8 giờ:9 phút Thứ sáu, ngày 31 tháng 12 , 2021

Kỷ niệm 55 năm sự kiện bắn rơi chiếc máy bay không người lái tầng cao BQM-34A của Mỹ (1966-2021)

Khắc ghi lời dạy của Bác, tích cực học tập, nghiên cứu các thủ đoạn của địch để giành thắng lợi

Đầu năm 1966, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ trên chiến trường miền Nam bị thất bại nặng nề. Sau đợt ngừng ném bom đánh phá miền Bắc để tiến hành ngoại giao lừa bịp không đạt kết quả, đế quốc Mỹ tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, với việc tăng cường sử dụng máy bay U-2, BQM-34A, 147J tiến hành trinh sát miền Bắc, để tập trung máy bay đánh phá các mục tiêu giao thông vận chuyển từ phía Nam Quân khu 4 ra tới khu vực Thanh Hóa.

Khắc ghi lời dạy của Bác, tích cực học tập, nghiên cứu các thủ đoạn của địch để giành thắng lợi
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao BQM-34A
bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 7-2-1966. (Ảnh Tư liệu)

Trước tình hình đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân chủ trương tổ chức các lực lượng tên lửa, pháo phòng không cơ động chiến đấu bảo vệ giao thông vận chuyển, triển khai lực lượng máy bay MiG-21 làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu, bổ sung phương án tác chiến; đề nghị cấp trên phát triển thêm lực lượng để hoàn chỉnh thế trận tác chiến phòng không bảo vệ miền Bắc, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy Phòng Khoa học quân sự chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong phòng tích cực học tập, nghiên cứu, tìm hiểu tính năng kỹ, chiến thuật máy bay địch; tham mưu đề xuất các giải pháp phù hợp về tác chiến để Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng đối phó với các bước leo thang mới của địch. Bộ đội Tên lửa và Bộ đội Không quân triển khai đội hình chiến đấu và liên tục giành thắng lợi. Tiêu biểu là trận đánh ngày 7 tháng 2 năm 1966 của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn Tên lửa 238 tại trận địa Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đơn vị đã bắn rơi tại chỗ chiếc BQM-34A ở Thường Tín - Hà Nội, xác chiếc máy bay này được Phòng Khoa học quân sự Quân chủng mang về trưng bày để nghiên cứu. Ngày 4 tháng 3 năm 1966, phi công Nguyễn Hồng Nhị, Trung đoàn 921 lái máy bay MiG-21 bắn rơi chiếc máy bay không người lái tầng cao BQM-34A ở độ cao 18km bằng tên lửa tầm nhiệt K-13. 

Theo dõi sát sao thành tích chiến đấu của Bộ đội Phòng không - Không quân, chiều ngày 24 tháng 3 năm 1966, Bác Hồ đã đến thăm Quân chủng và xem xác máy bay không người lái của Mỹ bị ta bắn rơi. Cùng đi với Bác có đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Bộ Tư lệnh Quân chủng đón Bác Hồ có đồng chí Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Quân chủng.

Tham quan gian trưng bày chiến tích nghiên cứu, Bác Hồ dành nhiều thời gian xem kỹ những mảnh xác máy bay trinh sát không người lái tầng cao và được đồng chí Trần Hậu Tưởng - Trưởng Phòng Khoa học quân sự giới thiệu tính năng, tác dụng, những điểm mạnh, điểm yếu của chiếc máy bay BQM-34A. Bác Hồ chăm chú lắng nghe những đặc điểm của loại máy bay trinh sát của địch và tỏ ra rất mừng khi được biết chiếc máy bay này bị Bộ đội Tên lửa ta bắn rơi khi nó đang bay ở độ cao 18km. Tiếp đó, đồng chí Trưởng Phòng Khoa học quân sự báo cáo một số loại máy bay như F-105, F-4, RF-101 và một số loại bom đạn của giặc Mỹ. Bác rất vui khi được biết Bộ đội Phòng không - Không quân đã tập trung hỏa lực đánh địch mãnh liệt để tiêu diệt các loại máy bay mang bom bi mẹ hoặc buộc chúng phải ném bom chệch ra ngoài mục tiêu. Nghe xong, Bác Hồ khen: “Chú giới thiệu rất dễ hiểu, hiểu địch như thế là tốt. Cần cố gắng nghiên cứu để thường xuyên nắm chắc địch hơn nữa và nhất là phải giới thiệu cho chiến sĩ và đồng bào ta biết để đánh địch và phòng tránh tốt hơn”.

Quá trình tham quan tìm hiểu, Bác dừng lại xem phần đầu của xác chiếc máy bay trinh sát không người lái tầng cao BQM-34A. Đồng chí Phùng Thế Tài báo cáo với Bác: “Thưa Bác, đây là cái chóp trên đầu chiếc máy bay trinh sát không người lái tầm cao của Mỹ. Nó không bằng kim loại mà được cấu tạo bởi vật liệu tổng hợp, có thể chống được cháy, mảnh đạn nhỏ cũng không thể xuyên thủng…”. Bác Hồ gật đầu hài lòng, rồi Bác kiểm tra dấu tích do mảnh đạn tên lửa bắn trúng.

Đồng chí Đặng Tính báo cáo với Bác Hồ tình hình Mỹ đang tập trung máy bay đánh phá tuyến giao thông của ta, từ phía nam Quân khu 4 đến Thanh Hoá. Khả năng chúng còn mở rộng đánh phá miền Bắc, có thể sẽ đánh thẳng cả vào Hà Nội, Hải Phòng. Quân chủng được lệnh chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, đã có phương án tác chiến các khu vực, đồng thời tăng cường lực lượng tên lửa, pháo phòng không cơ động vào địa bàn Quân khu 4. Tên lửa của ta đã vào đến Nghệ An, liên tiếp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó đã bắn rơi thêm nhiều máy bay trinh sát không người lái tầng cao từ 16 đến 18km.

Bác Hồ chăm chú lắng nghe, trầm ngâm suy nghĩ. Bác nói: “Mỹ đã đưa máy bay B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Tên lửa của ta có thể bắn tới máy bay B-52, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Ngay từ bây giờ, các chú phải chuẩn bị đối phó vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc..”. Phải chăng Bác đã thấy triệu chứng Mỹ sắp đưa máy bay B-52 ra ném bom miền Bắc, Bác đã đến kiểm tra và giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân.

Cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng vô cùng xúc động trước chuyến thăm và lời căn dặn của Bác; luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, nêu cao trách nhiệm chính trị, đoàn kết nhất trí cao, không ngừng học tập, rèn luyện, không quản ngại hy sinh gian khổ và nâng cao trình độ về mọi mặt, bám sát thực tiễn chiến đấu, tích cực nghiên cứu các thủ đoạn hoạt động máy bay của địch, tìm cách đánh cho các loại pháo, cao xạ, tên lửa và máy bay; xây dựng phương án tác chiến, cách đánh B-52 cho từng loại vũ khí, khí tài của các đơn vị, các binh chủng, sư đoàn phòng không, không quân và cả Quân chủng. Và sau nhiều nỗ lực, cố gắng, thậm chí cả những mất mát, hy sinh, bộ đội Phòng không - Không quân đã đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, tạo ra bước ngoặt căn bản, tiền đề cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam giành thắng lợi “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thượng tá ĐỖ VĂN THUẤN

Trợ lý Phòng khoa học quân sự, Quân chủng PK-KQ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website