Những chiến công huyền thoại của Tiểu đoàn 172
Những chiến công huyền thoại của Tiểu đoàn 172
Mỗi khi nghĩ về ngày 30/4/1975 lịch sử, trong ánh mắt của mỗi cựu chiến binh Tên lửa A72 mà tôi đã gặp, những chớp lửa của lịch sử chưa bao giờ nguôi cháy. Bắn rơi 9 máy bay địch ngay cửa ngõ Sài Gòn, chiến công thì gắn với từng xạ thủ nhưng niềm tự hào thì luôn là của chung những người lính ngày đó hầu hết mới qua tuổi 20…
Những ngày cuối tháng 4/1975, đội hình của Tiểu đoàn 172 được chia lẻ, phối thuộc cùng các cánh quân thần tốc vượt qua vùng Đồng Tháp Mười hướng Sài Gòn thẳng tiến. Qua những ngày vượt đầm lầy, vũ khí, khí tài phải bọc kín trong túi ni-lon tránh nước, đội quân của những mũi tên huyền thoại đã ém quân xung quanh Sài Gòn, chờ lệnh.
Thượng sĩ Nguyễn Hữu Nghiêm nhớ lại: 5 giờ sáng ngày 29/4, đang cùng đội hình của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 429, Bộ đội Đặc công, ở vị trí phục kích, ông đã chứng kiến cảnh máy bay địch bị bắn, lửa bốc lên rực trời. Khi một chiếc trinh sát L-39 từ Tân Sơn Nhất cất cánh, chờ lúc mặt trời vừa lên, ông lấy tham số và ấn nút. Quả đạn lao thẳng vào chiếc máy bay, một quầng lửa bốc lên. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, lại một chiếc C-119 xuất hiện trong tầm ngắm ở vị trí phục kích, Nguyễn Hữu Nghiêm mở máy, bắn theo chế độ tự động. Chiếc máy bay bị quả đạn xuyên thẳng cánh trái, rơi xuống phía Nam thành phố. Bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong một ngày, với một xạ thủ mới 25 tuổi, đó là niềm vui khôn tả. Vui hơn nữa, chiều hôm sau, 30/4, khi đi tắm nhờ trong nhà bà con ở ấp Tân Tạo, ông gặp một đồng đội là xạ thủ Lành Hồng Khôn và được biết anh cũng vừa hạ gục tại chỗ một máy bay sáng 29/4.
Các cựu chiến binh Tên lửa A72 thăm gia đình anh hùng, liệt sĩ Bùi Anh Tuấn.
Với Trung tá Đặng Văn Cầu - nguyên Chính trị viên Phó Tiểu đoàn 172, thì những ngày đỏ lửa tại cửa ngõ Sài Gòn cuối tháng 4/1975 thật đáng nhớ bởi nó được đánh dấu bằng 9 chiếc máy bay bị bộ đội tên lửa A72 bắn rơi tại chỗ. Ông bảo, những người lính tên lửa vác vai đã thực sự tỏa sáng trong chiến công chung. Những cái tên như Nguyễn Hữu Nghiêm, Lành Hồng Khôn, Nguyễn Hữu Căn hay Nguyễn Văn Thoa… đã và sẽ luôn đi cùng năm tháng. Đó là một dấu ấn đậm trong rất nhiều dấu ấn bất tử mà những chàng xạ thủ Tên lửa A72 đã viết lên.
Tiểu đoàn Tên lửa 172 được thành lập năm 1972. Sau vài tháng được cấp tốc huấn luyện trực tiếp bởi các chuyên gia Liên Xô, rồi hành quân vượt Trường Sơn, những người lính tên lửa A72 đã trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ - Ngụy. Ông Nghiêm Xuân Đán là người đầu tiên bắn rơi máy bay bằng tên lửa A72, mang về cho Tiểu đoàn phần thưởng là hai chiếc đài National mà Đoàn Pháo binh 77 miền Đông Nam Bộ treo thưởng suốt 10 năm liền chưa đơn vị nào giành được. Ông Trần Văn Xuân, sinh viên Đại học Thủy lợi nhập ngũ, với sáng kiến chế tạo khung điểm đón cho A72, đã nâng cao hiệu suất chiến đấu của khí tài. Sau đó, sáng kiến của ông đã được Nga tiếp nhận, cải tiến khí tài A72 trang bị cho Hải quân. Xạ thủ Hoàng Văn Quyết bắn rơi 16 máy bay, lập nên kỷ lục về bắn rơi máy bay Mỹ của Quân chủng, cũng là một kỷ lục thế giới. Xạ thủ Nguyễn Văn Thoa bắn rơi 13 chiếc, Nguyễn Đắc Luận bắn rơi 9 chiếc. Có xạ thủ như Bùi Anh Tuấn, bằng 5 quả đạn đã bắn rơi 6 máy bay, trong đó có một chiếc CH-54 chở 41 sĩ quan Ngụy, 1 chuẩn tướng Mỹ và 1 thiếu tướng Ngụy.
Sau này phi công Huỳnh Hữu Nghị - Phi đội trưởng không quân Phi đoàn 213 Quân đội Sài Gòn đã viết trong bài “Những trận đánh không tên trong quân sử”: “Trong vòng tử địa, chúng tôi nghĩ đến vệt khói xanh của SA-7 (Tên lửa A72) nhanh như cắt từ rừng núi âm u phóng lên phi cơ… Chúng tôi bay thấp trên giải mù sương, tránh được tầm ngắm của cao xạ, tuy dễ hứng đạn vũ khí nhẹ nhưng còn hơn bị lãnh hỏa tiễn SA-7”.
157 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc trong chiến dịch Hồ Chí Minh và 9 chiếc rơi ở cửa ngõ Sài Gòn, đó là chiến công của Tiểu đoàn 172 Anh hùng, chỉ trong hơn 3 năm từ khi thành lập. Những trận đánh huyền thoại của những con người huyền thoại - những xạ thủ tên lửa vác vai A72 đã góp phần làm nên chiến thắng, nối non sông về một dải.
HỒNG LINH