16 giờ:19 phút Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 , 2024

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn (1-10-1914 / 1-10-2024)

Vị tướng chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1-10-1914, tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Từ năm 1944 ông tham gia cách mạng và được giao nhiều trọng trách trong Quân đội. Hầu hết các mặt trận, chiến dịch quan trọng ông đều tham gia chỉ huy. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có nhiều đóng góp to lớn về cả lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1944, ông tham gia Việt Minh, được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai. Tháng 3-1945, ông là thành viên trong Ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông. Tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông - một cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Tháng 10-1947, ông giữ chức Khu trưởng Khu 14. Năm 1948 là Khu phó Liên khu 10, Ủy viên hành chính kháng chiến Liên khu. Năm 1949, ông giữ chức Trung đoàn Trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209. Tháng 11-1949, để mở thông đường liên lạc, vận chuyển từ Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 đồng thời thu hút lực lượng địch đang tập trung càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch, đảm nhiệm từ chợ Bờ lên Suối Rút. Kết quả, phòng tuyến quân Pháp ngăn chặn giữa Việt Bắc và Liên khu 3, 4 bị đập tan, toàn huyện Mai Châu được giải phóng. Âm mưu lập xứ Mường tự trị của thực dân Pháp bị phá sản.
Vị tướng chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Ảnh tư liệu

Năm 1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên. Từ đây, ông tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 9-1950, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm khai thông đường liên lạc giữa Việt Nam với hệ thống XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch. Ông trực tiếp chỉ huy trận đánh tiêu diệt Binh đoàn cơ động Sác Tông của Pháp.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13-3-1954, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312, đánh trận mở đầu vào cứ điểm Him Lam thắng lợi. Ngày 7-5-1954, trong đợt tiến công cuối cùng, một đơn vị của Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 cùng với một đơn vị thuộc Trung đoàn 174 đã bắt sống tướng Đờ Cát và Ban Chỉ huy tập đoàn cứ điểm, phất cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát, báo tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Vị tướng chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. 
Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn được Đảng, Quân đội tin cậy trao trọng trách lớn, là tư lệnh ở hầu hết các chiến dịch then chốt, quyết định. Năm 1964, ông được Trung ương cử vào Nam, giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng Miền Nam, ông tham gia chỉ đạo chiến dịch Bình Giã (2-12-1964), trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài (10-5 đến 22-7-1965). Thắng lợi hai chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài, cùng với chiến dịch Ba Gia của Quân khu 5... góp phần làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Từ đó, phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bám thắt lưng địch mà đánh” lan rộng khắp các chiến trường.

Ngày 30-1-1971, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra Đường 9 và Nam Lào, nhằm đánh chiếm Sê Pôn và chặn phá đường mòn Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chủ động mở Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, cử đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Với sự nhạy cảm đặc biệt của một vị tướng trận, ông đã cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng sức mạnh tổng hợp của bộ binh, xe tăng kết hợp với pháo binh chọc thủng tuyến phòng ngự của địch, tiến công liên tục, khiến địch từ thế chủ động sang thế bị động. Khi biết địch sắp rút lui, ông đã chỉ huy quân ta từ các mũi, các hướng dồn dập tiến công truy kích. Đến ngày 18-3-1971, địch phải bỏ Bản Đông tháo chạy, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch bị thất bại hoàn toàn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đôngc chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ông đã chỉ huy quân tiến đánh và làm chủ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, đánh tan Quân đoàn 1, Quân khu 1 Việt Nam cộng hòa với 10 vạn quân và trang bị vũ khí hiện đại chỉ trong 3 ngày. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, với tầm nhìn chiến lược, sự nhạy cảm tình hình, ông đã chủ động bàn với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Thường vụ và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, đề nghị Thường trực Quân ủy Trung ương thành lập cánh quân phía Đông. Thực tiễn đã chứng minh đề nghị đó là chuẩn xác, có tầm chiến lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp phụ trách cánh quân phía Đông và Đông Nam gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hai cánh quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, rồi hành quân thần tốc tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuối năm 1978, đầu năm 1979, ông chỉ huy các lực lượng vũ trang, tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt quân Khơ-me Đỏ.

Từ một chỉ huy phân đội, trung đoàn, trưởng thành lên Đại đoàn trưởng, rồi Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông là vị tướng trận mạc, đã có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn do ông chỉ huy đều đoàn kết một lòng tin tưởng, vững tâm vào tài năng, trí thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán cho từng trận đánh. Ghi nhận những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc; Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (truy tặng năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

HẢI THIÊN AN (tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website