7 giờ:24 phút Thứ năm, ngày 16 tháng 2 , 2017

Tăng nguồn tin chính thống để phòng, chống thông tin sai lệch

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều đó không những được hiến định tại Hiến pháp năm 2013, mà còn được Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”.

Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Điều 38, Luật Báo chí năm 2016 đã ghi rõ: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí”. Như vậy, theo Hiến pháp và luật pháp quy định, cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm. Điều này cũng được nhấn mạnh tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

 

Tăng nguồn tin chính thống để phòng, chống thông tin sai lệch
 Ảnh minh họa/nguồn internet.
“Nghĩa vụ” thường được hiểu là việc mà luật pháp hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Do đó, “nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí” là trách nhiệm phải làm đối với các cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm. Thực tế những năm qua cho thấy, trong khi khá nhiều bộ, ngành, nhất là Văn phòng Chính phủ thường xuyên duy trì đều đặn việc cung cấp thông tin cho báo chí, thì vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, địa phương có thái độ né tránh, thậm chí có biểu hiện “gây khó” báo chí, thiếu hợp tác, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên được tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, sau khi có "sự cố" xảy ra, việc cung cấp thông tin chậm, nội dung thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin chính đáng của dư luận cũng là “điểm trừ” của một số cơ quan, tổ chức liên quan.

 

Không ngẫu nhiên mà trong 10 năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ba lần ban hành nghị định và quyết định về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Điều đó cho thấy tính cấp thiết của việc cung cấp nguồn tin chính thống cho các cơ quan báo chí. Một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của báo chí là “diễn đàn của nhân dân”, do đó việc các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí thực chất là góp phần bảo đảm nhu cầu thông tin chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Lần này, việc Chính phủ nâng tầm văn bản hành chính từ quyết định lên nghị định yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng không ngoài mục đích nhằm công khai, minh bạch hóa thông tin hơn nữa của các tổ chức, cơ quan, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt vì nhân dân, vì đất nước như người đứng đầu Chính phủ đã cam kết.

Những yêu cầu về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vấn đề cần coi trọng hiện nay là người phát ngôn, cơ quan phát ngôn phải đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ phát ngôn, thực sự coi báo chí vừa là người bạn đồng hành, vừa là người tạo ra kênh thông tin hữu ích để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức phải bố trí người phát ngôn am hiểu đời sống báo chí, nhạy bén với các thông tin xã hội, có phong cách hoạt động chuyên nghiệp, thân thiện với giới báo chí. Việc chủ động hợp tác, lắng nghe, chọn lọc tiếp nhận thông tin, phản hồi, trả lời báo chí một cách kịp thời, chính xác của người phát ngôn, cơ quan phát ngôn-đó không chỉ là nhịp cầu nối liền giữa cơ quan hành chính các cấp với báo chí, mà còn góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, hạn chế, đẩy lùi những thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng xã hội.

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website