Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng và lời tri ân của cựu phi công
Tôi gặp Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng khi ông cùng với các đồng đội vừa tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965-1973) - Phía sau những trận không chiến” mà ông viết cùng Trung tướng AHLLVT Nguyễn Đức Soát. Đây là cuốn sách thứ 2 về đề tài không chiến của ông. Trước đó, vào năm 2013 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Quân chủng PK-KQ, cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) - Nhìn từ hai phía” của ông ra đời và được một số của phi công, nhà nghiên cứu đánh giá là “Cuốn tiểu bách khoa” về những trận không chiến ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hưng.Những cuốn sách mang tính khảo cứu về không chiến Việt Nam và Mỹ - một đề tài tương đối khó, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng khẳng định, đó là cách để ông tri ân với Quân chủng, với đồng đội, những người đã đồng hành với ông suốt những tháng năm tuổi trẻ của cuộc đời.
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp lớp 10, Nguyễn Sỹ Hưng nhập ngũ và học bay tại Đông Bắc (Trung Quốc) Sau đó là Trường KQ 910. Tốt nghiệp về nước, ông được biên chế về Phi đội 1 Trung đoàn 921. Với niềm đam mê nghiên cứu lý luận chính trị, ông được học chuyển ngành và trở thành giảng viên của Học viện PK-KQ. Năm 1991, ông chuyển về công tác tại Cục Hàng không dân dụng. Ông luôn tâm niệm, Quân chủng là nơi đã đào tạo, rèn luyện, xây đắp cho ông nền tảng vững chắc để phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp và cuộc sống. Ông tâm sự, ông thích sách, đặc biệt là sách viết về không chiến. Thời kỳ công tác tại Cục Hàng không, mỗi lần công du nước ngoài, ông thường đến các hiệu sách - nơi có rất nhiều cuốn sách quý về lĩnh vực hàng không và không chiến. Vậy là, lần nào công tác về, va li của ông đều nặng sách về lĩnh vực này bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga. Ban đầu cũng chỉ là say mê đọc để thỏa mãn sở thích. Nhưng, ý tưởng viết sách về những trận không chiến của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ càng thôi thúc ông sau cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các cựu phi công chiến đấu với thế hệ trẻ của Công ty Hàng không Việt Nam.
Năm 2011, nghỉ hưu, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng bắt tay vào việc viết sách về những trận không chiến của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Để thực hiện, ông đã xin vào tiếp cận kho lưu trữ tài liệu mật từ thời chiến tranh của Quân chủng PK-KQ. Ngoài ra, ông còn tìm mua các cuốn sách về không chiến bằng 3 thứ tiếng Anh, Nga, Trung Quốc. Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy tại Mỹ, đề tài về cuộc chiến trên không ở Việt Nam đã được viết thành hàng trăm cuốn sách. Trong đó, vì rất nhiều lý do khác nhau, các tài liệu và lưu trữ tổng kết của Không quân nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hào hùng này vẫn chỉ lưu hành nội bộ, chưa có điều kiện công bố rộng tới độc giả. Trong khi các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam từ 1965 đến 1975 là một giai đoạn đặc biệt với những bài học thực tiễn vô cùng hữu ích và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng và các cộng sự ra đời bằng phương pháp kết hợp theo hình thức thông tin đa chiều. Các số liệu nhận định và phân tích về các trận không chiến ở Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước được trình bày trong cuốn sách là kết quả nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp từ nhiều chiến dịch hoặc cùng một trận đánh có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, đưa ra những nhận định khác nhau. Tuy có những cách tiếp cận khác nhau và các con số khác nhau về kết quả của từng trận đánh, nhưng chiến thắng to lớn của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là không thể phủ nhận.
Nếu như cuốn sách đầu tiên là các trận đánh cụ thể, các số liệu và con người cụ thể, thì đến cuốn thứ 2, cuốn “Chiến tranh trên không ở Việt Nam phía sau những trận không chiến” được ông và các cộng sự phát triển theo chiều sâu nghiên cứu.
Thông qua các trận đánh cụ thể khái quát quá trình hình thành hệ lý luận về chiến thuật của KQND Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ - Cơ sở khoa học của chiến thắng. Vai trò của Đại tá Trần Mạnh - vị Trung đoàn trưởng thứ 2 của Trung đoàn Không quân 921, trong việc xây dựng cách đánh mới - sáng tạo cho MiG-21, kiến trúc sư của chiến thuật không quân trên máy bay MiG-21, đã được tác giả trình bầy rất trang trọng.
Sau khi thực hiện 2 cuốn sách chứa đựng nhiều công sức, tâm huyết, ông lại đặt ra cho mình nhiệm vụ mới: Tổ chức một nhóm cựu phi công và các chuyên gia ngôn ngữ dịch những cuốn sách này ra tiếng Anh, phát hành rộng rãi ra quốc tế, giúp độc giả và các nhà nghiên cứu thế giới có thể hiểu rõ hơn về những chiến thắng của KQND Việt Nam.
BÍCH PHƯỢNG