9 giờ:0 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan:

Chiến thắng trận đầu là một ký ức đẹp

Tôi gặp Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Đôi mắt tinh anh của vị tướng già bỗng nhiên thẫm lại: Mới đấy mà đã hơn 50 năm rồi. Biên đội ngày xưa chỉ còn lại có hai người thôi. Ông Phạm Ngọc Lan ngoài Hà Nội và ông Hồ Văn Quỳ trong Đà Nẵng. Dẫu ở cách xa hai miền đất nước nhưng họ như chưa khi nào xa nhau cả. Tháng 4 vẫn là dấu mốc để đôi bạn có cớ mà gặp lại nhau. Trong ánh nhìn xa xăm của cựu chiến binh già, âm vang trận thắng đầu và tình yêu bầu trời thì dường như vẫn còn nguyên vẹn.

 Ông bảo, chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân là một ký ức đẹp nên ông nhớ lắm. Năm 1964, ông tốt nghiệp khóa phi công tiêm kích đầu tiên trên nước bạn. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, toàn bộ học viên được lệnh bay về nước. Ông Phạm Ngọc Lan được cử làm Chủ nhiệm dẫn đường bay và là người đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Hôm ấy thật sự là một ngày đặc biệt: Việt Nam đã có máy bay phản lực chiến đấu là MiG-17. Tiếp đó là những ngày luyện tập vất vả, họ học cả ngày cả đêm với quyết tâm “mở mặt trận trên không thắng lợi”. Với phương châm: “nắm thắt lưng địch mà đánh, tạo sự bất ngờ, phát huy ưu thế cơ động của máy bay MiG-17 rồi nhanh chóng tiếp cận, ngắm bắn chính xác”, biên đội của ông đã sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.
Chiến thắng trận đầu là một ký ức đẹp

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan  (Ảnh: THÀNH TRUNG)

Sáng sớm ngày 3 tháng 4 năm 1965, biên đội được lệnh cất cánh lên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hóa, nơi có một tốp máy bay F-8 của Mỹ đang tìm cách ném bom cầu Hàm Rồng, hòng cắt đứt con đường huyết mạch của ta. Họ gồm: số 1 - Phạm Ngọc Lan, số 2 - Phạm Văn Túc, số 3 - Hồ Văn Quỳ và số 4 - Trần Minh Phương. Phát hiện máy bay địch, số 2 - Phạm Văn Túc bắn ở cự ly xa nên không trúng. Lập tức Phạm Ngọc Lan tiếp cận ở cự ly 300m, ông bắn phát đầu tiên. Vẫn trượt, ông kéo cần lái mạnh hơn đón đầu bất ngờ và bắn một loạt vào tên địch trước mặt. Chiếc F-8 khựng lại, tiếp đó tiếng reo đồng loạt của cả biên đội: “Trúng rồi” làm ông vô cùng phấn khởi. Cùng lúc đó, số 3 và số 4 cũng bám được một tốp 2 máy bay địch. Có Trần Minh Phương yểm hộ, số 3 - Hồ Văn Quỳ lập tức công kích. Phát hiện máy bay địch bên phải, Phạm Ngọc Lan yểm trợ cho số 2 vào công kích. Đúng tầm ngắm, Phan Văn Túc lập tức siết cò. Chiếc F.8 thứ 2 lạng đi rồi bốc cháy.

Chiến thắng trận đầu là một ký ức đẹp

Biên đội đánh thắng trận đầu ngày 3/4/1965 (từ trái qua: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương).  Ảnh Tư liệu

Họ cứ mải miết đánh, đến khi được lệnh sở chỉ huy gọi về thì máy bay của số 1 - Phạm Ngọc Lan đã gần cạn xăng. Để bảo toàn tính mạng phi công, sở chỉ huy đã 3 lần ra lệnh cho ông nhảy dù nhưng ông vẫn lần chần. Trong đầu ông nhoáng lên một ý nghĩ: Máy bay là tài sản quý của nhân dân, phải cố gắng cứu lấy máy bay. Lập tức ông định hướng: Sân bay nằm ở phía sông Hồng. Vậy là cứ bay men theo sông Hồng bay về, bay đến cạn xăng thì tới bãi ngô. Không thể thả càng vì đất lún, ông liền hạ cánh bằng cách trượt bụng máy bay xuống nền cát ướt. 

Chiến thắng trận đầu giòn giã đã làm nức lòng quân dân cả nước, làm cho đế quốc Mỹ khiếp sợ và không còn dám ngông nghênh bay lượn trên bầu trời miền Bắc như trước nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc ta đã thực hiện đúng chỉ thị của Bác Hồ: “mở mặt trận trên không thắng lợi”. Thực hiện được mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Bắn rơi máy bay địch từ loạt đạn đầu ngay trong lần công kích đầu tiên. Ông bảo: Chúng tôi thắng được là nhờ có tinh thần đồng đội. Địch có máy bay hiện đại nhưng là lũ cướp nước vốn tham sống sợ chết. Vừa bay vào oanh tạc, thấy đồng bọn bị bắn rơi là táo tác sấp ngửa chạy thoát thân. Các phi công của ta thì không thế. Họ mưu trí, dũng cảm và luôn hỗ trợ nhau nơi hòn tên mũi đạn.

Sau chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân, hàng loạt phi công trẻ đã noi gương Biên đội “Lan - Túc - Quỳ - Phương”, lần lượt cất cánh và bắn hạ hàng chục máy bay hiện đại trong đó có pháo đài bay B-52. Trận đánh ngày 3 tháng 4 năm 1965 không chỉ đi vào huyền thoại của những thế hệ phi công Việt Nam mà còn vinh dự được công nhận Ngày đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân.

QUỲNH VÂN

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website