10 giờ:11 phút Thứ ba, ngày 27 tháng 10 , 2020

Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Sư đoàn Không quân 372 (30-10-1975/30-10-2020)

Phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Những năm qua, Sư đoàn 372 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của sư đoàn; Phóng viên Báo PK-KQ có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Hồng Sơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372, về truyền thống và công tác huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị của đơn vị. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Biên đội Su-27 của Trung đoàn 925, Sư đoàn 372 cất cánh thực hiện nhiệm vụ.

Phóng viên (PV): Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Sư đoàn, xin đồng chí Sư đoàn trưởng cho biết về quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của đơn vị?

Đại tá VŨ HỒNG SƠN: Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 30-10-1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 157 QĐ/QP thành lập Sư đoàn Không quân 372, trực thuộc Quân chủng PK-KQ, đóng quân tại Sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày thành lập, đầu năm 1976, chấp hành mệnh lệnh của trên, Sư đoàn đã tổ chức lực lượng và hiệp đồng chiến đấu với các quân khu, tổ chức truy quét tàn quân ngụy và bọn Phun-rô tại địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Bước sang năm 1977, 1978, tình hình Biên giới Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp, Sư đoàn đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, cất cánh hàng nghìn lần chuyến, chi viện hỏa lực kịp thời cho bộ đội các quân khu, quân đoàn chiến đấu đạt hiệu suất cao. Thắng lợi của Sư đoàn trong các chiến dịch trên Mặt trận Tây Nam đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ đội Không quân, Sư đoàn 372 đã tham gia chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, tiến hành cùng một lúc nhiều loại hình chiến dịch, vừa trinh sát, vừa tiến công tiêu diệt mục tiêu, chi viện hỏa lực cho bộ binh, vừa vận chuyển, tiếp tế, đổ bộ đường không, cấp cứu, tải thương... Tháng 7-1979, Sư đoàn được lệnh chuyển vị trí đóng quân ra Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Đến năm 1987, Sư đoàn chuyển vị trí đóng quân vào Sân bay Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ vùng trời, biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Sư đoàn 372 đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ngày 20-12-1979, Sư đoàn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

PV: Được biết, nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ vùng trời, huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Sư đoàn hiện nay. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã tập trung thực hiện các nội dung, biện pháp gì?

Đại tá VŨ HỒNG SƠN: Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn xác định tập trung làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng tác chiến của Bộ đội PK-KQ; tạo niềm tin cho bộ đội về đường lối quân sự, khả năng của vũ khí trang bị và cách đánh của ta. Đề cao tinh thần cảnh giác, SSCĐ, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác huấn luyện, bảo đảm ATB. Quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, phương châm huấn luyện; lấy huấn luyện bay làm trung tâm, huấn luyện cán bộ là then chốt, huấn luyện các thành phần, chỉ huy bay là quan trọng; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với tình huống, phương án, đối tượng tác chiến và chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của đơn vị. Tập trung vào củng cố, nâng cao trình độ, kỹ thuật lái, dẫn đường và ứng dụng chiến đấu, nhất là với đội ngũ phi công trẻ. Thường xuyên huấn luyện cơ động, tham gia diễn tập, bay đêm, bay biển... Huấn luyện đi đôi với xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật. Thường xuyên làm tốt công tác bảo đảm các mặt kỹ thuật, hậu cần, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

PV: Trong công tác huấn luyện, Sư đoàn xác định đâu là điểm đột phá chính thưa đồng chí?

Đại tá VŨ HỒNG SƠN: Sư đoàn tập trung đột phá vào công tác tổ chức thực hành bay, thống nhất quy trình tổ chức huấn luyện bay. Chú trọng vào công tác chuẩn bị bay, bảo đảm đúng, đủ về nội dung và thời gian quy định; luyện tập kỹ năng xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra trên không, nhất là những tình huống phức tạp. Qua đó nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, bản lĩnh, kỹ năng thực hành bay cho đội ngũ phi công, tổ bay. Chính vì vậy, những năm qua, công tác huấn luyện của Sư đoàn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. 5 năm qua Sư đoàn đã đào tạo, phê chuẩn đưa vào làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu cho 18 phi công, làm giáo viên bay cho 13 phi công và chỉ huy bay cho 24 phi công. 10 năm qua, Sư đoàn không để xảy ra tai nạn bay, luôn bảo đảm lực lượng kế cận và khả năng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên giao.

PV: Để công tác huấn luyện chiến đấu sát với tình huống tác chiến xảy ra, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng vấn đề gì?

Đại tá VŨ HỒNG SƠN: Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm, có mũi nhọn, ưu tiên công tác huấn luyện, đào tạo phi công vào làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu, đào tạo giáo viên và chỉ huy bay để có thể thực hiện nhiệm vụ SSCĐ trong mọi điều kiện thời tiết, ban ngày, ban đêm. Tập trung nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn tiến công của địch, tính năng các loại vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao; từ đó, xây dựng phương án chiến đấu, tình huống luyện tập, tổ chức huấn luyện và diễn tập theo phương án, xử trí linh hoạt các tình huống khi có chiến tranh xảy ra.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HỮU LỆ (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website