16 giờ:44 phút Thứ ba, ngày 13 tháng 8 , 2024

Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Sáng 13-8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hội thảo Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá
Bà Trần Thị Nhị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới phân tích về gánh nặng bệnh tật, kinh tế do sử dụng thuốc lá.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có 1 người chết sớm, trong đó nửa ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (từ 39 đến 65 tuổi). Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khoẻ, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.

Các phát biểu tham luận tại hội thảo đã tập trung nhấn mạnh: Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo ước tính của WHO, mỗi năm có 40.000 - 70.000 ca tử vong sớm do sử dụng thuốc lá. Chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1.14% GDP năm 2022; trong khi tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 của chi phí y tế (theo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế (2023).

Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp, dẫn đến người dân và trẻ em vẫn dễ dàng tiếp cận và mua và sử dụng thuốc lá. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (năm 2008, tăng mức thuế từ 55% lên 65%); năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%; năm 2019 (sau 3 năm), tăng từ 70% lên 75%). Mặc dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 75% nhưng tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm 38.8%. Do đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khối ASEAN.

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất, quan điểm, chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ, sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỉ lệ, thay vì giá xuất xưởng như hiện nay và tỉ lệ tấ cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, cần tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Đại diện Bộ Y tế cũng nhất trí với đề xuất trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đồng thời, đề xuất bổ sung thuế và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng, dẫn đến làm giảm tỷ lệ người hút thuốc ở cả nam và nữ xuống dưới 36% vào năm 2030, để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Tin, ảnh: BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website