15 giờ:55 phút Thứ năm, ngày 2 tháng 11 , 2017

Hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2017):

Bảo đảm dẫn đường cho MiG-21 truy kích địch

Từ năm 1966 đến 1972, máy bay MiG-21 do phi công Việt Nam điều khiển đã bắn hạ 128 máy bay địch các loại. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, Không quân ta đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 của Mỹ. Trong chiến công ấy, có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm dẫn đường.

Bảo đảm dẫn đường cho MiG-21 truy kích địch
Bảo dưỡng khí tài ra đa.
Ảnh tư liệu

Trò chuyện với chúng tôi về những chiến công xuất sắc của Bộ đội Không quân, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên - nguyên Sĩ quan dẫn đường, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, khẳng định: Trong mỗi trận không chiến, công tác bảo đảm dẫn đường giữ vai trò vô cùng quan trọng. Để có được chiến công đó, vấn đề đầu tiên có tính quyết định đó là do chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên diễn giải: Đêm 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh từ Sân bay Anh Sơn (Nghệ An) đã bắn bị thương một chiếc B-52 của địch trên bầu trời khu Bốn. Trận đánh này khẳng định, MiG-21 có thể tiêu diệt được B-52. Hơn 1 năm sau, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, phi công Phạm Tuân và phi công Vũ Xuân Thiều đã xuất sắc lập công, hạ gục thêm 2 chiếc B-52 nữa. Sự xuất hiện của không quân đã làm giãn đội hình, giảm cường độ nhiễu và phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện tốt cho lực lượng phòng không lập công. Sau những trận đầu tiên MiG-21 xuất kích, không quân Mỹ tập trung đánh phá các sân bay lớn. Các máy bay tiêm kích của ta được lệnh chia nhỏ ra và di chuyển đến các sân bay dã chiến, được bố trí ở nhiều nơi, như Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái... Hệ thống dẫn đường cũng được thiết lập rộng khắp, có thể dẫn dắt cho máy bay của ta cất cánh từ các sân bay dã chiến khác nhau. Đây là một yếu tố chiến thuật, đảm bảo cho lực lượng không quân tác chiến vì khi đó, quân đội Mỹ có khả năng phát hiện ra những máy bay của ta khi cất cánh từ các sân bay lớn.

Để đối đầu với B-52, Bộ đội Không quân đã có bước chuẩn bị từ khá sớm. Ngay từ đầu năm 1968, ta đã tổ chức một bộ phận cán bộ tham mưu và phi công vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, lên đỉnh đèo Mụ Giạ, trực tiếp quan sát, tìm hiểu đội hình và quy luật hoạt động của B-52 cả ngày lẫn đêm. Tháng 9-1971, ta lại tiếp tục đưa ra đa dẫn đường vào Ba Đồn (Quảng Bình) và Vĩnh Linh (Quảng Trị), liên tục cho ra đa mở máy tìm bắt mục tiêu. Và sau hội nghị chuyên đề về cách đánh B-52 của Quân chủng, tháng 10-1971, hai sở chỉ huy của Không quân được triển khai. Sở chỉ huy trung tâm được đặt ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mang bí danh B3. Kíp sĩ quan dẫn đường có Lê Thành Chơn, Hoàng Kế Thiện trực ở Đại đội 45. Sở chỉ huy tiền phương mang bí danh B8 đặt tại thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Kíp sĩ quan dẫn đường là Nguyễn Văn Chuyên, Tạ Quốc Hưng, Trần Hồng Hà.

Về công tác chỉ huy, dẫn đường; quá trình chuẩn bị cho cả Chiến dịch nói chung và từng trận đánh của không quân ta nói riêng, đều hết sức gian khổ, công phu và tỉ mỉ, từ việc nghiên cứu đặt sở chỉ huy, theo dõi quy luật hoạt động của địch, chuẩn bị mọi phương án, nghiên cứu cách đánh. Đặc biệt là có sự đóng góp quan trọng của những sĩ quan dẫn đường “gạo cội” có kinh nghiệm dẫn bay, có độ nhạy cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Đó là Lê Thành Chơn, Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng, Hoàng Kế Thiện, Phạm Văn Khả, Hà Đăng Khoa, Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư, Phạm Minh Cậy… Họ đã có mặt ở tất cả các sở chỉ huy, từ vòng trong lẫn vòng ngoài, sát cánh cùng phi công truy kích địch.

Là cán bộ dẫn đường bay kỳ cựu; Đại tá Nguyễn Văn Chuyên tâm sự, trong trận đánh B-52 đêm 27-12, để dẫn dắt cho Phạm Tuân, ta đã sử dụng dẫn đường tại Sở chỉ huy Binh chủng, Sở chỉ huy Mộc Châu, trực ban dẫn đường hiện sóng tại C-22… các vị trí đó đã bổ trợ hiệu quả cho nhau trong quá trình dẫn phi công phát hiện, bám sát, công kích mục tiêu và thoát ly. Với đội hình tiêm kích yểm hộ dày đặc thì vấn đề dẫn dắt để MiG-21 tiếp cận được B-52 cũng rất khó khăn. Trước tiên là phải dẫn máy bay vượt qua đội hình F-4 bảo vệ. Phương pháp dẫn đường mà ta sử dụng là “đi thấp, kéo cao”, giai đoạn đầu thường bay thấp để tránh ra đa của tàu địch thuộc Hạm đội 7 ở ngoài khơi Biển Đông phát hiện, rồi mới cơ động lấy độ cao vượt qua các tốp F-4 bảo vệ, vào tiếp cận B-52. Chiến thuật này vừa đảm bảo yếu tố bí mật vừa phát huy hiệu quả tính năng kỹ chiến thuật của MiG-21 là ưu thế về tốc độ và khả năng cơ động. Khi đã dẫn được MiG-21 tiếp cận tốp B-52, thì việc phát hiện B-52 cũng rất khó khăn vì địch gây nhiễu mạnh trong đội hình và thường công kích trong điều kiện đêm tối. Trực ban dẫn đường các vị trí đã theo dõi chặt chẽ tình hình trên không và mặt đất, tăng cường cảnh giới giúp phi công. Sau khi công kích mục tiêu, việc dẫn cho máy bay ta thoát ly khỏi chiến đấu cũng phải đúng thời cơ, đó là thời điểm ngay sau khi phi công phóng tên lửa.

Và, sau mỗi trận đánh, MiG-21 của ta được các sĩ quan dẫn đường dẫn dắt cơ động tách hẳn ra ngoài khu vực có địch một cách an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để về hạ cánh an toàn.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website