Bác Hồ với Bộ đội Phòng không-Không quân
Nhìn lại chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội PK-KQ; chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu. Người đã dành cho Quân chủng PK-KQ sự quan tâm đặc biệt vào những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước. Ngay từ khi Bộ đội PK-KQ chỉ có một đại đội Pháo cao xạ 37mm bảo vệ cầu Thủy Khẩu trên biên giới Việt - Trung, Bác Hồ đã đến thăm hỏi động viên. Kể từ buổi đầu tiên đó cho đến lúc Bác đi xa, đã có 17 lần Bác đến thăm Bộ đội PK-KQ. Trong các lần đến thăm, Bác đã đến từng trận địa cao xạ, tên lửa, ra đa; từng sân bay để kiểm tra, động viên, nhắc nhở, dạy bảo nhiều điều quý báu…
Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (ngày 9-11-1964). Ảnh tư liệuTrong cuốn sách “Bảo vệ bầu trời Tổ quốc” được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2005, tác giả Mai Đông Hải - nguyên Cán bộ Chính trị Đại đội 612 nhớ lại: Đầu tháng 12 năm 1952, Bác Hồ đến thăm Đại đội 612, đơn vị cao xạ đầu tiên của Quân đội ta. Đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Lùng ở Thủy Khẩu, thuộc tỉnh Cao Bằng - biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Khoảng 4 giờ chiều, Bác Hồ đến thăm. Nói chuyện với bộ đội, Bác căn dặn: “Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân, yên tâm công tác, ra sức học tập để bắn rơi máy bay địch. Các chú thi đua thực hiện cho tốt. Hằng tháng gửi báo cáo cho Bác”. Và chỉ sau hơn một tháng, Đại đội 612 đã lập chiến công bắn cháy một chiếc máy bay Hen-cát của địch. Nhận được tin này, Bác đã gửi thư khen. Trong thư, Bác bày tỏ niềm vui mừng, đồng thời động viên đơn vị tiếp tục cố gắng học tập để lập thêm nhiều chiến công to lớn hơn.
Năm 1954, khi về tiếp quản Thủ đô, Bác đã nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Lời dạy ấy của Người có một ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, một tầm nhìn xa, trông rộng, cảnh giác đối phó với một kẻ thù mới nguy hiểm là đế quốc Mỹ. Ngay từ năm 1956-1958, theo chủ trương của Bác, Bộ Quốc phòng đã tuyển chọn và đưa hàng trăm cán bộ đi học khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại tại Liên Xô, Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực hiện lời dạy của Bác, lực lượng phòng không đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng. Riêng lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội lúc ấy đã có tới 4 trung đoàn pháo trung cao hỗn hợp, có khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của Thủ đô Hà Nội. Và đúng như dự báo của Người, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã cho không quân ra miền Bắc đánh phá Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa). Quân và dân miền Bắc đã cảnh giác cao, đánh trả quyết liệt và bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống tên trung úy phi công Anvaret.
Từ tiên đoán, Mỹ sẽ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá miền Bắc, ngay từ năm 1962, Người đã hỏi Tư lệnh Phùng Thế Tài về máy bay B-52, đồng thời nhắc nhở Bộ đội Phòng không phải sớm nghiên cứu, chuẩn bị phương án để đối phó. Đầu năm 1964, đến thăm Bộ đội Phòng không, Người căn dặn: “Các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta”. Đặc biệt, được tin, Bộ đội Tên lửa sắp ra quân chiến đấu, ngày 19-7- 1965, Bác đã đến thăm Quân chủng. Người ân cần dặn dò: “… Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Có quyết tâm thì làm gì cũng được. Phải có tinh thần dũng cảm. Tinh thần con người phải làm sao truyền qua súng, làm sao phải có kỹ thuật giỏi, ta phải tìm địch mà đánh. Muốn bắn trúng, bắn rơi địch từ loạt đạn đầu, phải tập luyện thật công phu mới có thể bắn rơi được tại chỗ. Lúc đánh phải hiệp đồng cho thật tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng cao, phải phối hợp thật chặt chẽ”. Quán triệt chỉ thị của Bác, ngày 24-7-1965, Trung đoàn 236 hiệp đồng với các đơn vị cao xạ và ra đa cùng nhân dân các địa phương đã bắn rơi chiếc máy bay địch thứ 400. Ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không.
Nhận được tin tên lửa của ta bắn rơi máy bay địch, Bác rất vui mừng và khen Bộ đội Tên lửa đã ra quân đánh thắng trận đầu, lập công xuất sắc. Sau đó, khi đến thăm Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Bác căn dặn: “Không được chủ quan, thỏa mãn, phải ra sức rút kinh nghiệm, tích cực học tập làm chủ khoa học kỹ thuật để trận sau thắng hơn trận trước…”. Thực hiện lời Bác “có vào hang cọp mới bắt được cọp”, ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 lần đầu tiên tiêu diệt được 1 chiếc B-52.
Trước khi địch tiến hành cuộc chiến tranh leo thang đánh phá vào Hà Nội, ngày 17-5-1965, Đại đội 1, Trung đoàn PPK 234 được vinh dự thay mặt cho Bộ đội PK-KQ đón Bác. Bác khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Lời dạy này của Bác là mệnh lệnh của Tổ quốc, là ý chí của dân tộc trao cho Bộ đội PKKQ tiến lên quyết thắng không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Đối với Bộ đội Không quân, ngày 9-11-1964, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn 921, Bác nhắc nhở: “Các chú phải học tập gương chiến đấu của các chiến sĩ miền Nam anh hùng, phát huy lối đánh gần “bám thắt lưng địch mà đánh”, phải đoàn kết, quyết tâm, đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu. Phải xây dựng truyền thống đánh giỏi để giữ gìn làm chủ đất nước, làm chủ biển trời Tổ quốc”. Lời Bác dạy hôm đó đã trở thành phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam.
Vào cuối năm 1967, Bác Hồ đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam “Sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi nó mới chịu thua, cho nên phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…”. Trước lời tiên đoán quý giá đó, Bộ đội Tên lửa phòng không càng ra sức chuẩn bị tốt mọi mặt để thời cơ đến quyết đánh thắng địch trên bầu trời Hà Nội. Đó cũng là mệnh lệnh của Bác trao cho Bộ đội PK-KQ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Bộ đội PKKQ đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy năm Châu. Từ đó góp phần thực hiện yêu cầu của Bác “Đánh cho Mỹ cút” tạo điều kiện sau này “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhìn lại bước đường phát triển, trưởng thành của Quân chủng, lập những chiến công to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Đó là nhờ công ơn to lớn của Bác Hồ kính yêu. Những năm tháng được gần Bác, được Bác giáo dục, chỉ đạo, hướng dẫn, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu thương của Người. Lòng nhân ái, đức độ và tài năng của người đã tạo cho chúng ta nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy Quân chủng vượt qua mọi thử thách hi sinh để giành lấy thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã giao cho.
NGUYỄN THÀNH TRUNG