8 giờ:53 phút Thứ bảy, ngày 26 tháng 8 , 2017

“Tôi trở thành Bộ đội Cụ Hồ từ mùa Thu Cách mạng”

Đã 72 năm qua đi, trước mỗi mùa Thu tháng Tám, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ nhau về cái Tết Độc lập đầu tiên đã đi vào lịch sử. Đó là thời khắc Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình rực nắng.

“Tôi trở thành Bộ đội Cụ Hồ từ mùa Thu Cách mạng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập
tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945.
Ảnh tư liệu.

Cách đây mười năm tôi đã được gặp Thiếu tướng Lê Huy Vinh - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ. Ông đã kể cho chúng tôi nghe những cảm xúc thiêng liêng về cái Tết Độc lập đầu tiên của đất nước. Ông bảo, đó thật sự là những khoảnh khắc đáng nhớ. Bởi lẽ, cuộc đời quân ngũ của ông được bắt đầu từ mùa Thu Cách mạng năm 1945. Lúc đó ông tham gia vào Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Bộ Phủ. Giờ đây ông đã đi xa, bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ ông khi đất nước đang tưng bừng đón cái Tết Độc lập lần thứ 72. 

Thiếu tướng Lê Huy Vinh sinh ngày 1-11-1928 tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, quê nội ông ở xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Nơi ông sinh vốn là An toàn khu của Thành ủy Hà Nội. Vì vậy, ngay từ khi còn là học sinh ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ Cách mạng. Đầu năm 1940, phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, sinh viên. Cuối năm 1944, ông được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức “Thanh niên cứu quốc Việt Minh thành Hoàng Diệu”. Nhiệm vụ của ông là bí mật tuyên truyền, tổ chức giác ngộ thành viên, tuyên truyền trong nhân dân bằng các công việc cụ thể như rải truyền đơn, dán áp phích, tham gia tự vệ chiến đấu, bảo vệ các hội nghị bí mật của Thành ủy… Tháng 3 năm 1945, ông tham gia Tự vệ xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy) thành phố Hà Nội, bảo vệ các hội nghị bí mật của Thành ủy, chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Cũng trong thời điểm này, ông được lệnh cùng với anh em phá kho lương thực của địch. Số lương thực cướp được này vô cùng quý giá, bởi đã kịp thời cứu đói cho nhân dân.

Đêm 17-8, nội, ngoại thành rạo rực, sôi sục một làn sóng cách mạng dâng trào mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng thấy. Đặc biệt, đêm 18-8, cả Hà Nội dường như không ngủ. Ông tham gia vận động nhân dân tổ chức mít tinh, chuẩn bị giáo mác, dao, gậy, cờ và khẩu hiệu… Tiếp đó, ông cùng với đồng chí Vi Dân, chi đội trưởng chỉ huy lực lượng nổi dậy tập trung tại Nhà hát Lớn, chuẩn bị mọi mặt để ngày 19-8 đồng loạt đứng lên cướp chính quyền.

Sáng 19-8-1945, đó thật sự là một mốc son lịch sử không thể nào quên. Mới 4-5 giờ sáng, quần chúng đã tập hợp đội ngũ chỉnh tề, cờ sao rực rỡ từ khắp các ngả đường tiến vào trung tâm Hà Nội. Theo chỉ lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa thành phố, các cánh quân nhanh chóng tỏa đi các hướng. Đội chiếm Tòa Khâm Sai, đội chiếm Bảo An binh, đội chiếm Tòa Thị chính, đội chiếm Sở Liêm phóng… Ta vừa tuyên truyền vừa kiên quyết đấu tranh buộc địch phải đầu hàng không điều kiện. Riêng đội của ông được lệnh vào chiếm Phủ Khâm Sai. Ông cũng trực tiếp trèo tường phá cổng, xông vào khám xét, tịch thu vũ khí của địch. Sau đó các ông tổ chức canh gác nghiêm ngặt để đợi quân ta vào tiếp quản Hà Nội.

Cũng trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, ông nhập ngũ, là chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 48 Thăng Long).

Ngày 2-9-1945, ông tham gia bảo vệ Lễ Độc lập, bảo vệ Chính phủ cách mạng. Với ông, đó thật sự là một ngày trọng đại không thể nào quên. Cả Thành phố nhộn nhịp bước chân với một rừng cờ hoa hân hoan tiến về Quảng trường Ba Đình.

Lẫn trong dòng người sục sôi ý chí cách mạng, ông cảm thấy mình như đang lớn bổng lên. Bên cạnh niềm vui được góp một phần công sức vào ngày chiến thắng, trách nhiệm của một người chiến sĩ cũng đè nặng đôi vai. Và cũng từ niềm vinh dự và trách nhiệm ấy, ông đã cống hiến trọn đời cho đất nước. Từ một chiến sĩ trở thành tướng lĩnh Quân đội, Thiếu tướng Lê Huy Vinh đã ba lần trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Nhớ nhất, xúc động nhất vẫn là lần đầu tiên tham gia bảo vệ Thành phố Hà Nội. Đó là cái Tết Độc lập đầu tiên của đất nước, cũng chính là thời điểm ông chính thức trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.

THANH BÌNH 
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website