Còn hơn 30 phút nữa mới diễn ra Lễ trao giải và Chương trình giao lưu nghệ thuật nhưng trước tiền sảnh Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã rất đông khách mời và khán giả đến dự, hào hứng đón chờ lễ trao giải và tôn vinh những cá nhân điển hình tiêu biểu, có những hành động, việc làm bình dị nhưng rất đáng trân trọng. Anh Nguyễn Đình San (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Đây là lần thứ 4 tôi đến dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo QĐND phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức. Mỗi lần tham dự đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp...”.
Đúng 20 giờ, khán phòng của Cung Văn hóa bừng sáng. Liên khúc hát múa: “Màu cờ tôi yêu”, “Người là niềm tin tất thắng” và “Thi đua là yêu nước”, với sự thể hiện của các nam nữ diễn viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tạo không khí trang trọng, phấn khởi cho Lễ trao giải và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngời sáng những người con trung hiếu”.
Qua 8 lần tổ chức, các tác giả tham gia Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã phát hiện, giới thiệu hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT), tạo sự lan tỏa và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cuộc thi viết lần thứ 8 có nhiều đổi mới; tính nhân văn, chân thật của nhân vật được đề cao; nhiều tác phẩm có tính phát hiện, trong đó nhiều nhân vật là cán bộ, đảng viên, người có công, là “công bộc” của dân, với tác phong “miệng nói tay làm”. Ban giám khảo đã lựa chọn 15 tác phẩm xuất sắc nhất để Ban tổ chức trao giải.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao giải nhất tặng tác giả Mai Thắng, với tác phẩm “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”. Các đồng chí lãnh đạo và Ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 9 giải khuyến khích tặng các tác giả.
Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng chúc mừng các tác giả có tác phẩm đoạt giải, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến của Báo QĐND và các cơ quan chức năng đã tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong nhiều năm qua, góp phần tích cực tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Quá trình tổ chức cuộc thi, có nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành. Đặc biệt, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đã đồng hành với cuộc thi 7 năm liên tục. Lãnh đạo Tổng công ty PTSC cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc thi viết để cổ vũ, nhân lên nhiều tấm gương người tốt, việc tốt.
“Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người/ Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương/ Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm…”. Lời ca trong bài “Những bông hoa trong vườn Bác” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn vang lên trong khán phòng, thêm một lời ngợi ca gửi đến những tấm gương bình dị mà cao quý đã góp phần làm nên “rừng hoa” người tốt, việc tốt.
Ngời sáng phẩm chất cán bộ, đảng viên
Tham gia chương trình giao lưu, Đại tá Thiều Quốc Hân, Phó giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) không nói nhiều đến thành tích của riêng mình. Anh cho rằng, muốn thành công trong nghiên cứu khoa học phải thực sự đam mê, trách nhiệm, hy sinh và sáng tạo; phải phát huy được sức mạnh đoàn kết thống nhất của tập thể, cấp ủy, chi bộ... Từ đó, anh đã cùng tập thể nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ xử lý nước thải bằng nano sắt. Công nghệ này không chỉ tiết kiệm chi phí, nhân lực vận hành mà còn được đánh giá có thể xử lý mọi loại nước thải, khử mùi rất nhanh, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Dưới ánh đèn sân khấu, có một người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, rất khiêm nhường, đó là chị Trần Thị Anh, nhân viên Điện lực Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Nhiều người biết đến hành động cao đẹp, khi trong cơn mưa chiều tầm tã, chị nhặt được 1 tỷ đồng và tìm mọi cách để trả lại người đánh rơi, góp phần tôn vinh nét đẹp thảo hiền, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam. Vậy mà khi nói về mình, chị rất khiêm tốn: “Nhặt được của rơi trả người đánh mất là lẽ thường. Người khác trong tình huống đó cũng sẽ hành động như em thôi!”. Được biết, Trần Thị Anh không chỉ là tấm gương tiêu biểu về lòng nhân hậu, bao dung, mà còn là một đảng viên gương mẫu, một chuyên viên giỏi về nghiệp vụ, luôn được các đồng nghiệp và khách hàng mến phục, tin yêu...
Các nhân vật tham gia giao lưu chỉ là số ít trong hàng nghìn, hàng vạn tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cán bộ, đảng viên ưu tú và cả những người dân bình thường đang ngày đêm cống hiến xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bằng tinh thần tiên phong, gương mẫu, nhiệt huyết, sáng tạo, mang lại niềm vui cho người khác bằng sự chân thành, cống hiến hết mình...
Đồng chí Võ Văn Thưởng và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đoạt giải. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, khẳng định: “Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã phát hiện và tôn vinh nhiều đảng viên tiêu biểu, qua đó cho thấy vai trò to lớn của đội ngũ đảng viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính tiên phong, gương mẫu được phát huy trên mọi lĩnh vực, tiên phong về chính trị tư tưởng, gương mẫu trong đạo đức, lối sống; trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, góp phần làm nên những thắng lợi và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước".
Tri ân những người con trung hiếu
Để có được đất nước hòa bình, độc lập hôm nay, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống, nhiều người đã để lại một phần thân thể và biết bao người vợ, người mẹ đã lặng lẽ cống hiến hy sinh. Đã có biết bao câu chuyện cảm động về nghĩa tình đồng đội, về những tấm lòng thơm thảo, về sự tri ân người có công với cách mạng. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngời sáng những người con trung hiếu” như một lời tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với nước, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Khán giả dự chương trình xúc động khi bước ra sân khấu là một người phụ nữ Nam Bộ, đó là dì Mười (trú tại phường 4, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Là một nữ cựu tù Côn Đảo, đã được tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, cứ nghe thấy ở đâu có những trường hợp khó khăn, thương binh, gia đình liệt sĩ, người nghèo… là dì Mười tìm cách giúp đỡ. Tiết kiệm tiền lương chưa đủ, dì Mười quyết định bán căn biệt thự của mình để có thêm tiền làm vệc thiện. Đặc biệt, trong đợt lũ lịch sử năm 1999 tại miền Trung, dì đã mua 14 tấn gạo chuyển tặng đồng bào. Dì Mười tâm sự: “Cuộc đời dì may mắn được Đảng dạy, dân nuôi, được lớn lên trong vòng tay cách mạng, được chứng kiến bao nỗi đắng cay và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí khi kẻ thù xâm lược... Được sống đến ngày hôm nay, mỗi lần làm việc đức, việc nghĩa, dì lại như khỏe ra, thêm vui. Cả đời mình cống hiến cho cách mạng, giờ mình góp thêm một chút cũng là trách nhiệm với con, với cháu. Mong muốn của dì là luôn được khỏe mạnh để tiếp tục chăm sóc, tri ân người có công với đất nước, để thỏa ước nguyện của đồng đội năm xưa”...
Các tấm gương bình dị mà cao quý tham gia giao lưu tại Lễ trao giải. Ảnh: Nguyễn Tuấn Huy
Vẫn nghiêm trang trong bộ quân phục Bộ đội Cụ Hồ, Đại tá Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bến Tre rất phấn khởi, tự hào tham gia giao lưu. Được biết, trong thời gian công tác trước đây, với cương vị là Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, ông đặc biệt quan tâm giúp đỡ các đối tượng chính sách. Thấu hiểu những mất mát đau thương của đồng đội, 5 năm qua, ông đã cùng Hội CCB tỉnh vận động xây dựng được gần 1.300 căn nhà cho các gia đình chính sách, với kinh phí gần 49 tỷ đồng, giúp hơn 870 hộ CCB thoát nghèo. Hiện nay, mô hình 5+1 (5 hội viên khá giúp đỡ 1 hội viên nghèo) của Hội CCB tỉnh Bến Tre do ông sáng lập đang phát huy hiệu quả tốt. CCB Trần Quốc Việt chia sẻ: “Với đồng đội, tôi không bao giờ thấy khó, thấy khổ, mà chỉ nghĩ đó là vinh dự, là trách nhiệm, là sự đền đáp công ơn mà các anh, các chị đã hy sinh để tôi và nhiều người có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay ...”.
Về nhân vật của cuộc thi, không thể không nhắc đến bà Mai Thị Tuyết, 70 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm qua, bà đã đã đi khắp nơi tìm kiếm thông tin, rồi viết và gửi hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin giúp thân nhân của họ tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ; nhờ đó rất nhiều liệt sĩ được trở về quê hương, với người thân. Với bà, đó là niềm hạnh phúc.
Đại tá Đoàn Thế Tùng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, thì lại có suy nghĩ phải “ráng làm hết sức mình để đền ơn đáp nghĩa”. Anh đã rong ruổi khắp nơi, trở thành người đi vận động “có thương hiệu” để xây dựng gần 600 ngôi nhà tặng các gia đình chính sách; đồng thời phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập hàng trăm mộ liệt sĩ.
Những tấm gương người tốt, việc tốt ở quanh ta mỗi ngày. Với họ, hạnh phúc là được cho đi, được sẻ chia, được cống hiến. Đúng như chia sẻ của Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi: Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” chính là việc học tập, kế thừa nghệ thuật, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng tài tình của Bác Hồ, góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”, làm cho “cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”, như Bác hằng mong muốn. Các tấm gương được cuộc thi phản ánh một cách chân thực, xúc động và đầy thuyết phục, góp phần tăng thêm niềm tự hào về truyền thống, khả năng sáng tạo và nghị lực bền bỉ của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.
Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngời sáng những người con trung hiếu” khép lại trong niềm hân hoan, phấn khởi và sự đón nhận nồng nhiệt của các tầng lớp nhân dân tại khán phòng và qua truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Đây cũng là dịp góp phần quảng bá, làm cho cuộc thi viết thêm lan tỏa mạnh mẽ, nhân lên nhiều “bông hoa đẹp” trong vườn hoa người tốt, việc tốt, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.