Bộ đội Không quân lập chiến công đầu
Ngày 3-4-1965, Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam đã quyết chiến với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Trận đầu ra quân của Bộ đội Không quân đã diễn ra một cách trọn vẹn, toàn thắng, biên đội 4 chiếc MiG-17 đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc F-8U của Mỹ, hạ gục cái gọi là “uy thế Không lực Hoa Kỳ”. Chiến thắng trận đầu đã trở thành mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của KQND Việt Nam anh hùng.
Biên đội đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam (3-4- 1965). Ảnh tư liệu7 giờ sáng 3-4-1965, các đài ra đa của ta phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát mục tiêu đánh phá cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ lệnh cho Trung đoàn tiêm kích 921 xuất kích trận đầu. Biên đội trực tiếp chiến đấu gồm: Phạm Ngọc Lan - số 1 chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc - số 2, Hồ Văn Quỳ - số 3, Trần Minh Phương - số 4. Biên đội nghi binh kiềm chế máy bay địch gồm Trần Hanh - số 1 chỉ huy và Phạm Giấy - số 2.
9 giờ 30 phút, các tốp máy bay cường kích của hải quân địch cùng lúc bay vào đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. 9 giờ 45 phút, biên đội nghi binh và yểm trợ được lệnh cất cánh về hướng Tây Nam thuộc vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Ngay sau đó, biên đội tiến công do Phạm Ngọc Lan chỉ huy cũng cất cánh hướng về vùng trời Thanh Hóa. Lúc 10 giờ 8 phút, biên đội Lan-Túc-Quỳ-Phương chỉ cách đội hình địch chừng 45km trên hướng có lợi cho việc phát hiện mục tiêu. Lúc này, Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm 2 tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ hai gồm số 3 và số 4. Phát hiện máy bay địch, số 2 - Phan Văn Túc bắn một loạt đạn ở cự li xa, nên không trúng. Số 1 lệnh cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng khoảng cách yểm hộ rồi cho máy bay lao tới cự ly bắn hiệu quả và nhả đạn. Chiếc F-8U trúng đạn bốc cháy, lao thẳng xuống đất. Đó là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị KQND Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Phạm Ngọc Lan trở thành phi công đầu tiên của KQND Việt Nam lập chiến công.
Sau đòn bất ngờ, tốp máy bay Mỹ quay lại phản công điên cuồng, bốn chiếc MiG-17 tiếp tục quần nhau với tốp F-8U với số lượng đông hơn nhiều. Được sự yểm trợ trực tiếp của Phạm Ngọc Lan, số 2 - Phan Văn Túc đã dũng mãnh công kích, bắn hạ thêm 1 chiếc F-8U của địch. Để bảo toàn lực lượng, biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu về hạ cánh, lúc đó là 10 giờ 17 phút. Biên đội yểm hộ cũng được lệnh trở về. Năm chiếc MiG-17 về hạ cánh an toàn. Trong khi đó, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan phát hiện một chiếc F-8U của địch bị thương đang tháo chạy ra biển liền truy kích, cho đến lúc ra biển khá xa, chiếc F-8U của địch kiệt sức lao xuống biển, Phạm Ngọc Lan mới quay về. Trên đường trở về, la bàn bị hỏng, Phạm Ngọc Lan lần theo hướng của sông Ba Lạt rồi bay theo triền sông Hồng ở độ cao thấp để về Sân bay Nội Bài. Thế nhưng, chưa về đến sân bay thì đồng hồ báo nhiên liệu sắp hết. Sở chỉ huy lệnh cho phi công nhảy dù thoát ly, nhưng máy bay là một tài sản lớn của quốc gia, lại vừa lập chiến công, chẳng lẽ lại trở thành đống phế liệu. Nghĩ vậy, Phạm Ngọc Lan quyết định cứu máy bay bằng mọi giá. Lần thứ 3 Sở chỉ huy ra lệnh thoát ly cũng là lúc nhiên liệu sắp cạn kiệt, Phạm Ngọc Lan quyết định tìm một bãi cát ven sông để hạ cánh. Với quyết định táo bạo đó, ông kéo cần lái để ghì thăng bằng máy bay, khi máy bay tiếp đất cũng là lúc nhiên liệu cạn kiệt. Theo quán tính, chiếc máy bay lướt nhanh bằng bụng trên bãi cát, đến cách đê sông Đuống chừng 15m thì dừng hẳn, cả phi công và máy bay đều an toàn.
Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta. Trong thư gửi Bộ đội Không quân ngày 5-4-1965, Bác Hồ khen ngợi “... Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu “đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta...”. Sau chiến công vang dội đó, Bộ đội Không quân dấy lên phong trào thi đua sôi nổi “đã xuất kích là đánh thắng”, “bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu”. Ngày 3-4- 1965 đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của KQND Việt Nam anh hùng.
CÔNG GIANG (tổng hợp)