6 giờ:8 phút Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 , 2017

Kết hợp kinh tế với quốc phòng - Nhiệm vụ chiến lược lâu dài:

Bài 3: Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận sản xuất” trong tình hình mới

Giai đoạn hiện nay, khi mà nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động kinh tế-quốc phòng (KT-QP) cần được đổi mới toàn diện để nâng cao hiệu quả. Nhiệm vụ của quân đội trong tham gia sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng đặt ra nhiều yêu cầu mới, rất cần phát huy bản lĩnh, sáng tạo và những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế.

>> Bài 1: Từ quy luật nghìn đời đến đòi hỏi thực tiễn
>> Bài 2: Hiệu qủa từ một chiến lược đúng đắn

Thống nhất, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chiến lược

Trong bài viết “Quân đội tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” đăng trên Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng ra ngày 28-6-2017, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối phát triển kinh tế gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, nhất là Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu của nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong giai đoạn hiện nay, phát huy hơn nữa vai trò của quân đội trong việc tham gia phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên phát triển mạnh các ngành kinh tế biển...".

Bài 3: Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận sản xuất” trong tình hình mới
Kiểm tra chất lượng vải sợi do Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần-Bộ Quốc phòng) sản xuất.  Ảnh: Nguồn qdnd.vn

 

Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương đã ghi rõ: Tiếp tục đổi mới tư duy về quân đội làm kinh tế, khẳng định sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội; phấn đấu là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Tại Hội nghị Kinh tế toàn quân năm 2016, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định: Toàn quân phải xác định rõ nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính cấp thiết, vừa lâu dài, thể hiện bản chất, truyền thống của Quân đội ta.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá cao sự nhất quán của chủ trương quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng và cho rằng, đây là nhiệm vụ truyền thống của Quân đội ta, thể hiện tư tưởng chiến lược KT-QP hết sức sâu sắc của dân tộc ta, đã cho thấy những hiệu quả trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ ấy xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của đất nước trong việc phát triển quân đội, xây dựng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, hết sức cần thiết và cũng hết sức khách quan. “Thật ra tư tưởng kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng cũng không phải là điều gì khác lạ so với các nước trên thế giới. Ngay trong các công ty của Mỹ cũng kết hợp rất hài hòa các mảng quân sự và mảng dân sự”, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định.

Sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội - cuộc chuyển đổi mạnh mẽ

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết, trong Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương, việc đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội được đề cập rất chi tiết. Theo đó, sẽ sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp quân đội theo lộ trình phù hợp; gắn hiệu quả kinh tế với nhiệm vụ quân sự-quốc phòng; tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại quốc phòng. Định hướng rõ chiến lược các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh như: Dịch vụ cảng biển, viễn thông, đóng tàu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiến lược, xây dựng, bay dịch vụ... Chú trọng đầu tư phát triển các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng...

Quyết liệt thực hiện các chủ trương, nghị quyết nêu trên, ngày 18-5-2017 vừa qua, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nghị quyết xác định: Giảm mạnh đầu mối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng những doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống; bảo đảm sự phát triển ổn định, lâu dài, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11 (Tổng công ty Thành An) đánh giá: Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã sắp xếp doanh nghiệp quân đội một cách khẩn trương, quyết liệt, toàn diện theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ chỗ có 300 doanh nghiệp nay quân đội chỉ còn 88 doanh nghiệp và tới đây sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ. Việc sắp xếp lại là chủ trương đúng nhưng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, đồng thời không để ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng-an ninh…

Theo Đại tá Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (Cục Kinh tế), thì về mặt nguyên tắc, sẽ giữ lại công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước là các doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhưng thực hiện tái cấu trúc, nhằm bảo đảm có cơ cấu tổ chức hợp lý, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, tận dụng năng lực quản trị, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo ra các doanh nghiệp có quy mô phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cổ phần hóa các doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trường hợp không thực hiện cổ phần hóa được thì giải thể hoặc phá sản...

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, cho biết: Sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (Nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. 

"Đây thực sự là một cuộc “cách mạng”, cải tổ toàn bộ các doanh nghiệp quân đội. Các doanh nghiệp còn lại đều phải là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh. Nhà nước sẽ không bù lỗ, sẽ hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Tôi hy vọng sau sắp xếp lần này thì những tồn tại, hạn chế sẽ được giải quyết triệt để để các doanh nghiệp quân đội có sức sống mới, thật sự khẳng định được thương hiệu, uy tín”-Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, quá trình tái cơ cấu ấy, quân đội nên rà soát lại, những mảng sản xuất, xây dựng kinh tế có liên quan trực tiếp tới quốc phòng-an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp bên ngoài chưa làm được, hoặc làm không hiệu quả, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì quân đội phải thực hiện. Còn những lĩnh vực kinh doanh ở những nơi thuận lợi mà các công ty dân sự có thể làm tốt thì nên để cho dân sự làm. Quân đội cũng cần được đầu tư nhiều hơn cho những lĩnh vực sản xuất, xây dựng kinh tế liên quan tới bảo đảm hậu cần cho các ngành kinh tế biển, viễn thông, công nghệ cao, đóng tàu...

Các khu kinh tế quốc phòng trong “thế trận” mới

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong những người tâm huyết góp phần khai sinh các khu kinh tế quốc phòng (KTQP), biến những vùng rừng dân cư thưa thớt dọc biên giới thành những bản làng trù phú trong "thế trận biên cương” đánh giá cao kết quả xây dựng các khu KTQP hơn 16 năm qua. Theo ông, những định hướng tiếp tục xây dựng các khu KTQP tới đây được xác định như vậy là rõ ràng, hiệu quả, chắc chắn tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KTQP và phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực dọc biên giới và biển, đảo". Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X xác định: “Thực hiện đề án xây dựng các khu KTQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ưu tiên xây dựng các khu KTQP mạnh ở biên giới và biển, đảo; thực hiện tốt gắn kết quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng”.

Tại Hội nghị Tổng kết xây dựng khu KTQP từ khi triển khai đến hết năm 2016 do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 20-4-2017, Thượng tướng Trần Đơn đã khẳng định trong thời gian tới, việc đẩy mạnh xây dựng các khu KTQP góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng dự án, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo là yêu cầu hết sức cần thiết. Cần quy hoạch xây dựng và phát triển khu KTQP theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định. Tổ chức lại mô hình sản xuất tại các khu KTQP theo hướng: Tập trung ưu tiên phát triển kinh tế hộ gia đình; đẩy mạnh hình thức dịch vụ 2 đầu giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Chuyển các đoàn KTQP về trực thuộc quân khu...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các khu KTQP, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho rằng: Khu KTQP là một hình thức tổ chức đặc biệt, không phải là kinh tế thuần túy mà có ý nghĩa cả về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện các dự án KTQP trên địa bàn Tây Nguyên thực sự mang lại hiệu quả không những góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, mà còn tạo ra sự vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là "thế trận lòng dân".

Nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập trong nước và quốc tế

TS Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIII từng là Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đối với việc thi công một số dự án lớn do quân đội đảm nhiệm cho biết: “Qua giám sát của chúng tôi, các dự án đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông, một số khu KTQP ở Tây Nguyên... đều được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ và đạt chất lượng tốt”. Cũng theo TS Trần Văn thì các dự án được thực hiện trong điều kiện địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, xa dân, rủi ro cao, lợi nhuận thấp, rất gian khổ, lại ở nơi trọng yếu về quốc phòng-an ninh, chỉ có các doanh nghiệp quân đội đảm nhận thi công là phù hợp. Các dự án này đã đem lại cơ hội phát triển kinh tế-xã hội ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh nhất nơi biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời bảo đảm cho quân đội cơ động tuần tra, ứng phó khi có tình huống và tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh ở những địa bàn chiến lược.

 Anh hùng Lao động, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, doanh nghiệp quân đội cần tiếp tục phát huy cao độ tính kỷ luật, nếp sống chính quy, gắn liền với tác phong văn minh công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế. Trong những năm qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đã quán triệt, nắm vững chủ trương của Đảng, tiến hành kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng trong từng dự án, nhất là trong lĩnh vực cảng biển, hậu cần biển đảo.  

Đầu tư trang bị, đổi mới công nghệ, đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam cũng là nội dung cần được các doanh nghiệp quân đội quan tâm trong thời gian tới, hướng tới cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Có thể thấy rõ rằng, về mặt chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ tham gia sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng của quân đội không hề “xoay trục”, “cắt bỏ” mà luôn là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Cho dù đất nước ngày càng đổi mới, hội nhập, quân đội được quan tâm, đầu tư toàn diện nhưng chức năng, nhiệm vụ “đội quân sản xuất” của quân đội không mất đi mà luôn có bước phát triển mới cùng quá trình đổi mới đất nước. Mọi sự sắp xếp, tổ chức lại xét cho cùng không làm thay đổi bản chất chức năng, nhiệm vụ của quân đội mà chỉ nhằm giúp cho quân đội thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong tình hình mới.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website