21 giờ:47 phút Chủ nhật, ngày 19 tháng 6 , 2016

Quân nhân ăn, mặc, trò chuyện nơi công cộng: Như thế nào cho đúng?

Ở quán cà phê, nhà hàng ăn uống, góc trà đá, trên xe khách… là nơi người ta có thể vô tư trò chuyện, ăn uống, tâm tình về tình yêu, cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn số ít cán bộ, chiến sĩ ta mặc quân phục ngồi nhậu nhẹt, trà đá rất phản cảm, thậm chí mang cả những chuyện của cơ quan, đơn vị mình để nói với nhau ở nơi này. Hậu quả sẽ khó lường khi những hình ảnh ăn uống, câu chuyện về thay đổi cán bộ, mua sắm vũ khí mới, huấn luyện SSCĐ, diễn tập… bị lộ, lọt ra ngoài, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động thu thập thông tin phục vụ cho ý đồ đen tối của mình.

 Khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, vào ngày nghỉ, ngày lễ, được sự cho phép của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ ta được phép ra ngoài doanh trại hoặc về với gia đình, người thân. Ra ngoài đơn vị, hòa vào nhịp sống xã hội, tới những nơi như quán cà phê, trà đá, quán nhậu với bạn bè… là chuyện bình thường, dễ hiểu, không cấm. Tuy nhiên, vì vô tình, mất cảnh giác, đôi khi cán bộ, chiến sĩ ta mang mặc quân phục tới quán nhậu, quán trà đá, cà phê... là đã vi phạm Quy định đã được nêu rõ tại Điều 48, trong Điều lệnh quản lý bộ đội. Điều đáng lo hơn ấy là những câu chuyện về thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị mình lại được cán bộ, chiến sĩ mang ra “đàm đạo” là vi phạm những Quy định về phòng gian, giữ bí mật. Nhưng nguy hại nhất, vì giản đơn hoặc vô tình không biết bên cạnh có những “kẻ săn tin” để phục vụ cho mục đích chính trị đen tối thì quả thực rất nguy hiểm.
Câu chuyện thứ nhất. Ấy là gần đây, trên chuyến xe ca về quê thăm gia đình, tôi đã gặp phải hình ảnh không đẹp chút nào của hai sĩ quan trẻ. Chẳng là do xe không có điều hòa, lại giữa những ngày hè nên ai cũng rất nóng. Ngồi trước tôi là hai sĩ quan trẻ, mang quân phục lục quân. Qua câu chuyện của họ, tôi biết họ là những sĩ quan mới ra trường, được điều động nhận nhiệm vụ mới ở đơn vị K.
 
Như thế nào cho đúng?

Nét đẹp tình quân dân. (Ảnh: HẢI AN)

Có lẽ vì nóng quá nên khi xe đi được một đoạn thì hai sĩ quan trẻ cởi phăng chiếc áo quân phục ra, chỉ còn nguyên áo lót. Rồi đến quán nước nghỉ giữa chặng, đôi bạn trẻ này vẫn mặc nguyên áo cộc, khoác áo quân phục trên vai xuống quán, vô tư ngồi uống nước, ăn ngô luộc, trò chuyện rôm rả. Nhiều người cảm thấy bình thường, nhưng cũng không ít người lắc đầu. Là một sĩ quan “đi trước”, tôi có lại nhắc khéo thì hai sĩ quan trẻ nhìn tôi vẻ lạ lùng. Họ cho rằng “tại trời” nóng quá chứ họ đâu có muốn thế. Tuy nhiên, họ chưa biết, chính từ sự vô tình ấy, họ đã vi  phạm Điều 48, trong Điều lệnh quản lý bộ đội. Với  sự “vô tình” vi phạm này, họ có thể bị xử phạt từ khiển trách đến giữ tại trại trong ngày nghỉ hoặc cảnh cáo tại khoản 1, Điều 26, trong quy định xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự trong Quyết định 04/QĐHN-BQP của Bộ Quốc phòng.

Câu chuyện thứ hai, có lẽ là phổ biến hơn tôi được nghe trong những lần đi công tác.

Một lần, đến cổng đơn vị S, tôi rẽ vào quán nước và tạp hóa mua chiếc bút. Bỗng nghe có tiếng nói oang oang của một người đàn ông trung niên mặc quần áo cộc bên bàn nước qua điện thoại với ai đó. Đại loại người đàn ông thông báo với người bên kia đầu dây rằng, tuần tới không thể về được vì đơn vị phải cơ động đi bắn đạn thật ở X. Khi tôi hỏi chị chủ quán thì được biết, đó là những cán bộ thuộc đơn vị S ra quán uống nước sau khi thể thao xong. Khi tôi vờ ngờ nghệch hỏi thêm rằng, thế các anh ấy bắn ở đâu, bắn bằng gì, đi có đông không, có được đến xem không…? Chị chủ quán trả lời vanh vách. Tôi đùa vui rằng, sướng nhất chị, cái gì cũng biết. Chị cười và bảo rằng. Ai đến đơn vị S, ai đi khỏi đơn vị chị đều biết nữa là… chuyện bắn lớn như thế.

Câu chuyện thứ hai là một trong rất nhiều câu chuyện tôi được nghe. Cũng từ những câu chuyện đại loại như vậy, tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ rằng, nếu chị bán nước kia là kẻ xấu, hay kẻ xấu lợi dụng cô bán hàng nước kia để khai thác thông tin thì hậu quả sẽ như thế nào? Và vô tình, quân nhân kia đã vi phạm Điều 81; 82 (Mục 7) về phòng gian giữ bí mật trong Điều lệnh quản lý bộ đội mà không biết. Với vi phạm này, tại khoản 1 và mục c khoản 2 Điều 14 trong Quyết định số 04/QĐHN-BQP của Bộ Quốc phòng thì quân nhân có thể bị xử phạt từ cảnh cáo đến phạt giam kỷ luật, giáng chức, cách chức. Đặc biệt, nếu những thông tin bị lộ, lọt ra ngoài gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ của đơn vị thì quân nhân sẽ bị xử phạt từ giáng cấp bậc quân hàm đến tước quân hàm sĩ quan, tước danh hiệu quân nhân theo quy định tại mục c khoản 2 Điều 14 Quyết định số 04/QĐHN-BQP của Bộ Quốc phòng.

Trước tình hình các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách để chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, kể cả quân sự, hơn lúc nào hết, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ, chỉ một thoáng vô tình, vô hình chung chúng ta trở thành “kẻ tiếp tay” cho những đối tượng xấu và hậu quả sẽ khôn lường.

Chấp hành quy định của Quân đội về lễ tiết tác phong quân nhân để làm sáng đẹp hơn hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và tăng cường phòng gian giữ bí mật rất cần sự tự giác của mỗi quân nhân. Tuy vậy, vai trò của cấp ủy, người chỉ huy ở cơ sở là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh hàng ngày theo chế độ quy định thì việc tăng cường giáo dục thường xuyên để mọi cán bộ, chiến sĩ nâng cao cảnh giác, tự giác hơn nữa trong chấp hành các quy định là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website