7 giờ:46 phút Thứ hai, ngày 25 tháng 12 , 2017

Giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong Chiến dịch

50 năm đã trôi qua, mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bộ đội Thông tin đều rất vinh dự, tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 lịch sử, ghi thêm một trang sử vàng truyền thống cho Bộ đội Thông tin liên lạc.

Để bảo đảm thông tin liên lạc cho Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, cuối tháng 12 năm 1972; trên cơ sở hệ thống thông tin liên lạc có từ trước, Bộ đội Thông tin đã bổ sung, điều chỉnh phương tiện thông tin liên lạc vững chắc. Trong Chiến dịch này, lực lượng thông tin liên lạc sử dụng hệ thống thông tin có sẵn của Bộ, của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), các quân khu, các đơn vị tham gia tác chiến, kết hợp với hệ thống thông tin bưu điện để bảo đảm cho thông báo báo động, chỉ huy tác chiến và giải quyết hậu quả đánh phá của địch. Theo đó, Bộ đội Thông tin đã sử dụng tổng hợp hệ thống các phương tiện thông tin có sẵn tại chỗ ở các địa phương như: Hệ thống thông tin quân sự, bưu điện, truyền thanh… để thông báo, báo động, chỉ huy bắn máy bay, bắt phi công nhảy dù và giải quyết hậu quả sau khi địch ném bom… Mặt khác, sử dụng kết hợp các phương tiện thông tin vô tuyến điện (vô tuyến điện sóng ngắn, vô tuyến điện sóng cực ngắn vô tuyến điện tiếp sức) để bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc trong mọi tình huống.

Giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong Chiến dịch
Sở chỉ huy Ra đa trong 12 ngày đêm, cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Hệ thống hữu tuyến điện đã được hoàn thiện từ Bộ đến các quân khu, Quân chủng PK-KQ, các tỉnh thành phố và phát triển xuống các huyện, xã và khu phố trọng điểm. Vô tuyến điện sóng ngắn được tổ chức liên lạc vượt cấp từ Bộ Tổng tham mưu xuống bất kỳ đơn vị nào trong khi cơ động. Các trạm chuyển tiếp vô tuyến điện sóng cực ngắn được tổ chức kết hợp với các đài quan sát mặt đất đặt trên các cao điểm, bảo đảm liên lạc từ Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh PK-KQ đến các đơn vị cao xạ, tên lửa cơ động, chiến đấu trên các khu vực đồng bằng Bắc Bộ và bắc Quân khu 4.

Để phòng chống địch gây nhiễu vô tuyến điện và vô tuyến điện tiếp sức, nhất là khi địch sử dụng máy bay B-52 đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta; Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã phối hợp với các cơ quan thông tin Quân chủng PK-KQ nghiên cứu và thực hiện các biện pháp phòng chống có hiệu quả như: Sử dụng khối sóng đề-xi-mét ở máy vô tuyến điện tiếp sức P405, tổ chức liên lạc vô tuyến điện đường vòng qua các hướng ít hoặc không bị nhiễu, sử dụng máy phát vô tuyến điện có công suất lớn để liên lạc; cải tiến cách sử dụng mật ngữ chỉ huy; tổ chức rộng rãi vô tuyến điện sóng ngắn dùng liên lạc thoại để chỉ huy các đơn vị cao xạ, tên lửa khi các mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn bị địch gây nhiễu, liên lạc với máy bay của trong trong khi chiến đấu. Dùng máy phát có công suất lớn (20Kw) đặt tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì, có điều khiển xa bằng vô tuyến điện tiếp sức về Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ tổ chức mạng vô tuyến điện sóng trung để chỉ huy trên không...

Nhờ có sự chuẩn bị mọi mặt và có kế hoạch tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc chặt chẽ nên ngay từ đêm đầu tiên (18-12) của cuộc tập kích, mặc dù địch gây nhiễu nặng ở các hướng bay, hệ thống thông tin liên lạc vẫn bảo đảm thông suốt, kịp thời cho Bộ chỉ huy các đơn vị vào cấp báo động chiến đấu ngay từ khi ra đa phát hiện máy bay địch từ cự ly xa trên đường bay và miền Bắc nước ta. Khi tốp máy bay B-52 đầu tiên vào khu vực Hà Nội thì Bộ đội Tên lửa và các trận địa cao xạ, súng máy cao xạ của dân quân tự vệ Hà Nội đã kịp thời nổ súng đánh trả quyết liệt, bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên.

Bên cạnh đó, mặc dù địch đánh phá các sân bay của ta rất ác liệt nhưng liên lạc vẫn được giữ vững với Bộ và Quân chủng PK-KQ. Hai sân bay Kiến An và Thọ Xuân tuy bị mất liên lạc bằng các đường hữu tuyến điện cắm thẳng nhưng liên lạc vẫn được giữ vững qua các mạch đường vòng. Ở các sân bay đã tổ chức các mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn kịp thời thay thế hữu tuyến điện khi bị đứt để bảo đảm cho chỉ huy máy bay của ta cất cánh. Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội đã sử dụng hệ thống hữu tuyến điện của Bộ và của bưu điện, đồng thời tổ chức, sử dụng các mạng vô tuyến điện sóng cực ngắn để chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa, pháo cao xạ khi địch đánh phá hệ thống hữu tuyến điện của Quân chủng và gây nhiễu liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn của Sư đoàn.

Ngoài ra, các cơ quan thông tin Quân khu Thủ đô, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải phòng đã tổ chức sử dụng hệ thống thông tin quân sự bằng nhiều hình thức rất phong phú như tổ chức bằng hữu tuyến điện, vô tuyến điện sóng ngắn, vô tuyến điện sóng cực ngắn, kết hợp với hệ thống hữu tuyến điện bưu điện, hệ thống truyền thanh thành phố chuyển đạt các thông báo báo động B-52 cho nhân dân, chỉ huy các đội dân quân tự vệ bắn máy bay bay thấp, bắt phi công nhảy dù và giải quyết hậu quả sau các đợt ném bom của địch.

Như vậy, trải qua 12 ngày đêm phục vụ cho chỉ huy đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của đến quốc Mỹ, hệ thống thông tin quân sự và bưu điện ở miền Bắc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào chiến công của các đơn vị làm nên trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
THÀNH TRUNG 
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website