến khí tài, đặc biệt là linh kiện, thiết bị vô tuyến điện tử trên máy bay đã qua nhiều năm sử dụng, hoạt động cường độ cao. Bên cạnh đó, khí tài đơn vị quản lý khai thác, sử dụng đã qua thời gian dài sử dụng nên tần suất phát sinh hỏng hóc thường xuyên và không theo quy luật, khó phán đoán… gây không ít khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Trước thực tế đó, Đại úy Nguyễn Kim Bộ cùng cán bộ, nhân viên trong Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật hàng không đã nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật áp dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả cao.
Một trong những sáng kiến nổi bật trong thời gian gần đây của Đại uý Nguyễn Kim Bộ và các đồng nghiệp là chế tạo thành công “Thiết bị kiểm tra đài chỉ chuẩn A-611 của máy bay Su-22M4 tại mặt đất”. Đài chỉ chuẩn A-611 làm việc ở hệ thống hạ cánh ILS, CN-50 và CN-70. Thành phần của đài A-611 bao gồm: Khối máy thu; ăng ten và cáp ăng ten; công tắc nguồn và đèn Mapkep. Trước đây, khi thông điện kiểm tra đài ở trên máy bay, nếu có hỏng hóc xảy ra, trong tai nghe không có tín hiệu âm thanh, đèn chỉ báo Mapkep không sáng. Quá trình bảo dưỡng, sửa chữa vì không xác định được chính xác tham số nên không thể xác định được tình trạng kỹ thuật của khối máy cần thay thế, khắc phục hỏng hóc trên máy bay. Trong khi đó, quá trình thay thế khối mới gây tốn kém kinh phí cũng như thời gian và công sức của bộ đội.
Thực trạng đó khiến Đại uý Nguyễn Kim Bộ rất trăn trở, anh đã tìm đọc và nghiên cứu các tài liệu về đài chỉ chuẩn A-611 và những thiết bị cùng loại trên máy bay Su-30 rất kỹ lưỡng. Sau đó, Nguyễn Kim Bộ lên ý tưởng thiết kế, bàn bạc với các đồng nghiệp. Trước khi bắt tay vào việc, anh xác định việc chế tạo thiết bị sẽ tiến hành kết nối đài chỉ chuẩn A-611 cùng các máy phát tín hiệu để kiểm tra đài ở các chế độ làm việc chính xác nhất và các tham số thiết kế cũng cần bảo đảm có tính mở trong lựa chọn phương án thiết kế chế tạo hoặc trong trường hợp phải mở rộng, hoàn thiện tính năng cho thiết bị về sau.
Sau thời gian vượt qua nhiều khó khăn về vật tư, đặc biệt là các linh kiện điện trở và tụ điện, anh đã lựa chọn các linh kiện cũ nhưng vẫn hoạt động ổn định và chính xác trên các máy bay để hỗ trợ công tác thiết kế và thử nghiệm. Sau thời gian nghiên cứu, sáng kiến đã hoàn thành các nội dung. Sau khi kiểm tra chức năng và hiệu chỉnh trong Xưởng, sản phẩm đã được hoàn thiện về mặt nguyên lý, mạch điện, bản vẽ thiết kế, cơ cấu cơ khí với 1 thiết bị kiểm tra đài chỉ chuẩn A-611 của máy bay Su-22M4 ở mặt đất; các tài liệu kỹ thuật, bản vẽ thiết kế và báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Khi tiến hành áp dụng trong thực tiễn, thiết bị đã kết nối tốt với các máy phát tín hiệu để kiểm tra đài ở các chế độ làm việc và các tham số kỹ thuật. Thiết bị đưa ra các tín hiệu từ đầu ra máy thu và đưa kết quả hiển thị trên đồng hồ đo và đèn báo bao gồm kết quả: Tự kiểm tra khả năng làm việc của đài ở các tín hiệu; kiểm tra độ nhạy máy thu ở các tần số điều chế; độ nhạy cửa ra tách sóng; điện áp thấp tần cửa ra tách sóng; độ ổn định điện áp hay sự làm việc ổn định của mạch APY.
Việc chế tạo thành công “Thiết bị kiểm tra đài chỉ chuẩn A-611 của máy bay Su-22M4 tại mặt đất” đã giúp đơn vị giải quyết được bài toán ứng dụng thực tiễn, giúp nhân viên kỹ thuật thuận lợi trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa đài, tăng tính chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Sau khi thành công với sáng kiến này, Đại uý Nguyễn Kim Bộ tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống kiểm tra đài định hướng ARK nhằm thiết kế 1 máy phát tín hiệu có thể thay thế đài K1 và K2, qua đó tháo gỡ khó khăn trong công tác chuyên môn.
Trung tá Nguyễn Cảnh Toàn - Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 921 bày tỏ niềm tự hào khi nói về cấp dưới của mình: “Đồng chí Bộ là cán bộ trẻ, tâm huyết và đam mê với công việc. Đồng chí rất chịu khó tìm tòi và đã cho ra đời nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật thiết thực nhằm kiểm tra, duy trì, nâng cao độ tin cậy của các thiết bị máy lẻ của ngành Vô tuyến điện tử trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa hỏng hóc. Đồng chí cũng thường xuyên theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng các kỹ sư trẻ mới ra trường về đơn vị công tác, giúp đồng nghiệp nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn; đồng thời lãnh đạo Phân xưởng Vô tuyến điện tử hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG