10 giờ:34 phút Thứ hai, ngày 9 tháng 10 , 2023

Nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đánh dấu một bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, trong đó có nghệ thuật tác chiến của lực lượng phòng không. Thời điểm đó, tác chiến phòng không đã được tiến hành trên một không gian rất rộng, trong thời gian ngắn bằng quy mô lực lượng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nắm vững quyết tâm chiến lược của trên, Quân chủng PK-KQ đã nhận rõ thời cơ lớn, đánh giá đúng đối tượng tác chiến, khả năng của mình và hạ quyết tâm chính xác.

Nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đội hình tên lửa vào giải phóng Sài Gòn.  Ảnh tư liệu

Trong 2 năm 1973-1974, dù bị buộc phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Miền Nam, song Mỹ đã ra sức vực dậy không quân Nguỵ nhằm thay thế vai trò của không quân Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đến cuối năm 1974, chúng đã xây dựng được 6 sư đoàn không quân hỗn hợp với hơn 6.700 phi công, 1.850 chiếc máy bay, trong đó có 260 máy bay chiến đấu. Chúng thường xuyên hoạt động ráo riết chi viện cho lục quân mở các cuộc hành binh lấn chiếm và đối phó với các cuộc tiến công của ta với quy mô hoạt động ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Mỹ cắt giảm viện trợ, không quân Nguỵ gặp nhiều khó khăn về vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, hệ số chiến đấu thấp do thiếu nhân viên kỹ thuật, cùng với yếu tố chính trị - tinh thần kiệt quệ… nên chúng phải hoạt động phân tán, thực tiễn yểm trợ hoả lực không quân theo từng phân khu, ít có khả năng hoạt động sâu vào hậu phương chiến lược của ta.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1974, Quân chủng đã hạ quyết tâm sử dụng lực lượng phòng không của cả nước trong chiến tranh nhân dân phát triển cao để đánh thắng không quân Nguỵ và sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ nếu chúng liều lĩnh vào cứu nguy cho Nguỵ, đánh phá trở lại Miền Bắc. Quân chủng tăng cường lực lượng phòng không cho Miền Nam, chủ yếu là pháo và tên lửa phòng không vác vai, bảo đảm có lực lượng tại chỗ mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời phải có lực lượng dự bị sẵn sàng cơ động tập trung vào chiến trường trọng điểm. Cùng với đó, tập trung bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, từng bước đưa một số đơn vị tên lửa, không quân ra phía trước, thực hiện phương châm phòng không “mạnh phía trước, vững phía sau”. Nhờ hạ quyết tâm chính xác, chuyển trọng tâm nhiệm vụ kịp thời nên lực lượng phòng không đã chủ động hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phòng không trong tổng tiến công liên tục, quy mô ngày càng lớn.

Thực hiện quyết tâm đã được trên phê chuẩn, trong 2 năm 1973-1974, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã đề xuất và tích cực thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh tác chiến phòng không ở Miền Nam và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Miền Bắc. Trên chiến trường Miền Nam, Quân chủng đã khẩn trương tổ chức lực lượng và chuyển giao hơn 50% số trung đoàn pháo phòng không cho các chiến trường, xây dựng nhiều đơn vị phòng không mới cho các quân đoàn chủ lực của Bộ, nhất là trên các hướng Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Trị Thiên. Ngoài việc tăng cường lực lượng phòng không chủ lực, các chiến trường đều xây dựng, phát triển phòng không địa phương tại các vùng giải phóng và vùng giáp ranh. Qua đó, ta đã tạo được thế bố trí phòng không có lợi, vừa có lực lượng phòng không tại chỗ rộng khắp và có trọng điểm, vừa có lực lượng dự bị mạnh bố trí trên các hướng tiến công cơ động. Ngoài ra, lực lượng phòng không còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng chiến đấu, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm bảo đảm tác chiến liên tục, dài ngày, quy mô ngày càng lớn.

Để tác chiến thắng lợi trong đội hình binh chủng hợp thành, lực lượng phòng không phải hiệp đồng chặt chẽ theo từng giai đoạn chiến dịch, từng trận đánh, nắm chắc ý định tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành, vận dụng linh hoạt sáng tạo cách đánh phòng không phù hợp với nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến thuật của bộ đội binh chủng hợp thành. Qua đó, cách đánh của lực lượng phòng không cũng phát triển phong phú, từ cách đánh luồn sâu áp sát bằng lực lượng phòng không gọn nhẹ vào các mục tiêu chủ yếu của địch đến cách đánh đi cùng đội hình thọc sâu của bộ đội binh chủng hợp thành bằng pháo phòng không cơ giới, tiến hành chuẩn bị gấp, bắn trong hành tiến hoặc dừng ngắm, tiêu diệt mục tiêu trên không và cả hoả điểm của địch trên nhà cao tầng, bảo vệ đội hình tiến công. Cách đánh nào cũng phát huy được hết tính năng của vũ khí, khí tài, đạt hiệu suất chiến đấu cao, được bộ đội binh chủng hợp thành tin tưởng.

Cùng với đó, các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 xảy ra kế tiếp nhau, có khi gối đầu nhau với quy mô ngày càng lớn, tốc độ tiến công ngày càng cao nên việc tổ chức chiến đấu, chỉ huy, hiệp đồng phải khẩn trương, tỉ mỉ, đồng thời đòi hỏi ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao của người chỉ huy các cấp. Do có nhiều lực lượng, nhiều thành phần với tính chất nhiệm vụ khác nhau nên công tác tổ chức chiến đấu, chỉ huy hiệp đồng rất phức tạp, cần được tiến hành trước theo kế hoạch. Có xác định, phân cấp chỉ huy rõ ràng mới tránh được tình trạng phân tán, rời rạc, phát huy hết được sức mạnh của các lực lượng phòng không tham chiến.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta đã toàn thắng, trong đó lực lượng phòng không, nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, tích cực chủ động đánh địch trên không, mặt đất, bắn rơi 253 máy bay các loại, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, chi viện kịp thời và có hiệu quả cho bộ đội binh chủng hợp thành trong mọi hình thức chiến thuật, đặc biệt là trong các trận đánh then chốt, quyết định. Chiến thắng này đã khẳng định một lần nữa nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh hiện đại của Quân đội ta nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không trong tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng của Quân chủng PK-KQ nói riêng trong tham gia chiến dịch quân, binh chủng hợp thành quy mô lớn, vẫn còn nguyên những giá trị trong thực tiễn lịch sử và tương lai để vận dụng, phát triển cao hơn, phong phú hơn.

THÁI BÌNH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website