Tháng 4 ở đoàn Hồng Lĩnh
Một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi cùng Thượng tá Lê Hoạt - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 280 trở lại thăm đơn vị cũ. Chúng tôi có mặt tại trận địa Đại đội 72 khi đơn vị vừa hoàn thành buổi huấn luyện bắn máy bay tầm thấp. Trung úy Bùi Văn Thế - Chính trị viên Đại đội giới thiệu: “Đây là bác Lê Hoạt, người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cùng đồng đội bắn rơi máy bay địch tại Gầm Bầu, Sông Bé ngày 25-4-1975, đây là chiếc máy bay cuối cùng Trung đoàn bắn rơi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Sau lời giới thiệu, các pháo thủ trẻ ùa đến, tiếng cười nói xôn xao trận địa. Sau lời thăm hỏi ân cần về tình hình sinh hoạt, học tập huấn luyện của đơn vị, người cựu chiến binh già kể lại câu chuyện của 48 năm về trước…
Thượng tá Lê Hoạt - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 280 thăm động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đội 72.Được lệnh hành quân thần tốc tham gia chiến dịch, ngày 29-3-1975, 67 chiếc xe của Trung đoàn 280 xuất phát từ Hà Trung, Thanh Hoá đến phía Nam phà Long Đại. Trong quá trình hành quân, tin thắng dồn dập báo về, bộ đội phấn khởi động viên nhau khắc phục khó khăn, sửa chữa xe pháo để đi nhanh đến đích. Tối ngày 9-4, Trung đoàn được lệnh vào Cam Lộ nhận xăng dầu và nhập tuyến hành quân theo đường Tây Trường Sơn và di chuyển dưới sự hướng dẫn của các binh trạm Đoàn 559. Trước khi lên đường, các cán bộ, chiến sĩ được phổ biến chỉ thị: Toàn quân hãy tiến lên với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trên tuyến đường Trường Sơn, xe tăng, xe kéo pháo, xe kéo khí tài, xe tải của các đơn vị nối đuôi nhau hành quân tiến về phía trước không kể ngày đêm. Sau 16 ngày liên tục hành quân, Trung đoàn đã vượt qua chặng đường dài 1.200km trong điều kiện đầy khó khăn, gian khổ. Đến ngày 24-4-1975, toàn đơn vị đã tập kết ở Ngầm Bầu, Sông Bé và ngay tối đó được nhận lệnh bảo vệ Ngầm Bầu. Ban chỉ huy Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 102 cơ động vượt ngầm, bố trí trận địa ở phía Nam, 2 Tiểu đoàn 103 và 105 triển khai trận địa ở phía Bắc ngầm. Dù trải qua quãng đường đầy mệt mỏi, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, triển khai đặt pháo, sẵn sàng chiến đấu. Tất cả hướng tới nhiệm vụ bảo vệ giao thông- hướng quan trọng của chiến dịch, bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh mạnh, bảo vệ an toàn ngầm và lực lượng vượt ngầm.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 25-4, nhiều tốp máy bay trực thăng UH-1 và UH-1B xuất hiện ở vùng Tân Uyên, Ba Đá. Sau khi lượn vòng ở các khu vực trên, 4 chiếc tách đội hình bay về hướng Ngầm Bầu. Đến ngầm, chúng sà xuống thấp trinh sát và bắn xăm xung quanh khu vực nơi quân ta đang vận chuyển gạo và vũ khí. Sau khi hội ý, đồng chí Đào Khắc Sương - Chính ủy Trung đoàn hội ý với đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Ngọc Đoàn lệnh cho các đơn vị nổ súng. Nhận lệnh của Trung đoàn, Đại đội 9, Tiểu đoàn 103 được bố trí pháo 57mm trên đồi cao đã đồng loạt nhả đạn. Cùng lúc đó, hoả lực của Tiểu đoàn 102, 105 cũng dồn dập bắn lên. 1 chiếc UH-1A trúng đạn bốc cháy, rơi xuống Ngầm Bầu giữa tiếng reo hò vang dội của lực lượng trong đội hình binh chủng hợp thành. Đó là chiếc máy bay thứ 307, đồng thời cũng là chiếc máy bay cuối cùng Đoàn Hồng Lĩnh đã bắn rơi trong chiến tranh.
Sau chiến thắng này, đơn vị tiếp tục nhận lệnh vượt Sông Bé, phối thuộc chiến đấu bảo vệ đội hình của Sư đoàn bộ binh 320 và Lữ đoàn xe tăng 202, đánh địch giải phóng Tâm Uyên, Lái Thiêu, Bình Triệu và tiến vào Sài Gòn đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ngày 27-4, toàn Trung đoàn tập trung làm công tác chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu trong hành tiến. Theo quy định của Bộ chỉ huy Chiến dịch lúc đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều buộc 1 khăn đỏ trên cánh tay trái làm ám hiệu. Đồng chí Chính uỷ Trung đoàn phải lệnh cho Ban Chính trị cắt hết số băng, khẩu hiệu để phát cho bộ đội trước khi vào chiến dịch. 0 giờ ngày 30-4, sau một loạt pháo hiệu và tiếng nổ rầm trời của bộc phá do lực lượng công binh mở đường, lực lượng Trung đoàn được chia thành 3 khối: Tiểu đoàn 105 đi đầu theo sau xe tăng, thiết giáp; 102 đi giữa bảo vệ bộ binh cơ giới; Tiểu đoàn 103 đi gần cuối có nhiệm vụ vừa hành quân, vừa chiến đấu trên không và mặt đất. Tất cả đều nhằm hướng quốc lộ 13 sau đó tiến lên Tân Uyên, Thủ Dầu Một. Gần 10 giờ sáng, địch ở Tân Uyên bắn vào đội hình bộ binh ta, tạo điều kiện cho bọn địch trên những khu nhà 2 tầng bắn xuống. Bộ binh ta không lên được, xe tăng cũng không vào được vì phía trước có bãi mìn và giao thông hào. Trước tình hình đó, Trung đoàn quyết định đánh địch mặt đất. Đại đội 14 được lệnh cắt 2 khẩu pháo 37mm khỏi xe, dùng tay kéo lên gò cao bắn vào lô cốt và sau đó tiếp tục điểm xạ vào khu nhà 2 tầng tiêu diệt gọn tàn quân địch ẩn náu. Bộ binh ta được dọn đường, thừa thắng xông lên làm chủ cứ điểm Tân Uyên. Tại Lái Thiêu, quân Ngụy của Sư 5 bộ binh kháng cự quyết liệt, ngăn bước tiến công của ta. Tiểu đoàn 102 đã triển khai đội hình của Đại đội 4 dừng lại cách địch 400m, dùng 2 khẩu pháo 57mm bắn thẳng, tiêu diệt gọn 2 lô cốt. Trước uy lực sát thương của ta, địch phải đầu hàng. Đội hình binh chủng hợp thành của Quân đoàn 1 tiếp tục tiến quân vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy.
Cả Trung đoàn 280 tiếp tục hành tiến trong đội hình Quân đoàn 1 với khí thế “Thần tốc, quyết thắng”. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn viết trên mũ, trên tay áo và cả trên xe, trên lá chắn pháo lời hịch bất tử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút chiến thắng, non sông thu về một mối. Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nghe Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng khi vẫn còn ngồi trên xe, pháo.
Câu chuyện lịch sử được tái hiện sinh động qua lời kể của người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch đã khiến cán bộ, chiến sĩ trẻ của Đoàn Hồng Lĩnh ngày hôm nay càng xác định quyết tâm tích cực luyện rèn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống mà lớp lớp thế hệ cha anh đã xây đắp nên.
BÍCH PHƯỢNG