Chiến công thầm lặng của Đội Trinh sát nhiễu
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ rất coi trọng thủ đoạn gây nhiễu ra đa của ta. Đặc biệt, từ năm 1965, khi Bộ đội phòng không Việt Nam được trang bị tên lửa SAM-2, địch càng thực hiện các thủ đoạn gây nhiễu một cách quyết liệt hơn. Với hệ thống gây nhiễu của chúng, tất cả các loại ra đa cảnh giới, cao xạ, tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện máy bay địch. Chúng sử dụng máy gây nhiễu tích cực và máy gây nhiễu tiêu cực lắp trên các chiến đấu cơ chiến thuật, máy bay ném bom để làm giảm đi hiệu suất chiến đấu của Bộ đội tên lửa.
Trước tình hình đó, ngày 10-1-1967, đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng PKKQ đã ký Quyết định số 508 thành lập “Đội Trinh sát nhiễu” trực thuộc Bộ Tham mưu. Đội Trinh sát nhiễu có nhiệm vụ nắm tình hình gây nhiễu của địch, nghiên cứu tìm ra biện pháp chống nhiễu để phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị trong toàn Quân chủng. Quân số của Đội Trinh sát nhiễu gồm 34 cán bộ, trắc thủ, thợ sửa chữa ra đa vừa được điều về từ các đơn vị. Đồng chí Phan Thu được cử làm Đội trưởng, đồng chí Trương Liêu làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Xuân Đại và Đặng Đình Vinh làm Đội phó.
Một số cán bộ chủ chốt nghiên cứu nhiễu đầu tiên
(Tiểu đoàn trưởng Phan Thu ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu
Trang bị ban đầu gồm máy thu sóng mét P-313, P-314, P-325; máy thu sóng dm và cm D1K; máy thu tín hiệu ra đa PC-1, PC-2, PC-3; các máy phân tích phổ của tín hiệu; máy ghi âm để ghi lại tín hiệu thu được và máy quay phim, chụp ảnh.
Tháng 6-1967, khi máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang ở Hà Nội, Đội Trinh sát nhiễu đã bắt đầu mở máy và thu được những tín hiệu nhiễu của địch, đo được các dải tần số nhiễu, đặc biệt là phát hiện được các dải tần số nhiễu rãnh đạn tên lửa phòng không, giúp cho các chuyên gia Liên Xô tìm ra nguyên nhân mà nhiễu của địch đã làm cho tên lửa của ta mất điều khiển, tạo cơ sở cải tiến tên lửa chống nhiễu rãnh đạn có hiệu quả đối với lực lượng PK-KQ.
Trong giai đoạn 1967-1968, để đối phó với đạn tên lửa của ta, máy bay Mỹ sử dụng máy gây nhiễu ALQ-71 mở rộng tần số gây nhiễu sóng 10cm trùm qua rãnh đạn tên lửa, làm cho đạn tên lửa của ta mất điều khiển. Theo tổng kết, tên lửa của ta gặp phải ba trường hợp: Đạn được phóng lên nhưng rơi tại chỗ, đạn không có điều khiển bay vọt lên cao tự nổ hoặc đạn không rời bệ phóng vì không bắt được tín hiệu điều khiển. Thủ đoạn này của đối phương làm Bộ đội Tên lửa giảm đáng kể khả năng chiến đấu. Một yêu cầu được đặt ra, cần phải nghiên cứu tỉ mỉ đặc điểm từng loại nhiễu để đề xuất các phương án cải tiến kỹ thuật. Trước tình hình đó, Đội Trinh sát nhiễu đã khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu phân tích để tìm ra và khắc phục. Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Phan Thu, Đội Trinh sát nhiễu đã tổ chức thành một đoàn công tác cơ động vào phía trong trinh sát tìm hiểu thêm về nhiễu của địch và nhất là nhiễu của B-52 khi chúng đánh phá tuyến Đường 559.
Suốt mùa khô 1968-1969, Đội Trinh sát nhiễu đã ở lại Cà Ròn, trực 24/24. Bằng phương pháp thống kê tỉ mỉ, khoa học, đội nhiễu đã xử lý rất công phu để rút ra những dấu hiệu cho thấy có máy bay B-52 vào đánh và khả năng đánh vào hướng nào. Qua nhiều lần nghiên cứu, Đội đã rút ra được quy luật về thời điểm xuất hiện B-52 sớm từ 12- 15 phút để báo động cho các lực lượng vào nơi ẩn nấp. Sang năm 1970, do yêu cầu nhiệm vụ, Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu được thành lập mang phiên hiệu Tiểu đoàn 8 do đồng chí Phan Thu làm Tiểu đoàn trưởng. Trong đó Đại đội 3 được đặt ở Cà Ròn. Khi Tiểu đoàn tên lửa 84 triển khai đánh địch, bám sát theo dải nhiễu, Đại đội 3 đã chỉ thị, đài điều khiển tên lửa phát sóng và bắt ngay được mục tiêu ở cự ly 23km trên nền nhiễu. Nhưng do máy bay B-52 ném bom xong rồi quay ra nên tín hiệu giảm rất nhanh. Từ bắn đón chúng ta phải sang bắn đuổi, đạn cũng chỉ bay sượt qua B-52 không có điểm nổ. Cuộc chiến đấu tuy không thành công đối với các chiến sĩ tên lửa, nhưng Tiểu đoàn lại vui mừng vì thu được một điều quan trọng: Tên lửa SAM-2 hoàn toàn có khả năng bắt được B-52 ở cự ly nhất định. Phát hiện của các cán bộ trinh sát nhiễu đã góp phần xây dựng chiến thuật, cách đánh B-52. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu nhiễu, các cán bộ trinh sát nhiễu còn phát hiện thêm một điểm yếu của B-52 khi đánh sâu vào trong Hà Nội: B-52 hầu như chỉ dựa vào máy gây nhiễu của chính nó, cho nên không đủ khả năng tự ngụy trang hoàn toàn.
Từ những thông tin quý giá do Đội Trinh sát nhiễu tìm ra, việc cải tiến chống nhiễu rãnh đạn cho đạn SAM-2 là một trong những bước cải tiến quan trọng, giúp “rồng lửa Thăng Long” tiếp tục phát huy hiệu quả, bắn rơi nhiều máy bay địch. Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12- 1972, Mỹ dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Tuy kỹ thuật chiến tranh điện tử của ta có hạn, song bằng sự thông minh sáng tạo, đã hóa giải được mặt mạnh của kỹ thuật nhiễu điện tử của địch bằng chiến thuật kết hợp với kỹ thuật, bố trí đội hình chiến đấu tên lửa đánh bọc lót cho nhau, góp phần quan trọng đánh tan âm mưu của địch.
THANH BÌNH