8 giờ:35 phút Thứ hai, ngày 8 tháng 4 , 2019

Với những “phó nháy” không chuyên

Đội ngũ những người cầm máy ảnh ở các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng hiện nay phần lớn là cán bộ chính trị, hoặc các đồng chí QNCN, CNVQP thuộc biên chế câu lạc bộ, nhà văn hóa. Số ít trong đó được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng chụp ảnh, số còn lại là “tay ngang”, chủ yếu là kiêm nhiệm. Do vậy, chất lượng hình ảnh của các tay máy không chuyên này thường không ổn định. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ máy ảnh đã có sự hỗ trợ tối đa cho người chụp ảnh. Là một người cầm máy nhiều năm, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm mà bất cứ ai cũng có thể làm được để có được những tấm hình đạt được mục đích, yêu cầu.

Với những “phó nháy” không chuyên
Học viên Lớp tập huấn cộng tác viên Báo PK-KQ thực hành tác nghiệp tại Trung đoàn 274, Sư đoàn 377.

 Trước hết, về kỹ thuật hiệu chỉnh máy ảnh. Cũng phải nói rằng, mặc dù đã cầm máy nhiều năm, nhưng về kỹ thuật máy ảnh tôi không rành, chủ yếu là chụp theo kinh nghiệm. Chẳng hạn, khi chụp trong nhà, trong điều kiện ánh sáng yếu, tôi thường đặt ở chế độ P (chụp theo chương trình), rồi tăng ISO (độ nhạy sáng) khi thiếu sáng, hoặc dùng đèn flat bổ trợ, hoặc cố gắng đứng gần đối tượng chụp để có được những bức hình sáng rõ. Còn khi ở ngoài trời, ở những điều kiện ánh sáng mạnh, tôi giảm ISO xuống. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không phải khi nào chúng ta cũng có thời gian để hiệu chỉnh máy do đối tượng chụp di chuyển liên tục.

Việc thay đổi liên tục về không gian, ánh sáng như vậy khiến cho người chụp ảnh phải hết sức chú ý đến việc hiệu chỉnh máy liên tục, tránh trường hợp ảnh bị thiếu sáng hoặc bị thừa sáng. Trong trường hợp đó, tôi lại chọn cánh chụp ở chế độ A (chế độ tự động). Vẫn biết rằng chụp tự động thì chất lượng ảnh không cao, nhưng ít ra máy ảnh đã tự động giúp tôi điều chỉnh chế độ trong khi tôi bị cuốn theo sự kiện mà quên điều chỉnh. Điều cần thiết đối với việc chụp chế độ này là lựa chọn những góc máy phù hợp để tránh sự ảnh hưởng, chi phối của các yếu tố ngược sáng. Khi thuần thục các kỹ năng này người chụp sẽ có được các bức ảnh rõ nét, đầy đủ nội dung, bởi các sự kiện này thường diễn ra rất nhanh, nếu chụp hỏng thì chúng ta không có điều kiện để làm lại.

Thứ hai, về khoảnh khắc bấm máy. Một bức ảnh tốt phải bảo đảm sắc nét, bố cục hài hòa và căn bản là phải chuyển tải được nội dung của vấn đề, sự kiện. Muốn vậy, người chụp phải tư duy nội dung hình ảnh trước khi chụp. Đối với tôi, khi mới về tòa soạn, trước khi đi chụp ảnh hội nghị, các thế hệ đàn anh đi trước thường bảo chúng tôi nghiên cứu trước chương trình hội nghị, tư duy xem nên bấm máy vào những thời điểm nào. Về cơ bản hình ảnh hội nghị cần phải có một bức ảnh toàn cảnh từ dưới lên, chân dung người phát biểu trên bục, hình ảnh các đại biểu tham dự hội nghị, hình ảnh hoạt động trao thưởng v.v.. Khi biết được trình tự nội dung hội nghị, người chụp sẽ biết lựa chọn thời cơ bấm máy. Chẳng hạn, khi chụp ảnh thủ trưởng phát biểu trên bục, khoảnh khắc được lựa chọn bấm máy thường là lúc thủ trưởng mới lên bục, vừa chỉnh trang quân phục, vừa nhìn xuống hội trường để giao lưu với đại biểu, lúc này là thời cơ bấm máy của người chụp ảnh, bởi vì sau đó thủ trưởng sẽ tập trung vào văn bản, ít khi nhìn xuống các đại biểu. Đối với các hoạt động bắt tay, trao thưởng, người chụp phải chờ cho tay thủ trưởng và tay người đáp lễ nắm vào nhau hoặc thủ trưởng trao phần thưởng đến tay người nhận thì mới bấm máy. Trong trường hợp này, người chụp có thể để chế độ liên thanh (chụp liên tục). Chế độ liên thanh cũng được áp dụng trong trường hợp chụp ảnh diễu duyệt đội ngũ, hoạt động thể thao...

Thứ ba về bố cục hình ảnh. Đối với các sự kiện mang tính thời sự, để có bố cục tốt bắt buộc người chụp phải chủ động tư duy để lựa chọn góc độ, thời cơ bấm máy. Còn đối với các hoạt động huấn luyện, SSCĐ, sinh hoạt, học tập, lao động… nếu có điều kiện thì người chụp nên chủ động bố trí, sắp xếp nhân vật và bối cảnh để có những bức ảnh tốt. Đây không phải là chúng ta hư cấu về nội dung mà là sự sắp xếp bối cảnh đúng với cảnh làm việc thực tế hằng ngày cho đẹp. Điều lưu ý là, trước khi bấm máy người chụp phải quan sát xem nhân vật đã đúng tác phong hay chưa, việc xếp đặt nội vụ, vệ sinh, trang bị, máy móc, khí tài đã đúng quy định chưa. Những chi tiết nhỏ như cúc áo chưa được đóng hết, quân nhân nữ quên búi tóc, việc mang mặc quân phục không thống nhất, vị trí đứng của các thành viên kíp chiến đấu không đúng, quân nhân chống tay vào hông, xỏ tay vào túi quần… đều có thể làm hỏng bức ảnh. Một nội dung nữa rất cần đến bàn tay dàn dựng của người chụp, nhưng không phải ai cũng bạo dạn đề nghị thủ trưởng, nhất là những người trẻ mới cầm máy. Nhiều khi thủ trưởng đến thăm đơn vị, muốn có một bức ảnh nói chuyện, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, nhưng do thời gian ít, thủ trưởng thường trao đổi rất nhanh, vị trí đứng của mọi người thường rất lộn xộn nên các bức ảnh này không đẹp. Người chụp cần phối hợp với chỉ huy đơn vị mình đề nghị thủ trưởng cấp trên xin phép bố trí một bức ảnh để tuyên truyền ở phòng truyền thống hoặc phục vụ công tác tuyên truyền thì tôi tin rằng thủ trưởng nào cũng không nỡ từ chối.

Do yêu cầu nhiệm vụ nên những người chụp ảnh ở đơn vị không nhất thiết đòi hỏi cao như các phóng viên chuyên nghiệp. Song, nếu như người cầm máy ảnh mà có được các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chụp ảnh thì chắc chắn chất lượng các bức ảnh cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền ở cơ quan, đơn vị mình.

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website