Phá hoại an ninh kinh tế
Những năm gần đây, đã xảy ra một số vụ việc như vậy. Trong đó, nổi lên phải kể đến việc kẻ xấu kích động tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào năm 2014. Sự việc diễn ra trên hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước. Các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động, gây ra bạo động; đồng thời xúi giục kẻ xấu đập phá, hôi của, làm chết người, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm doanh nghiệp. Cơ quan công an ngay sau đó đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến tổ chức phản động Việt Tân. Chúng khai được Việt Tân chỉ đạo, cung cấp tiền để xuống đường kích động biểu tình… Theo số liệu Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố vào năm 2016 thì tổng cộng có 480 doanh nghiệp bị thiệt hại, riêng số tiền bồi thường ban đầu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do bị kích động, nên một số người dân đã tham gia tuần hành, khiếu kiện, chặn Quốc lộ 1A. Riêng tại Kỳ Anh, chỉ trong thời gian không dài, có đến 5 lần một số giáo dân ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mang gạch, đá, lưới ra chặn ngang Quốc lộ 1A với lý do phản đối Formosa gây ô nhiễm môi trường. Đỉnh điểm của sự việc phải kể đến ngày 2-4-2017, các phần tử phản động kích động hơn 50 giáo dân ở Kỳ Anh mang gạch đá, lưới ra chặn ngang Quốc lộ 1 tại Dốc Con, mang theo gậy gộc, dao, rìu, búa... làm hung khí, sẵn sàng đánh đập những người dân thường đi qua đây. Sự việc làm cho nhiều đoàn xe tải, xe khách bị ùn tắc hàng chục cây số. Ngay cả xe chở hài cốt liệt sĩ, xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu cũng bị họ chặn lại...
Vụ chặn đường vừa lắng xuống thì đêm 3-4-2017, nhân một vụ xô xát trước đó giữa những người dân ở xã Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh), các phần tử phản động kích động hơn 2.000 người dân kéo đến UBND huyện Lộc Hà, xông vào chiếm giữ trụ sở UBND huyện, đánh bị thương cán bộ, đập phá tài sản.
Cơ quan chức năng đã xác minh, cả hai vụ việc nói trên đều có sự tham gia kích động của các phần tử phản động thuộc những cái gọi là “Hội Anh em dân chủ”, “Con đường Việt Nam”, “Việt Tân”.
Những sự việc trên đe dọa nghiêm trọng an ninh kinh tế, gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp và người dân. Hàng nghìn lái xe và đại diện các doanh nghiệp, người dân trên cả nước hết sức lo ngại, bức xúc vì hiện tượng này. Việc kẻ xấu kích động chặn Quốc lộ 1A cũng từng xảy ra cách đây ít lâu tại tỉnh Bình Thuận, khi lợi dụng một nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm. Nếu tiếp tục để sự việc này kéo dài hoặc tái diễn ở những nơi khác sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, không chỉ khiến giao thông vận tải, lao động sản xuất bị đình trệ mà còn làm kỷ cương, phép nước bị coi thường.
Đe dọa nghiêm trọng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Ngày 9-4-2017, tại xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, từ chỗ chỉ bắt đầu từ việc người dân yêu cầu giải quyết bồi thường tại khu đất làm muối nhưng dưới sự kích động của một số đối tượng, cờ vàng sọc đỏ (cờ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ) đã xuất hiện tại đây. Sự việc này gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân khi từ vấn đề kinh tế thuần túy đã bị kẻ xấu kích động trở thành vấn đề chính trị, chống đối chế độ. Không thể chấp nhận lá cờ của một chế độ đã gây nhiều tội ác lại xuất hiện ngay giữa vùng đất quê hương cách mạng, đây là sự xúc phạm máu xương hàng triệu người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Những âm mưu, thủ đoạn kích động, chống phá từ các vụ việc “điểm nóng” kinh tế ngày càng trở nên nguy hiểm, thâm độc hơn khi các thế lực thù địch dựa vào đó để kích động, thổi phồng, tạo ra mâu thuẫn đối kháng giữa chính quyền và nhân dân.
Một mặt, chúng khoét sâu phê phán những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy công quyền, nhất là những hiện tượng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, xa dân để “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa bức xúc của người dân. Mặt khác, chúng nội công, ngoại kích, tung ra nhiều luận điệu, khẩu hiệu, truyền thông những bài viết kích động, khen ngợi những hành động bột phát do bức xúc, thiếu tỉnh táo của người dân là “dũng cảm”, “sự trưởng thành”, “người dân đã chiến thắng chính quyền”…
Có thể thấy rõ âm mưu trên qua một số sự việc xảy ra gần đây. Trong khi chính quyền đã nỗ lực cao nhất để giải quyết sự việc thấu tình đạt lý. Người dân sau những bức xúc cũng dần hiểu rõ hơn mình cần phải làm gì và chính họ cũng khẳng định không chấp nhận sự can thiệp hay “hỗ trợ”, lôi kéo của các phần tử phản động, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước thì trên nhiều trang mạng phản động, kẻ xấu lại cố tình chia rẽ chính quyền và nhân dân. Không khó để kiểm chứng những thông tin như “công an đánh chết người”, “dân sẵn sàng cảm tử”… đều do những đối tượng phản động bịa đặt tung lên internet.
Cũng như các vụ việc xảy ra ở Vũng Áng, nhiều đài báo nước ngoài như VOA, BBC, RFA cùng các trang phản động cố tình làm nóng thêm "điểm nóng" khi biến sự việc kinh tế thành những vấn đề chính trị to tát. Sau khi sự việc đã kết thúc, một số “nhà phân tích” lại đưa ra những “tổng kết” như: Qua sự việc chứng tỏ giai cấp nông dân Việt Nam đã “giác ngộ”, “có thêm nhiều phương pháp đối phó với chính quyền”… Từ đó, chúng kích động người dân tư tưởng phản loạn, chống phá chính quyền, cho rằng đó là những “tập dượt” cho cái mà chúng gọi là “cách mạng màu”. Nguy hiểm hơn, lợi dụng sự việc này xảy ra, chúng lại “nhóm lửa” ở sự việc khác, ở địa phương khác để lôi kéo sự chú ý của dư luận dù thực tế không phải như vậy…
Không để tái diễn những tiền lệ nguy hiểm
Trước hết, cần khẳng định những "điểm nóng" gây mất an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn xảy ra không nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, những sự việc ấy dù là cá biệt nhưng cũng để lại nhiều hậu quả khôn lường về an ninh chính trị, kinh tế-xã hội cũng như mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước, trong và sau mỗi sự việc, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đều phải nghiêm túc phân tích, nhìn nhận, giải quyết một cách tích cực, khéo léo, đúng pháp luật, vì sự ổn định, phát triển của mỗi địa phương và của đất nước. Nhưng cùng với đó, phải luôn kịp thời, nghiêm khắc rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, không để tái diễn và tạo ra những tiền lệ xấu.
Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm trong giải quyết sự việc diễn ra ở Thái Bình năm 1997, khi nhiều nông dân bột phát chống đối chính quyền, để lại nhiều bài học kinh nghiệm do buông lỏng thực hiện dân chủ ở nông thôn. Sau khi sự việc xảy ra, từng có 3 giả thiết về nguyên nhân được đặt ra là: Do kẻ địch phá hoại, do phần tử xấu, bất mãn kích động và do chính tiêu cực của cán bộ địa phương, yếu kém của chính quyền. Sau khi xem xét kết luận, Bộ Chính trị xác định nguyên nhân chính do cán bộ địa phương sai phạm, chính quyền yếu kém. Sau đó, bài học đau xót là hơn 2.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, hơn 70% tổ chức cơ sở đảng phải thay thế từ 50% đến 70% cấp ủy.
Nhưng cũng có nhiều sự việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, không phải cứ người dân tụ tập yêu sách là có thể có quyền lợi. Vụ việc nhiều hộ dân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thuê một luật sư tư vấn sau đó tụ tập nhiều ngày tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đòi bồi thường vì lưới điện ảnh hưởng đến sức khỏe là một ví dụ. Sau khi nhiều cơ quan pháp luật vào cuộc, đã kết luận rõ việc hỗ trợ là thẩm quyền của địa phương, hành vi tụ tập trước trụ sở EVN là trái pháp luật.
Cùng với việc tỉnh táo, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn kích động tạo ra “điểm nóng” của các thế lực phản động, thù địch thì trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là từ cơ sở phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong ngăn chặn, giải quyết các “điểm nóng”. Mà muốn không để xảy ra các "điểm nóng" từ gốc thì chính quyền phải mạnh, hệ thống chính trị ở địa phương phải luôn được nhân dân tin cậy.
Gần đây, đã có một số sự việc phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng được giải quyết hài hòa sau khi người đứng đầu ở một số địa phương đối thoại với nhân dân. Cách làm này cho thấy việc gần dân, tăng cường đối thoại với nhân dân là cần thiết nhưng nếu lạm dụng, sự việc nào cấp dưới cũng đẩy lên cấp trên, địa phương cũng đẩy về Trung ương thì không thể giải quyết được. Cần phải phát huy vai trò người đứng đầu ở cơ sở, thực hiện nghiêm túc các quy định về đối thoại với nhân dân, cán bộ đi cơ sở để giải quyết công việc, kiên quyết điều chuyển những cán bộ không được nhân dân tin cậy, xa dân.
Tuy nhiên, cũng không nên hữu khuynh, né tránh, dễ tạo thêm những tiền lệ xấu. Trong mỗi sự việc "điểm nóng", nếu có thế lực phản động đứng sau giật dây, những kẻ chủ mưu, cầm đầu, kích động, vạch kịch bản cho các vụ việc này chỉ đợi khi chính quyền áp dụng biện pháp mạnh, thì chúng sẽ kích động dân chống đối lại chính quyền, biến "điểm nóng" kinh tế thành điểm nóng chính trị, gây mất ổn định xã hội. Không đối đầu với nhân dân nhưng phải sớm tìm ra những đối tượng kích động, chủ mưu để xử lý nghiêm minh, dập tắt mọi âm mưu của chúng. Dĩ nhiên, việc xử lý phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo nhưng cũng phải nhanh chóng, kịp thời.
Đối với mỗi người dân, rất cần tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động, có những hành vi vi phạm pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những sai phạm của cán bộ chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh nhưng cũng không thể vì những cái sai đó mà hành xử theo kiểu “vô thiên vô pháp”. Không chỉ Đảng, Nhà nước mà chính mỗi người dân chân chính đều không đồng tình với những hành vi “tự xử” kiểu bột phát và đều mong muốn xây dựng một xã hội pháp luật được thượng tôn, kỷ cương phép nước luôn được coi trọng.
Theo qdnd.vn