8 giờ:12 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 3 , 2023

Viết tiếp truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long

Trải qua 56 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371 hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của các thế hệ đi trước, luôn đoàn kết, ra sức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo được giao trong mọi tình huống; góp phần tô thắm và viết tiếp trang sử vàng truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Không quân nhân dân Việt Nam.

Viết tiếp truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long
Phi công Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 trao đổi kinh nghiệm bay.
Ảnh: HOÀNG CÔNG

Cách đây 56 năm, ngày 24-3-1967, Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, sau đó lấy phiên hiệu công khai là Sư đoàn 371. Từ đây, ngày 24-3-1967 đã trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn Không quân 371. Chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, Sư đoàn đã chỉ huy các đơn vị xuất kích chiến đấu 12 trận, bắn rơi 14 máy bay hiện đại của địch. Chỉ tính riêng năm 1967, Sư đoàn đã xuất kích bắn rơi 97 máy bay gồm nhiều kiểu loại hiện đại của địch.

Từ năm 1967 đến năm 1972, với tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, Sư đoàn đã đánh địch cả trên không, trên biển, trên đất liền; đánh cả ban ngày và ban đêm… để bảo vệ Miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành trong các chiến dịch lớn của ta và trên chiến trường của Lào, Campuchia, đồng thời làm nhiều nhiệm vụ bảo đảm khác.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12 năm 1972, sau nhiều lần xuất kích và chưa tiếp cận được B-52, vào 22 giờ 20 phút ngày 27-12-1972, phi công Phạm Tuân của Trung đoàn 921 cất cánh từ Sân bay Yên Bái, được sự dẫn dắt của các đài chỉ huy đã phát hiện và bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, sau đó đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Ngay hôm sau, 28-12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ Sân bay Cẩm Thủy tiếp tục bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, nhưng do cự ly quá gần, sau khi công kích tiêu diệt mục tiêu đã anh dũng hy sinh...

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 371 được lệnh tiếp nhận máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày khẩn trương tổ chức huấn luyện chuyển loại, chiều 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng gồm 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung của Trung đoàn 923 đã cất cánh từ Sân bay Thành Sơn (nay là Phan Rang) tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Qua đó, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, Sư đoàn tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới, hiệp đồng cùng với các đơn vị bạn truy quét tàn quân địch, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chi viện cho chiến trường Campuchia, góp phần giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh và phát triển.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn 371 đã xuất kích, chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ các loại (trong đó có 2 máy bay B-52), phá hủy 24 chiếc; đánh chìm và bắn cháy 6 tàu chiến, tàu biệt kích, phá hủy 3 căn cứ địch; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Với những chiến công đã đạt được, ngày 31-12-1982, Sư đoàn Không quân 371 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 19 lượt tập thể, 64 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 934 Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại, 248 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, quản lý, khai thác có hiệu quả các loại VKTBKT hiện có; tăng cường huấn luyện đánh địch đột nhập, tập kích hỏa lực đường không và tác chiến trên không; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tổ chức diễn tập, hội thi, hội thao, bắn, ném bom, đạn thật bảo đảm an toàn, đạt kết quả cao; nâng cao khả năng SSCĐ, QLVT, QLĐHB, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, đào tạo đội ngũ phi công, chỉ huy bay ngày càng tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần ngày càng tốt hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện. Nhiều năm, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng, Quân chủng tặng Cờ thi đua, Đảng bộ Sư đoàn đạt trong sạch vững mạnh, Sư đoàn đạt vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và nhiều bằng khen, giấy khen trên tất cả các mặt công tác.

Với những thành tích đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 371 nguyện sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống 56 năm đơn vị anh hùng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, QLVT, QLĐHB, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ, lập nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá NGUYỄN HUY TUẤN - Chính ủy Sư đoàn Không quân 371
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website