Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự là cần thiết
Vừa qua, Quân chủng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự”. Vì sao phải đổi mới, đổi mới những gì và phải thực hiện việc đổi mới đó như thế nào, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Tiến Học - Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân) về vấn đền này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại tá Nguyễn Tiến Học - Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân)- PV: Vừa qua Quân chủng PK-KQ đã tổ chức Hội thảo Khoa học về “Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự”. Vậy phải chăng chương trình, quy trình cũ đã có những điểm bất cập?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Nếu nói về đổi mới chương trình và quy trình đào tạo phi công quân sự thì đây không phải là lần đầu. Tính ở thời điểm hiện tại, điều bất cập lớn nhất là vũ khí trang bị của Quân chủng, nhất là máy bay hiện nay đã rất hiện đại, thế hệ 4, 4+, thế nhưng máy bay huấn luyện của trường vẫn là máy bay thế hệ 2, cũ, như L-39 đã sử dụng qua 36 năm nay nên không tương thích về tính năng kỹ chiến thuật với các loại máy bay hiện đại của Quân chủng hiện nay. Cùng với đó là trình độ ngoại ngữ (tiếng Nga), trình độ về công nghệ thông tin của phi công chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho nên học viên ra trường chuyển loại trên máy bay Su-27, Su-30 rất khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cho nên, đổi mới là yêu cầu vừa cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài để đào tạo lực lượng Không quân đáp ứng yêu cầu sử dụng vũ khí trang thiết bị hiện đại của Quân chủng hiện nay.
Học viên Trường SQKQ học thực hành
tại Trung tâm Huấn luyện thực hành. Ảnh: LƯƠNG VŨ
- PV: Thưa đồng chí, vậy theo chủ trương, việc đổi mới tập trung vào những trọng tâm gì?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Lần này, chương trình, quy trình đổi mới vẫn giữ nguyên mục yêu cầu đào tạo, chỉ thay đổi về chương trình và nội dung. Về thời gian, thay vì 4 năm như chương trình cũ, chương trình mới sẽ kéo dài thêm 1 năm nữa là 5 năm, trong đó có một học kỳ học viên được huấn luyện quân sự, huấn luyện thể lực tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, theo đúng quyết định của Bộ Tổng tham mưu. Thứ nữa là ngoại ngữ sẽ trở thành một môn thi tốt nghiệp. Trước đây chỉ có 3 môn: Công tác Đảng, công tác chính trị, lí thuyết chuyên ngành và môn thực hành bay, giờ thêm môn ngoại ngữ. Theo quy định của chương trình mới, trình độ tiếng Anh, tiếng Nga phải đạt được chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định là 3/6, tức là tương đương với B1. Trình độ tin học và công nghệ thông tin cũng đáp ứng được trình độ căn bản và tin học ứng dụng để có thể sử dựng được các trang bị cơ bản trên máy bay rất mới hiện nay.
Tuy nhiên, cái mới nhất của chương trình lần này là học viên không phải tốt nghiệp trên máy bay L-39 mà phải tốt nghiệp trên loại máy bay mới hơn. Theo dự kiến của Quân chủng và của Bộ Quốc phòng, máy bay IaK-130 là loại máy bay hiện đại, thế hệ 4 và nó tương thích với trang thiết bị của các loại máy bay Su-27, Su-30. Do đó, nó rất thuận lợi cho việc phi công sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Trường Sĩ quan Không quân về chuyển loại đào tạo tại đơn vị trên các loại máy bay Su-27, Su-30. Về đào tạo phi công vận tải hay phi công trực thăng cũng tốt nghiệp trên các loại máy bay mới hơn, hai động cơ, theo dự kiến sẽ là máy bay Casa-295, Casa-212. Đối với trực thăng, để đảm bảo cho việc tiết kiệm, hiệu quả trong huấn luyện đào tạo thì Quân chủng và Bộ Quốc phòng cũng dự kiến sẽ có các loại trực thăng hạng nhẹ, hiện đại để huấn luyện, đào tạo phi công, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả, tăng được số lượng đào tạo hàng năm.
- PV: Vì sao phi công quân sự cần có một học kỳ học ở Lục quân, thưa đồng chí?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Học viên phi công quân sự cũng cần được huấn luyện quân sự từ những cái ban đầu như các hệ điều lệnh, điều lệ, đội ngũ, kỹ chiến thuật bộ binh, giáo dục thể chất, tức là huấn luyện theo chương trình đào tạo tiểu đội trưởng của binh chủng hợp thành. Học kỳ ở Lục quân huấn luyện cho một thanh niên từ ngoài Quân đội trở thành một chiến sĩ, có kĩ năng của một chiến sĩ trên mặt đất trước khi huấn luyện lái máy bay quân sự. Học viên phi công, bên cạnh luyện tập thể thao hàng không cũng cần rèn luyện thể lực. Chỉ một học kỳ nhưng sẽ làm được nhiều việc, rèn luyện được nhiều kĩ năng.
- PV: Một trong những yêu cầu bắt buộc khi đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự hiện nay, như đồng chí vừa đề cập đến, là ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc. Qua thực tế, nếu yếu về ngoại ngữ có thể dẫn đến hệ quả gì với phi công quân sự?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Trình độ ngoại ngữ kém chắc chắn là không thể khai thác sử dụng đầy đủ các trang thiết bị có trên loại máy bay mà anh đang sử dụng. Hai là, những vũ khí hiện đại yêu cầu ngoại ngữ nhiều nhưng trình độ của phi công chưa đủ để nghe, hiểu cũng gây những khó khăn, thí dụ như máy bay Su-22, Su-27, Su-30 đều có những khẩu lệnh cảnh báo hỏng hóc, nguy hiểm bằng tiếng Nga nhưng phi công nhiều khi không hiểu hết nên khi gặp tình huống là xử lý không đúng, vì có thể cảnh báo tình huống này nhưng lại nhầm sang tình huống khác...
- PV: Vậy theo đồng chí, để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các học viên phi công, chúng ta cần những yếu tố gì?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Phải có chương trình học ngoại ngữ theo chuẩn của Bộ Giáo dục đào tạo quy định. Hiện nay, việc dạy tiếng Nga chuyên ngành đang có những bất cập vì lâu rồi mình không quan tâm đến việc dạy giáo trình nào, theo chuẩn nào, chương trình nào? Ngay bây giờ Trường đã phải đi tìm giáo trình phù hợp với chuyên ngành Không quân, tập trung cho máy bay Su-27, Su-30 chứ không phải các loại máy bay cũ nữa. Cùng với đó, phải có cơ sở vật chất cho dạy học, có lực lượng giáo viên đủ trình độ và kinh nghiệm. Giảng viên không phải chỉ có người Việt mà còn cần những giảng viên ở trung tâm ngoại ngữ đạt chuẩn, có cả giảng viên nước ngoài để tăng kỹ năng giao tiếp, nghe nói thì mới có thể nâng cao được chất lượng, trình độ ngoại ngữ.
- PV: Để đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự, ngoài việc đề nghị trên đầu tư máy bay mới, là nơi trực tiếp thực hiện công tác giáo dục đào tạo, Nhà trường đi trước đón đầu như thế nào?
- Đại tá Nguyễn Tiến Học: Ngoài việc đợi trên phê duyệt Đề án đổi mới và trang bị loại máy bay mới phù hợp với công tác huấn luyện, đào tạo; hiện nay Nhà trường đã bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo 5 năm, từ năm học 2016-2017, cụ thể là phi công tuyển sinh khóa 45 đang được huấn luyện học kỳ 1 tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 và đến 27 tháng 2 này mới về Trường tiếp tục huấn luyện học kỳ 2. Theo chương trình quy trình mới, Nhà trường đẩy nhanh tiến độ các môn học ngoại ngữ và tin học lên trước, lên sớm, làm sao sau 5 học kỳ là học viên đủ trình độ ngoại ngữ để đi học nước ngoài. Nhà trường vẫn có hướng chọn một số học viên đi các nước học.
Hiện nay chúng tôi đã xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao chất lượng trình độ tin học, ngoại ngữ cho giảng viên bay, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của trường theo Đề án của Quân đội và Quân chủng. Các cơ sở học tập, vật chất vẫn tiếp tục được đầu tư theo kế hoạch của Bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giảng đường, thao trường bãi tập đều có sửa chữa nâng cấp để đảm bảo cho chương trình đào tạo mới.
- PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HỒNG LINH (thực hiện)