9 giờ:16 phút Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 , 2024

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959/19-5-2024)

Tuyến vận tải chiến lược chi viện cho các chiến trường

Bước sang năm 1959, cách mạng Miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Tuyến vận tải chiến lược chi viện cho các chiến trường
Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Trước tình hình đó, tháng 5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, với phương thức vận chuyển ban đầu hết sức thô sơ, chủ yếu là đi bộ, mang vác, gùi, thồ. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội chuyển công văn, tài liệu từ Miền Bắc vào Miền Nam và ngược lại.

Năm 1959, Đoàn có nhiệm vụ soi đường, bảo đảm giao thông liên lạc từ Miền Bắc và Miền Nam, chuyển gấp 7.000 súng bộ binh, tổ chức bảo đảm đưa 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn Vận tải bộ 301 và các bộ phận; xây dựng kho, bao gói hàng và sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Ngày 19-5-1959, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường chi viện cho chiến trường Miền Nam cũng là Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng, dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường sông, đường thông tin liên lạc…

Tính trong 6 tháng cuối năm 1959, khi tuyến đường mới hình thành, với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Quân khu 5, thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn. Đặc biệt, trong 2 năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường đạt hơn 410.000 tấn. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu.

Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường Miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương Miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh. Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có 1 vị trí chiến lược quan trọng như “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho chiến trường Miền Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, góp phần quan trọng làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, từ năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường, đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

BÍCH PHƯỢNG (Tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website