8 giờ:50 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Thượng tướng Đào Đình Luyện:

Trung đoàn trưởng đầu tiên của Không quân tiêm kích

Thượng tướng Đào Đình Luyện là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, rồi là Tư lệnh Binh chủng Không quân, rồi Tư lệnh Quân chủng Không quân. Trên các cương vị chủ trì của Bộ đội Không quân, ông đã tổ chức mở mặt trận trên không thắng lợi, đồng thời, tên tuổi của ông gắn liền với những bước trưởng thành của lực lượng Không quân.

 Từ chiến thắng trận đầu 3 tháng 4 năm 1965, rồi hàng trăm trận không chiến đánh trả Không quân và Hải quân Mỹ, đến trận ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28 tháng 4 năm 1975, đều có mặt ông trên bàn chỉ huy trận đánh. Có thể gọi ông là “Người tổ chức, kiến tạo” các thắng lợi của Bộ đội Không quân Nhân dânViệt Nam.

Thượng tướng Đào Đình Luyện, tên thật là Đào Mạnh Hùng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1929, tại xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ năm 1945 và bắt đầu chiến đấu ở Hải Dương - Hưng Yên - Hải Phòng trên cương vị Trung đội trưởng của Đại đội chủ lực thuộc Trung đoàn 44, Liên khu 3. Sau đó, đơn vị của ông được Bộ điều lên Chiến khu Việt Bắc trong đội hình của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 để bảo vệ Trung ương. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông cùng đơn vị tham dự hầu hết các chiến dịch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 của ông đã vinh dự được đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Ngày ấy, ông là cán bộ chỉ huy Trung đoàn.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1955, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 312, lúc đó chưa đầy 26 tuổi. Đến tháng 2 năm 1956, ông nhận nhiệm vụ dẫn đầu đoàn học viên đi học lái máy bay tiêm kích đầu tiên tại Trung Quốc.

Ngày 30 tháng 5 năm 1963, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Ngày 6 tháng 8 năm 1964, một ngày sau khi Đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ném bom miền Bắc Việt Nam, ông dẫn đầu Trung đoàn 921 chuyển toàn bộ Trung đoàn về Sân bay Nội Bài. Sau khi hạ cánh, Trung tá Đào Đình Luyện trong bộ đồ bay đã chạy lên Đài chỉ huy, báo cáo đồng chí Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Toàn bộ Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và trở về sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu”.

Ngay sau khi toàn Trung đoàn về bay Nội Bài, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và Ban chỉ huy Trung đoàn đã khẩn trương tổ chức huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt để “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Hai trận đánh thắng liên tiếp trong các ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 đã đi vào lịch sử, mở đầu giai đoạn hào hùng nhất của Bộ đội Không quân.

Trong những năm tháng tham gia chỉ huy Bộ đội Không quân, ông không chỉ tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và tổ chức cho phi công đánh thắng mà còn là người đặt những viên gạch đầu tiên tổ chức hệ thống công tác chỉ huy chiến đấu trên không, một hình thức tổ chức trước đó chưa hề có tiền lệ. Với cương vị Trung đoàn trưởng, ông là người khích lệ các phi công và chủ trì các cuộc “Hội nghị quân sự dân chủ” - một hình thức khuyến khích sáng tạo về cách đánh trong đội ngũ phi công. Ông còn là một trong những người có công lớn mở đầu công tác tổng kết chiến thuật và cách đánh cho Bộ đội Không quân, đối phó với các thủ đoạn luôn biến hóa của Không quân Mỹ. Một biệt tài nữa của ông là việc phát hiện, tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ. Bằng kinh nghiệm công tác, chiến đấu, ông đã rèn luyện, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, nhiều đồng chí được giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội sau này.

Trải qua nhiều cương vị công tác, từ một Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh đến làm Đoàn trưởng lưu học sinh quân sự học lái máy bay ở Trung Quốc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân Tiêm kích đầu tiên của Quân đội ta, đến những năm làm Tư lệnh Quân chủng Không quân, rồi khi là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thượng tướng Đào Đình Luyện luôn thể hiện là một vị tướng khiêm tốn, giản dị. Khi nghỉ công tác ở Bộ Quốc phòng, ông về nhận nhiệm vụ ở Hội Cựu chiến  binh Việt Nam, với cương vị Phó Chủ tịch thường trực.

Các cựu chiến binh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ không quân luôn nhớ về người Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên, người chỉ huy trận đầu đánh thắng, người kiến tạo nên những thành công của Bộ đội Không quân, người “anh cả” của Bộ đội Không quân anh hùng. Đó là Thượng tướng Đào Đình Luyện.

HẢI THIÊN AN

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website