13 giờ:26 phút Thứ hai, ngày 11 tháng 7 , 2022

Cuộc họp lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân

Sau khi hoàn thành “Phương án tháng 9” (cuối tháng 11-1972) đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã triệu tập Hội nghị Quân chính bao gồm các cán bộ quân sự, chính trị cao cấp trong toàn Quân chủng để thảo luận và quán triệt nhiệm vụ. Phòng họp giao ban của Sở Chỉ huy Quân chủng khi ấy được treo hàng loạt các bản đồ tình huống về kế hoạch tác chiến, về bố trí binh lực của ta và địch.

Chưa có Hội nghị quân chính nào của Quân chủng lại có đầy đủ cán bộ chủ chốt của các đơn vị trọng yếu như cuộc họp lần này. Được triệu tập về dự họp ai cũng được quán triệt tầm quan trọng của việc triển khai kế hoạch tác chiến đánh B-52 khi chúng tổ chức tập kích vào Hà Nội.

Sau khi nghe đồng chí Trưởng Phòng Tác chiến của Quân chủng thuyết trình xong; Hội nghị tập trung trao đổi chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Quân chủng phải thực hiện cho được các vấn đề trọng yếu đó là: Thứ nhất, phải bắn rơi tại chỗ B-52; thứ 2, phải tổ chức tốt công tác sơ tán kho tàng vũ khí, đạn dược, khí tài, tổ chức phòng tránh, nghi binh cơ động để vừa đảm bảo tốt nhiệm vụ chiến đấu, vừa giảm đến mức tối thiểu sự thiệt hại về người, vũ khí, khí tài. Thứ 3, phải tổ chức bảo vệ tuyến giao thông vận tải huyết mạch để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cuộc họp lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân
Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 cơ động chiến đấu. Ảnh tư liệu  
     

Đúng lúc các đại biểu tham luận sôi nổi từng nhiệm vụ thì sĩ quan trực ban của Sở Chỉ huy Quân chủng mời Đại tá Lê Văn Tri vào nghe điện của Bộ Tổng Tham mưu. Khi quay trở lại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Tri đã thông báo tóm tắt tin khẩn tình báo do Cục 2 cung cấp và chỉ thị do Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị cho Hội nghị phải tập trung nghiên cứu, bổ sung phương án đánh B-52. Không quân Mỹ ở vị trí tấn công, cho nên địch hoàn toàn nắm thế chủ động về không gian, thời gian, về các phương án kế hoạch tấn công, về lực lượng và hướng tấn công. Còn ta mặc dù ở vị trí phòng thủ nhưng không vì thế mà để rơi vào tình huống bị bất ngờ, bị động mà phải ở thế hoàn toàn chủ động sẵn sàng chờ địch đến mà đánh.

Nếu như trong nghệ thuật tác chiến phòng ngự, việc phán đoán chính xác hướng tấn công chủ yếu của đối phương đã coi như giành thắng lợi được 1/3 trận đánh. Vì vậy, trong Chiến dịch Phòng không của ta, việc phán đoán chính xác hướng tấn công của B-52 vào Hà Nội là hết sức quan trọng. Có như vậy chúng ta mới bài binh bố trận, sử dụng lực lượng, nhất là lực lượng tên lửa một cách hợp lý để tiêu diệt địch đạt hiệu quả cao nhất. Và để thực hiện được điều đó, Hội nghị đã bàn kỹ và dự đoán một cách khoa học hướng tấn công của B-52 vào Hà Nội để từ đó ta bàn về lập thế trận và các phương án chuyển hóa thế trận như thế nào để khi địch thực hiện bất cứ quỷ kế gì thì ta vẫn chủ động có phương án đánh địch. Bên cạnh đó, ta còn chú trọng đến các phương án tổ chức nghi binh đánh lừa địch. Phương án sơ tán phòng tránh để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và vũ khí, khí tài và đạn dược. Theo dõi các động thái của Mỹ  ở Hội nghị Pa-ri và việc điều động dồn dập lực lượng của Lầu Năm Góc; Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu khẳng định: Mỹ sẽ tổ chức trận tập kích chiến lược bằng lực lượng B-52 và chủ yếu vào Hà Nội trong một ngày gần nhất.

Sau khi nghe báo cáo của Quân chủng, Hội nghị hoàn toàn tán thành phương châm chỉ đạo tác chiến của Bộ Tư lệnh Quân chủng và xác định: Lực lượng chủ yếu đánh B-52 là Tên lửa và Không quân (chủ yếu là dùng MiG-21). Lực lượng pháo cao xạ loại 100mm cho tham gia đánh B-52. Các loại pháo cỡ khác làm nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ trận địa tên lửa và đánh máy bay chiến thuật bay đêm tầm thấp. Về cách đánh và bố trí thế trận, các phương án chuyển hóa thế trận sẽ là một trong những nghệ thuật cơ bản của Chiến dịch. Lấy tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng là cách đánh chủ yếu của Chiến dịch. Sư đoàn Phòng không Hà Nội được bố trí theo cách đánh trên nguyên tắc dàn trận hiểm hóc, các trung đoàn và tiểu đoàn phải hỗ trợ được cho nhau. Các tiểu đoàn tên lửa ôm sát các yếu địa. Tuy lực lượng mỏng nhưng vẫn đánh tập trung trên hướng và đường bay chủ yếu của B-52 khi chúng đánh vào Hà Nội. Sư đoàn 361 đã tạo ra “vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội”, thế trận đó cực kỳ lợi hại bởi các tiểu đoàn hỏa lực có thể đánh chính diện, đánh bồi, đánh đuổi theo, đánh tạt sườn, bảo đảm trên 1 đường bay của B-52 có từ 3 đến 6 tiểu đoàn cùng đánh làm cho lực lượng B-52 của địch lao vào đánh Hà Nội trong 12 ngày đêm  như lao vào “Lò bát quái”.

Sau khi giành được chiến thắng trong 12 ngày đêm, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã công nhận phần phán đoán về địch nêu trong “Phương án tháng 9” và Hội nghị quân chính Quân chủng tại Sở chỉ huy (K12) là chính xác gần như 100%. Vấn đề đặt ra với nền khoa học hiện đại của Mỹ, chúng ta không thể lấy kỹ thuật để chọi với kỹ thuật, mà phải kết hợp kỹ thuật với chiến thuật và nghệ thuật nghi binh. Đồng thời phải phát huy lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng nói chung và trang các đơn vị tên lửa, không quân nói riêng trong chiến đấu. Có như vậy ta mới có thể đánh thắng kẻ thù trong cuộc đọ sức quyết liệt.

BÍCH PHƯƠNG (tổng hợp)

Theo “Vòng cung lửa trên bầu trời Hà Nội”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website