6 giờ:44 phút Thứ ba, ngày 16 tháng 7 , 2024

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc

Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng, ngày 16-7-1964, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 79/QĐ-QP, tách Hệ Cao xạ ra khỏi Trường Sĩ quan Pháo binh, thành lập Trường Sĩ quan Cao xạ trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ). Từ đó, ngày 16-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Học viện PK-KQ.

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc
Thủ trưởng Ban giám đốc Học viện PK-KQ tặng hoa chúc mừng cán bộ, học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập, bắn đạn thật cuối khóa năm 2024.

Ngay sau ngày thành lập, thực hiện phương châm “Nhà trường gắn liền với chiến trường”, Nhà trường đã đưa một số tiểu đoàn đi chiến đấu. Tại tuyến lửa Quân khu IV, cán bộ, học viên của Nhà trường đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, hiệp đồng chặt chẽ với quân và dân địa phương lập nhiều chiến công xuất sắc; đánh hàng trăm trận, bắn rơi và bị thương nhiều máy bay các loại của không quân Mỹ, trong đó có chiếc thứ 100 bị bắn rơi trên bầu trời Miền Bắc. Trước nhu cầu đào tạo cán bộ PK-KQ đòi hỏi rất lớn, ngày 15-12-1967, Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định đổi tên Trường Sĩ quan Cao xạ thành Trường Sĩ quan Phòng không. Đến ngày 23-10-1980, Trường Sĩ quan Phòng không được tách ra thành 2 trường: Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Tên lửa-Ra đa và Trường Sĩ quan Pháo Phòng không; tháng 11-1987 sáp nhập trở lại thành Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Phòng không. Cũng trong thời gian này, ngày 14-6-1986, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 751/QĐQP thành lập Trường Trung cao cấp Phòng không trên cơ sở của Trường Tập huấn 582, Trường Đảng và 2 Hệ đào tạo cán bộ trung đoàn của 2 trường Sĩ quan Pháo Phòng không và Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Tên lửa-Rađa. Ngày 10-3-1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 104/QĐ-QP về việc thành lập Học viện Phòng không trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cao cấp Phòng không và Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Phòng không.

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc
Giờ học ngoại ngữ của học viên Học viện PK-KQ.

Tháng 2-1979, để đáp ứng nhu cầu về cán bộ cho tổ chức, biên chế mới của Quân chủng Không quân, chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân đã quyết định thành lập Trường Tập huấn Cán bộ chỉ huy cấp chiến thuật - chiến dịch Không quân. Tháng 5-1980, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đổi tên Trường Tập huấn cán bộ chỉ huy cấp chiến thuật - chiến dịch Không quân thành Trường Sĩ quan Tham mưu Không quân. Ngày 31-12-1994, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 932/QĐ-QP về việc thành lập Học viện Không quân, trực thuộc Bộ Tư lệnh Không quân trên cơ sở hợp nhất Trường Trung Cao cấp Không quân với Hệ Sĩ quan Tham mưu sơ cấp của Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Không quân. Sự ra đời của Học viện Phòng không, Học viện Không quân là bước phát triển quan trọng trong việc đào tạo cán bộ PK, KQ của Quân đội ta, trực tiếp tạo tiền đề quan trọng để đến ngày 21-7-1999, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1077/QĐ-BQP về việc thành lập Học viện PK-KQ trên cơ sở hợp nhất Học viện Phòng không và Học viện Không quân.

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc
Giờ học lý thuyết của học viên đào tạo chuyên ngành Ra đa phòng không.

Kế thừa và phát triển từ các nhà trường tiền thân, từ khi ra đời đến nay, Học viện PK-KQ đã luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nắm vững các quan điểm, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác giáo dục, đào tạo (GD, ĐT); bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung đào tạo; hình thức, phương pháp dạy học sát thực tiễn SSCĐ. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu cho nhiệm vụ GD, ĐT. Cùng với đó, Học viện chú trọng, nâng cao hiệu quả thực hiện phối hợp, hợp tác GD, ĐT, NCKH và khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo giữa Học viện và các nhà trường, cơ quan, đơn vị liên quan. Đến nay, Học viện đã có hệ thống trang, thiết bị tương đối hiện đại, đồng bộ, đào tạo đa ngành với nhiều cấp học, bậc học; 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học, 86,6% có trình độ sau đại học (12,21% tiến sĩ); chất lượng GD, ĐT, NCKH không ngừng được nâng lên…
 

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc
Giờ học lý thuyết của học viên đào tạo chuyên ngành Vũ khí hàng không.

60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hơn 8 vạn cán bộ, sĩ quan (gồm cả quân sự, chính trị, sĩ quan dự bị) các cấp với các chuyên nghành PK, KQ và Tác chiến điện tử cho QĐND Việt Nam, Quân chủng PK-KQ; gần 4.000 sĩ quan PK, KQ cho Quân đội các nước Lào, Campuchia và Thái Lan.

60 năm đào tạo “sĩ quan canh trời” cho Tổ quốc
Giờ học thực hành của học viên đào tạo chuyên ngành Pháo phòng không.

Với những thành tích đã đạt được, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng LLVTND”; 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 8 Huân chương Quân công hạng Ba, 13 Huân chương Chiến công các hạng; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 lần được tặng Lẵng hoa của Chủ tịch nước; 38 Cờ thưởng Luân lưu của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và nhiều bằng khen, giấy khen. Học viện được Nhà nước CHDCND Lào tặng 3 Huân chương It-Xa-La, 1 Huân chương Lao động hạng Ba; Nhà nước Campuchia tặng 1 Huân chương Ăng-co, 1 Huân chương Hữu nghị A-Sa-Rất. Những kết quả đạt được trong 60 năm qua đã tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết anh dũng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ” của Học viện trong tình hình mới.

Thiếu tướng BÙI ĐỨC THÀNH - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện PK-KQ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website