16 giờ:28 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Cán bộ Đoàn với phong trào thanh niên:

Bài cuối: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cán bộ Đoàn

Những bài trước, chúng tôi đã đề cập đến một số mô hình, kinh nghiệm, cũng như tâm tư, trăn trở của cán bộ Đoàn trong việc xây dựng phong trào thanh niên. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vài cách làm của một số cơ quan, đơn vị trong việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn.

Bài 1: Cán bộ Đoàn phải biết thiết kế, tổ chức hoạt động
Bài 2: Phát huy năng khiếu văn nghệ
Bài 3: Xây dựng phong trào thể dục, thể thao


Theo số liệu thống kê của Ban Thanh niên Quân chủng, hiện nay toàn Quân chủng Phòng không-Không quân có hơn 3.000 cán bộ Đoàn. Ngoài các cán bộ Đoàn là trợ lý thanh niên sư đoàn, các đồng chí phó chủ nhiệm chính trị trung, lữ đoàn và tương đương giữ chức bí thư đoàn cơ sở; chính trị viên phó tiểu đoàn và tương đương là bí thư liên chi đoàn; chính trị viên phó đại đội và tương đương là bí thư chi đoàn thì số cán bộ đoàn còn lại là các sĩ quan trẻ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan-binh si và công nhân viên quốc phòng. Về cơ bản, đội ngũ này đã và đang đóng góp tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) gắn với các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý điều hành bay, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, xây dựng cảnh quan môi trường; giáo dục về truyền thống của đất nước, của Đảng, Quân đội, Quân chủng...
Bài cuối: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cán bộ Đoàn

Các trò chơi vui nhộn tăng sự hấp dẫn của các hoạt động Đoàn.  (Ảnh: CÔNG GIANG)

Bên cạnh các ưu điểm về lòng nhiệt tình, trách nhiệm trong tổ chức giáo dục và rèn luyện ĐVTN, thì vẫn còn đó những điểm yếu mà cán bộ Đoàn thường gặp phải trong việc tổ chức các hoạt động, đó là một số cán bộ Đoàn trẻ tuổi, cán bộ Đoàn ở đơn vị vùng sâu, vùng xa ít được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn; khả năng thiết kế, tổ chức các hoạt động còn hạn chế; nghệ thuật giao tiếp, ứng xử, công tác thuyết phục, vận động thanh niên còn yếu. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Đoàn thường biến động khá nhanh, tính kế thừa và tích lũy kinh nghiệm còn nhiều hạn chế… 

Do đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở, ngoài việc làm tốt công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, các cấp còn phải tích cực tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Đoàn cho họ. Trung tá Nguyễn Đương Vịnh - Trưởng Ban Thanh niên Quân chủng cho biết: Cứ hai năm một lần Ban Thanh niên Quân chủng  tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn cho các đồng chí trợ lý phụ trách công tác thanh niên sư đoàn, trung đoàn và tương đương, Bí thư Đoàn cơ sở 2 cấp, 3 cấp… Còn ở cấp cơ sở, bên cạnh các lớp tập huấn tập trung, dài ngày, thì ở một số nơi còn tổ chức bồi dưỡng những nội dung cấp thiết trong từng nội dung, từng giai đoạn.

Qua tìm hiểu tại Đoàn cơ sở Trung đoàn 284 (Sư đoàn 365), chúng tôi thấy việc cơ cấu cán bộ Đoàn và công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn cho “thủ lĩnh thanh niên” khá hiệu quả. Ngoài những đồng chí trung đội trưởng, chính trị viên đại đội, chính trị viên phó tiểu đoàn được chỉ định vào các chức danh bí thư chi đoàn, liên chi đoàn, thì căn cứ vào điều kiện cụ thể và đặc thù của từng đầu mối mà lựa chọn cơ cấu cán bộ Đoàn khác nhau. Đơn vị không bố trí những đồng chí thường xuyên phải đi công tác hay làm công tác nghiên cứu làm công tác Đoàn... bởi như vậy họ sẽ không có điều kiện sâu sát và bám nắm ĐVTN. Do điều kiện là Trung đoàn có 100% phân đội trực ban chiến đấu, cho nên thay vì tổ chức các đợt tập huấn dài ngày, Trung đoàn chọn hình thức bồi dưỡng ngắn. Thời gian bồi dưỡng có thể là 1 ngày hoặc 1 buổi và nội dung cũng chỉ tập trung vào những chuyên đề cụ thể. Chẳng hạn, vào các dịp chuẩn bị Đại hội Đoàn các cấp, qua kiểm tra, nắm bắt tình hình thấy việc điều hành đại hội của cán bộ Đoàn có nội dung còn lúng túng, trong thời gian 1 ngày, Ban Chính trị Trung đoàn đã tổ chức tập huấn lý thuyết và thực hành các nội dung đại hội. Kết quả là đại hội Đoàn các cấp của Trung đoàn đã được tiến hành nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục. Ngoài ra, Ban Chính trị còn cắt cử cán bộ đi dự các buổi sinh hoạt chi đoàn ở các đơn vị, qua đó phát hiện và uốn nắn cách điều hành, duy trì sinh hoạt của cán bộ Đoàn. Cách làm này tuy có tốn công sức và thời gian, song đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thiết nghĩ, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn ở cơ sở cần được tiến hành thường xuyên thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng hàng năm. Đối với các cán bộ Đoàn ở cơ sở, các nội dung tập huấn, bồi dưỡng cần phải tập trung, chuyên sâu vào kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước công chúng, kỹ năng soạn thảo một số văn bản thông dụng, kỹ năng tổ chức các hoạt động tổng hợp, hội thi, hội thao, hội diễn, kỹ năng công tác xã hội, tư vấn, tham mưu...

Nói chung, làm “thủ lĩnh thanh niên” bên cạnh trình độ kiến thức rất cần lòng nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào tuổi trẻ. Khi có các yếu tố đó hẳn cán bộ Đoàn sẽ biết làm gì để cho hoạt động phong trào ở cơ quan, đơn vị mình sôi nổi.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website