8 giờ:3 phút Thứ năm, ngày 26 tháng 7 , 2018

Phi công Nguyễn Văn Minh và ngày trở lại

Đã rất nhiều năm qua đi, ngày 13-7-2018 vừa qua, Trung tá Nguyễn Văn Minh - nguyên phi công chiến đấu Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 mới có dịp trở lại thăm đơn vị. Ngày trở lại này cũng thật đặc biệt, bởi đây là ngày Trung đoàn tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phi công Nguyễn Văn Minh và ngày trở lại
Đại tá Hoàng Trung Kiên - Phó Chính ủy Sư đoàn 371
gắn huy hiệu Anh hùng LLVTND cho phi công Nguyễn Văn Minh.

Niềm vui càng nhân lên khi không chỉ có sự góp mặt chúc mừng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, mà còn ý nghĩa hơn khi có sự hiện diện của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - người đồng đội đã sát cánh cùng phi công Nguyễn Văn Minh dệt nên những chiến công xuất sắc trong những ngày đạn lửa.

Phi công Nguyễn Văn Minh sinh ngày 2-7-1939 tại xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ tháng 2-1960. Năm 1966, ông tốt nghiệp Trường Không quân ở Liên Xô rồi về công tác tại Trung đoàn 921. Vào thời điểm này, cách đánh của MiG-21 chủ yếu dùng tên lửa không đối không. Cách dẫn đường của không quân ta chưa tạo được đà, được thế, nên phi công ta thường rơi vào thế đánh quần, không tạo được điều kiện để phóng tên lửa. Trong bối cảnh đó, các cán bộ chỉ huy Trung đoàn đã cùng phi công dân chủ bàn bạc và đi đến quyết định thay đổi phương án mang vũ khí. Số 1 mang tên lửa không đối không, số 2 mang rốc két.

Ngày 9-10-1966, biên đội Phạm Thanh Ngân (số 1), Nguyễn Văn Minh (số 2) nhận lệnh xuất kích, đây là trận đầu thử nghiệm chiến thuật mang vũ khí mới. Khi biên đội Ngân - Minh bay đến vùng trời Mỹ Đức, Hà Tây thì gặp đội hình lớn của địch gồm cả A-4 và F-4. Biên đội bị địch phóng tên lửa. Số 2 hô: “Số 1 cơ động gấp!” và rơi vào thế đánh quần với 8 chiếc F-4 và A-4 của địch. Phi công Nguyễn Văn Minh đã 3 lần tránh được tên lửa địch và tạo được cơ hội phóng 3 loạt rốc két, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F-4 của Mỹ. Nhưng khi thoát ly, bị địch bám theo, bắn tên lửa, máy bay bị thương mất điều khiển, ông buộc phải nhảy dù ở tư thế nguy hiểm, bị dập hai xương sống và thủng màng nhĩ. Sau gần 6 tháng điều trị tích cực, mặc dù được yêu cầu thôi bay để bảo vệ sức khỏe nhưng với ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường, sau khi ra viện, phi công Nguyễn Văn Minh ra sức luyện tập tiếp tục tham gia huấn luyện và trở lại chiến đấu.

Ngày 24-4-1968, trong một trận chiến đấu mới, phi công Nguyễn Văn Minh bay ở vị trí số 2, phi công Đặng Ngọc Ngự bay số 1, khi bay đến bầu trời Như Xuân - Thanh Hóa, đồng chí Minh phát hiện mục tiêu trước và thông báo cho số 1 vào công kích, đồng chí Ngự bắn rơi 1 chiếc máy bay không người lái của địch. Ngày 17-8-1968, biên đội Tôn - Minh được lệnh xuất kích, chiến đấu trên vùng trời Đô Lương, Nghệ An. Đồng chí Tôn bay số 1, đồng chí Minh bay số 2. Được sự dẫn dắt của sở chỉ huy tiền phương, biên đội đã tiếp cận gần địch, song vì mây thấp, tầm nhìn hạn chế nên buộc phải thoát ly. Trên đường trở về căn cứ, Nguyễn Văn Minh đã phát hiện 4 chiếc F4 và hô số 1 vòng trái gấp để tạo được thế có lợi cho biên đội và lao vào công kích F-4 của địch đang trên đường bay ra hướng biển. Phi công Nguyễn Văn Minh đuổi theo, bám vào một chiếc F-4 và đã bắn rơi tại chỗ trên vùng trời Anh Sơn, Nghệ An.

Ngày 1-7-1969, biên đội Minh - Cung được lệnh cất cánh đánh máy bay không người lái, trong điều kiện thời tiết xấu, đồng chí Minh tiếp tục phát hiện mục tiêu trước, nhưng máy bay của đồng chí ở cự ly quá gần với máy bay địch, không thể phóng tên lửa, đồng chí đã chỉ huy số 2 vào công kích và số 2 đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái của địch. Đó là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Tháng 9-1970, phi công Nguyễn Văn Minh được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội 3, Trung đoàn 921. Tuy chưa được đào tạo về nghiệp vụ CTĐ, CTCT. Nhưng với bản lĩnh của một phi công dày dặn kinh nghiệm, được tôi luyện, thử thách qua chiến đấu với kẻ thù, ông đã nhanh chóng làm quen được với nghiệp vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động CTĐ, CTCT trong đơn vị. Trong suốt quá trình tham gia công tác, chiến đấu tại Trung đoàn 921, phi công Nguyễn Văn Minh đã lập nhiều chiến công và thành tích xuất sắc. Trực tiếp bắn rơi 3 máy bay F-4 của Mỹ, là phi công số 2 trong biên đội đã tham gia nhiều trận không chiến ác liệt với máy bay Mỹ có số lượng đông gấp nhiều lần không quân ta, nhưng ông vẫn kiên cường dũng cảm chiến đấu, vừa bắn rơi máy bay địch vừa bảo vệ được đồng đội. Thành tích của phi công Nguyễn Văn Minh góp phần tô thắm thêm truyền thống Đoàn Không quân Sao Đỏ anh hùng.

Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Minh không quên dặn dò các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 phải luôn đoàn kết, phát huy nội lực, trí sáng tạo và nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm khai thác sử dụng có hiệu quả máy bay, vũ khí, trang bị hiện có, nâng cao chất lượng huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia

Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG, VĂN AN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website