Trung tướng, anh hùng Phạm Tuân:
Dấu ấn trên bầu trời Hà Nội
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam với nhiều trận đánh huyền thoại của những phi công có khả năng chiến đấu sáng tạo và bản lĩnh phi thường. Trung tướng Phạm Tuân, người vinh dự ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, cũng là một trong những phi công của Đại đội 5 ngày đó. Phóng viên Báo Phòng không-Không quân đã có cuộc trao đổi với ông về những ngày đánh và thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội, tháng 12 năm 1972. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, có tác giả nguyên là cán bộ nghiên cứu của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) viết về cuộc chiến đấu với không quân Mỹ trong lĩnh vực tác chiến điện tử đã lấy tiêu đề “Cuộc chiến đấu không cân sức”. Vậy nếu đánh giá khái quát thì cuộc chiến đấu của Không quân ta đánh trả B-52 của Mỹ, về so sánh lực lượng, là như thế nào?
- Trung tướng Phạm Tuân: Cuộc chiến đấu của quân và dân ta, mà nòng cốt là Bộ đội PK-KQ với lực lượng Không quân Mỹ là không cân sức (nếu nói về phạm vi binh khí kỹ thuật). Riêng với Không quân, MiG-21 là lực lượng chính đánh B-52. Về số lượng phi công thì rất mỏng. Lực lượng nòng cốt có kinh nghiệm và kỹ thuật càng không có bao nhiêu. MiG-21 với ra đa RP-21 thực ra khả năng phát hiện, bám sát mục tiêu rất hạn chế, nhất là khi mục tiêu cơ động. Khả năng chống nhiễu cũng như vậy. Trong điều kiện ấy, chúng ta mới chỉ tổ chức luyện tập “tĩnh”, nghĩa là mục tiêu đi thẳng và không có phương tiện gây nhiễu và cũng không có những lực lượng “giả” chặn đường. Trong điều kiện đó không phải lúc nào tập luyện cũng suôn sẻ, cũng phát hiện được mục tiêu. Hệ thống ra đa dẫn đường cũng vậy. Khi bị nhiễu rất khó dẫn dắt MiG vào đúng mục tiêu (giai đoạn đầu của chiến dịch gần như không dẫn được MiG tiếp cận đúng đội hình B-52). Hệ thống sân bay tập trung quanh Hà Nội nên bị lực lượng cường kích đánh phá ác liệt trước khi B-52 vào, không những hạn chế khả năng cất cánh của Không quân ta, đồng thời cũng làm mất thời cơ dẫn dắt Không quân ra chặn địch từ xa ngoài vùng hỏa lực của tên lửa. Đấy là những khó khăn cơ bản của Không quân ta.
Anh hùng Phạm Tuân (giữa) và các phi công trong Đại đội bay đêm: (Ảnh Tư liệu)
- PV: Biết được những hạn chế ấy, Không quân chúng ta đã chuẩn bị thế nào, thưa Trung tướng?
- Trung tướng Phạm Tuân: Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cả về yếu tố chính trị, tinh thần và về kỹ chiến thuật. Phải nói rằng hai yếu tố cơ bản chính trị, tinh thần và kỹ chiến thuật tạo nên bản lĩnh của người lính chiến, nghĩa là dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng. Đảng, Bác kính yêu đã đánh giá đúng địch, biết được âm mưu, thủ đoạn của địch, đã sớm chỉ ra trước sau địch cũng dùng B-52 đánh ra Hà Nội và chúng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì vậy, trong so sánh lực lượng có mặt nào đó chưa cân nhưng chúng ta đã xây dựng được ý chí quyết tâm rất cao. Có B-52 vào, Không quân phải cất cánh. Bất kể thời tiết, ngày hay đêm, phải ngăn chặn và bắn rơi B-52.
Thực tế, nhiều phi công đã cất cánh khi có dấu hiệu B-52 vào và thời tiết xấu đã không hạ cánh được phải nhảy dù như anh Vũ Đình Rạng nhảy dù tại Hà Tây. Anh Hoàng Biểu nhảy dù ở Nghệ An. Và rất nhiều phi công cất cánh trong điều kiện phức tạp cả về thời tiết, phương tiện chiếu sáng, thậm chí ngay cả đường cất, hạ cánh cũng bị đánh bom, mà trong điều kiện bình thường không cho phép MiG cất, hạ cánh.
Còn về mặt kỹ chiến thuật, phi công chúng ta cũng nghiên cứu những bài bay ứng dụng chiến đấu mà các giáo viên Liên Xô cũng chưa dạy chúng ta như bay phát hiện mục tiêu qua ánh sáng đèn. Hoặc phát hiện thông qua vệt khói của máy bay trong màn đêm. Nói chung, những chuyến bay như vậy thật khó và còn rất nguy hiểm. Rồi tập cất, hạ cánh ở những đường băng đất ngắn, hẹp không có điện phải đổ dầu vào cát đốt thay đèn. Nói chung là gian nan vất vả nhưng vì mục tiêu đánh B-52, chúng tôi bay với sự nhiệt tình và tràn đầy hưng phấn nên rất tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
- PV: Trong thực tế chiến đấu gần 10 ngày đầu chiến dịch, Không quân ta chưa bắn rơi B-52. Tuy nhiên, nhiều trận Không quân tiếp cận đội hình B-52 làm chúng phải dạt ra, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội Phòng không tiêu diệt địch. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
- Trung tướng Phạm Tuân: Như tôi đã nói, cái khó của Không quân trong quá trình luyện tập là chỉ luyện tập trong trạng thái “tĩnh”, không có gây nhiễu, không có chống nhiễu, không có địch cản đường, không có đạn bom ở sân bay… Vì vậy, cả tổ chức chỉ huy dẫn dắt đến phi công đều thiếu kinh nghiệm đối phó. Không quân có đưa lực lượng vào chiến trường Quân khu 4 để thử thách nhưng ở đây mỗi khi xuất hiện MiG, B-52 chủ động vứt bom và quay về căn cứ. Chỉ một lần phi công Vũ Đình Rạng gặp B-52. Do bị bất ngờ, chiếc B-52 địch không gây nhiễu và tiêm kích địch cũng không kịp hoạt động. Chiếc B-52 bị phi công Vũ Đình Rạng bắn trọng thương. Trong khi bộ đội Tên lửa được tham gia nhiều trận đánh B-52 từ Nam khu 4 ra đến Hải Phòng đã rút ra được những bài học xương máu thì Không quân chúng ta kinh nghiệm thực tế trong đánh B-52, trong môi trường tác chiến điện tử còn hết sức hạn chế.
Khi chiến dịch xảy ra, địch coi trọng tác chiến với Không quân. Chúng đánh ác liệt và đồng loạt vào các sân bay. Những sân bay chính như Nội Bài, Gia Lâm, Kép bị F-111 và B-52 đánh phá liên tục. Lực lượng tiêm kích chặn đường, cản phá khiến chúng ta phải đối phó nên mất thời cơ. Khu vực chiến đấu lại hẹp nên nhiễu càng nặng, không dẫn MiG chuẩn xác đến đúng mục tiêu. Có trận phi công được dẫn đến gần mục tiêu, bật ra đa bị nhiễu không phát được. Có phi công do dẫn dắt tránh địch chặn đường hết dầu phải nhảy dù. Có phi công hạ cánh trên đường băng bị ném bom nên máy bay bị hỏng. Nhìn chung, không quân bước vào chiến dịch với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ý chí quyết tâm vẫn rất cao. Song cũng tâm tư khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Dù chưa hạ gục được B-52 nhưng khi máy bay MiG xuất hiện, đã gây hoang mang và làm tan rã đội hình địch, tạo điều kiện cho lực lượng Phòng không đánh địch hiệu quả.
- PV: Trong tình hình đó, Bộ đội Không quân đã làm gì để giữ gìn lực lượng và đặc biệt là tìm ra cách đánh để hạ được B-52?
- Trung tướng Phạm Tuân: Qua mỗi lần xuất kích, chúng ta đều nghiên cứu rút kinh nghiệm. Trong khó khăn đã nảy sinh ra những ý tưởng, những cách bay, cách đánh hay của tổ chức chỉ huy, của tổ chức dẫn dắt, của phi công và của cả những bộ phận đảm bảo kỹ thuật hậu cần mặt đất. Đúng là sức mạnh tổng hợp đã tạo nên chiến thắng. Chúng ta đã đưa máy bay đến những sân bay xa Hà Nội, địch chưa kịp phát hiện để đánh phá như sân bay Cẩm Thủy, Yên Bái… Rồi dùng những trạm dẫn đường từ phía hai bên đường bay của địch để giảm cường độ nhiễu (Trạm Mộc Châu, Thanh Hóa, Yên Bái). Với phi công thì sau khi cất cánh chủ động tránh tiêm kích địch, giữ độ cao, tốc độ có lợi để khi phát hiện địch có thể tiếp cận nhanh và tấn công kịp thời. Đồng thời, hạn chế dùng ra đa để giữ bí mật, tận dụng ánh đèn của địch để phát hiện và công kích… Bằng các biện pháp đó, hai trận liên tiếp ngày 27 và 28 tháng 12, Không quân ta lập công bắn rơi 2 B-52 của địch và cũng đêm 28, phi công Bùi Doãn Độ quan sát bằng mắt thường đã bắn rơi 1 F-4 của địch.
Từ lý thuyết đến thực tế có một khoảng cách không nhỏ. Nếu được và có điều kiện luyện tập trong môi trường tác chiến điện tử; trong tác chiến hợp đồng nhiều lực lượng và có đối kháng, chắc chắn chúng ta vào cuộc nhịp nhàng và hiệu suất chiến đấu sẽ cao hơn.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
HỒNG LINH (thực hiện)