“Mở mặt trận trên không” thắng lợi
Là lực lượng ra đời muộn, Bộ đội Không quân được trang bị vũ khí hiện đại, hoạt động chiến đấu ở trên không, trong môi trường tác chiến đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của Dân tộc ta. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên vừa khẩn trương nhưng cũng hết sức tỉ mỉ và công phu.

Biên đội Lan - Túc - Quỳ - Phương bắn rơi 2 chiếc F8U trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa mở mặt trận trên không thắng lợi. Ảnh tư liệuĐể chuẩn bị cho ngày ra quân trận đầu, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có chỉ đạo cụ thể, tạo mọi điều kiện chuẩn bị cho Trung đoàn 921 bảo đảm ra quân đánh thắng ngay từ trận đầu. Đảng ủy Quân chủng nhận định: Lúc này, lực lượng phi công, máy bay của ta còn ít, chưa có kinh nghiệm chiến đấu trên không, trình độ chỉ huy kỹ thuật còn thấp, tính năng hoả lực của máy bay ta chưa bằng máy bay địch. Nhưng chúng ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tinh thần tập thể và tính tự giác cao. Đảng ủy đề ra tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Không quân ta là “Lấy ít đánh nhiều, tranh thủ thời cơ, bí mật bất ngờ, đánh chắc, đánh thắng ngay từ trận đầu”.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Trung đoàn Không quân 921 đã dấy lên phong trào thi đua với khẩu hiệu: “Tất cả cho đánh thắng trận đầu”. Ngày 9-11-1964, Trung đoàn vinh dự được Bác Hồ đến thăm và động viên. Người nói: “Tổ tiên ta từ xưa đã có chiến công trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như: Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa… ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là ở các chú, nghệ thuật đánh giặc của Việt Nam rất độc đáo, vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành hiệu suất cao, phát huy cách đánh của ta, không sợ không quân địch hiện đại, hãy bắt chước đồng bào Miền Nam, nắm chắc thắt lưng địch mà đánh”.
Được Bác truyền thêm sức mạnh, sau thời gian chuẩn bị công phu, ngày 3-4-1965 trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hoá, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Biên đội MiG-17 với 4 phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương đã xuất kích, bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ và ngày 4-4-1965, biên đội 4 phi công: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã phát huy chiến thắng trận đầu, tiếp tục xuất kích, bắn rơi 2 máy bay F-105 của Không quân Mỹ, góp phần vào chiến công to lớn của quân và dân Thanh Hoá bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng - mục tiêu trọng yếu trên tuyến đường huyết mạch 1A.
Chiến công đó mang tầm vóc, ý nghĩa đặc biệt to lớn, bởi lần đầu tiên, Bộ đội Không quân đã bước vào chiến trường mang đặc trưng hết sức khác biệt so với các chiến trường truyền thống. Không gian chiến đấu rộng lớn, theo cả ba chiều; thời gian chiến đấu tính theo từng phút, từng giây; chiến trường không có công sự, địa hình, địa vật để lợi dụng ẩn nấp, che giấu. Bên cạnh đó, công tác hiệp đồng với các lực lượng phòng không cũng rất phức tạp. Công tác chỉ huy yêu cầu tính quyết đoán cao (nắm tình hình địch, hạ quyết tâm, cất cánh đúng thời cơ, dẫn máy bay ta vào thế có lợi trong chiến đấu và về hạ cánh an toàn…). Chúng ta cũng bước vào trận không chiến trong điều kiện số lượng máy bay ít hơn địch nhiều lần. Chúng ta chỉ có MiG-17, trong khi Không quân Mỹ được trang bị những loại máy bay phản lực hiện đại nhất, với những tính năng vượt trội, như: F-4, F-8, F-105. Về kinh nghiệm trận mạc, Không quân ta chưa có kinh nghiệm không chiến, cán bộ, chỉ huy của không quân ta mới tham gia chiến đấu mặt đất, giờ bay của các phi công tham gia trận đấu chỉ với 200 - 300 giờ bay tích lũy, trong khi phi công Mỹ đã có hàng nghìn giờ bay trên nhiều kiểu loại khí tài khác nhau và tham gia nhiều cuộc chiến tranh trước đó… Song, chúng ta vẫn giành chiến thắng ngay trong trận đầu, chiến thắng đó là kết quả của ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, biểu thị cho tinh thần quyết đánh, quyết thắng của Bộ đội Không quân và lực lượng Không quân non trẻ đã “mở mặt trận trên không” thắng lợi, đánh thắng lực lượng không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ.
Vượt qua khuôn khổ của một trận không chiến, chiến công đó đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, được Bác Hồ và Trung ương Đảng khen ngợi. Ngay trong ngày 5-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi Bộ đội Không quân: “… Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”. Cũng cùng ngày, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xuống Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nghe báo cáo trực tiếp về 2 trận không chiến. Đại tướng đánh giá cao thành tích chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam và chỉ thị cho Quân chủng tiếp tục củng cố lực lượng, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công.
BÍCH PHƯỢNG (Tổng hợp)