Tròn ba mươi sáu năm quân ngũ, rong ruổi khắp các địa bàn trong Nam, ngoài Bắc, chẳng mấy khi ông Dũng được ăn trọn vẹn một cái Tết ở nhà. Có năm được về, sớm thì rõ sớm. Khi ông Công, ông Táo còn chưa kịp lên trời báo công với Ngọc Hoàng, ông đã mau mải khoác ba lô lên đường. Năm muộn thì lại muộn quá. Nói như bà xã của ông thì thiên hạ đã ăn hết cả “mỡ nước” mới thấy ông về. Bấy giờ đã qua cả rằm tháng Giêng, làm gì còn hơi hướng Tết? Nhưng biết làm sao? Cả năm có mấy ngày Tết, ai chẳng mong sum họp gia đình. Nhưng về cả một lượt thì lấy ai ở lại trực đơn vị. Thôi thì cứ phải xoay vòng. Nhiều năm phải trực tăng cường, cả sớm hay muộn cũng chẳng thể về ấy chứ. Năm nay thì khác rồi. Ông Dũng vừa nhận quyết định nghỉ hưu. Bàn giao công việc, liên hoan chia tay anh em xong cũng là lúc năm mới gần kề. Đoàn tụ với vợ con trong khu tập thể bé nhỏ này đã được dăm hôm, ông vẫn chưa thể quên nếp sống nhà binh.
Nhưng chỉ sang đến tuần thứ 2, ông Dũng đã nhanh chóng bắt kịp cuộc sống. Khu tập thể của ông có vẻn vẹn dăm chục hộ gia đình. Mỗi hộ là một căn phòng vuông vức chừng ba chục mét vuông. Nhà ông ở tầng một, lại ngay đầu hồi nên sinh hoạt cũng tiện lợi hơn. Tuy nhiên, vì sát mặt sân nên những hệ lụy phiền phức cũng phải đối mặt nhiều hơn nhà khác. Cả khu chỉ có khoảng sân rộng vài trăm mét vuông là nơi sinh hoạt tập thể. Vì là của chung nên nó được người ta trưng dụng vào khá nhiều việc. Ngoài mấy bàn cờ tướng của các cụ ông ra, mảnh sân con con ấy còn là nơi phơi đồ, tập kết củi, nơi chứa than tổ ong, thậm chí có người còn đặt bu gà, treo lồng chim, cột chó… Không gian còn lại bé đến nỗi bọn trẻ không đủ chỗ để nô đùa sau mỗi chiều tan học. Vốn là người ngăn nắp, gọn gàng lại ưa sạch sẽ, ông Dũng đi vòng quanh sân một hồi rồi cả quyết bắt tay vào việc. Chẳng biết ông giỏi dân vận thế nào mà chỉ qua ngày hôm sau, cả khu tập thể đều biết tên ông. Có hẳn dăm bảy cụ ông, cụ bà, mấy bác về hưu cùng ông đo đo ướm ướm cả buổi ở cái khoảng sân nhỏ nhoi ấy. Thế rồi dưới sự điều hành của ông, mọi thứ lộn xộn trên sân bỗng đi vào quy củ. Không còn bu gà, lồng chim hay than, củi lằng nhằng, nhếch nhác. Không còn các loại dây phơi chăng ngang chăng dọc. Khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng hẳn ra. Hài lòng với việc mình vừa làm, ông Dũng lững thững dạo quanh chợ Tết. Trước mắt ông, chỗ nào cũng tràn ngập hàng hóa. Rẽ vào chợ hoa đang họp bên đường, mắt ông ngợp đi trước màu hồng đậm của đào bích, màu hồng phớt của đào phai, màu vàng của quất, của hoa cúc, màu trắng của thủy tiên. Những sắc màu rực rỡ, ấm áp ấy đã xóa đi cái giá lạnh của gió, của mưa phùn. Chọn mua một chậu quất tốt tươi, lúc lỉu quả vàng mà ông ngỡ như mình đang mang cả mùa Xuân về với gia đình.
…Chiều nay, cả khu tập thể lại được mẻ xôn xao khi thấy gia đình ông tất bật người thì tước lạt, người rửa lá dong, người thì ngâm gạo, đãi đỗ. Không khí ấy, cảnh tượng ấy càng khiến cái Tết như đến gần hơn. Nghe rõ những lời bàn tán, bình phẩm, ông Dũng chỉ cười rồi nói như phân bua với mọi người:
- Bận rộn thì mua vài tấm bánh chưng về cúng tất niên cũng là hợp lẽ. Nhưng tôi đang rảnh rỗi, muốn tự tay gói bánh cho nó có không khí ngày Tết. Với lại, mình không bày vẽ thế này, con cháu nó quên phong tục của tổ tiên mất. Các bác, các cô, ai có nhu cầu cứ mang gạo, mang đỗ, mang thịt sang đây, tôi sẽ gói bánh giúp cho, chẳng mất bao nhiêu thời gian đâu.
Cảm nhận được tấm chân tình ấy, đôi ba nhà, rồi năm bảy nhà lần lượt mua sắm nguyên liệu mang sang tập kết bên hiên nhà ông. Các ông bố trẻ cũng tự nguyện khênh củi, bắc bếp ngay tại góc sân vừa mới được thu dọn sạch sẽ. Ông Dũng oai phong như một vị tướng ngồi khoanh tròn trên sân, xung quanh la liệt những gạo, những đỗ, những thịt và những mẹt lá dong xanh. Nhìn chồng bánh vuông vắn cứ cao dần lên, ai cũng nắc nỏm khen ông Dũng khéo tay. Để phân biệt bánh của từng nhà, ông Dũng có sáng kiến nhuộm lạt bằng các loại phẩm màu. Vui nhất là lũ trẻ con, chúng cứ lăng xăng cạnh ông rồi chí chóe tranh nhau xí chiếc này, nhận chiếc kia làm rộn cả khoảng sân vào ngày áp Tết. Thấy lũ trẻ háo hức, ông còn tỉ mẩn gói cho mỗi đứa 1 chiếc bánh nhỏ khiến chúng vui thích reo ầm lên. Đến nhá nhem mặt người thì công việc hòm hòm. Vì số bánh đã lên đến hàng trăm chiếc nên ông Dũng phải dùng cả chiếc thùng phi làm nồi luộc. Lửa bập bùng reo, khói bếp cuộn bay… Sực nức không gian một mùi thơm thơm, cay cay quen thuộc. Quanh bếp lửa hồng, các gia đình trẻ như xích lại gần nhau hơn. Trên khoảng sân sáng trưng vì vừa được tăng cường thêm mấy cái bóng điện, họ vừa tranh thủ bóc hành, muối dưa, làm mứt vừa nhỏ to tâm sự, chuyện dần dần cứ nở như ngô rang. Bọn trẻ được dịp cũng thức khuya hơn ngày thường. Chơi mệt, chúng ngủ ngay trong lòng các ông bố, bà mẹ đang quây tròn bên nồi bánh lục bục sôi.
Minh họa: Đỗ Hùng
Rất muộn, khi bên bếp lửa chỉ còn đôi ba người nán lại, vợ chồng ông Dũng đã xào xong mẻ mứt cuối cùng mới thấy mẹ con chị Điệp trở về. Thấy chị một tay bồng thằng bé đang ngủ say, tay kia lỉnh kỉnh những túi, những bị; bà Dũng ái ngại bảo chồng:
- Rõ khổ. Chồng thì đóng quân ngoài đảo, nhà có một mẹ một con. Hễ cứ trực đêm là phải tha con theo. Cái nhà chị Điệp này sao mà giống tôi ngày trẻ quá!
Ông Dũng chợt cay cay khóe mắt, ông giúp bà mẹ trẻ mở cửa, bật điện, cất xe rồi ân cần:
- Hai mẹ con cháu đã sắm Tết được nhiều chưa?
Giọng Điệp khào khào trong hơi lạnh:
- Con cũng mới mua được vài thứ. Nghe nói chiều nay ông gói bánh giúp cả khu gia đình, con cũng đã mua đậu, mua nếp, nhưng lại không kịp mang về, tiếc quá.
Bà Dũng mau mắn lên tiếng:
- Mua rồi thì cất đi thỉnh thoảng nấu cho thằng nhỏ ăn. Hai bác đã gói thêm cặp bánh tặng mẹ con cháu ăn Tết đây rồi. Sớm mai qua bác mà lấy nhé!
Điệp nghẹn giọng xúc động:
- Năm nào bà cũng giúp mẹ con con không thứ này thì thứ kia. Con mang ơn bà nhiều lắm mà không biết phải đáp trả thế nào cho phải.
Bà Dũng xởi lởi:
- Ôi dào, cháu khách sáo làm gì. Mình là hàng xóm láng giềng, lại cùng cảnh xa chồng, không hỗ trợ nhau còn ra thể thống gì? Năm nay bác trai về rồi, bác cũng muốn ăn Tết đàng hoàng hơn. Hai mẹ con qua ăn Tết luôn cho vui.
Chẳng kịp nghe Điệp đáp lời, Bà Dũng quay ra giục chồng dập lửa, vớt bánh. Nhìn số bánh còn lại, ông Dũng nói nhỏ với vợ:
- Nồi bánh thứ 2 phải 10 giờ trưa mai mới vớt được. Luộc kỹ bánh mới rền, để mới được lâu. Vất vả một tí nhưng vui đáo để, bà nhỉ?
- Thì có sao đâu ông? Mai mới là 30 Tết cơ mà. Vẫn kịp cho mọi nhà có bánh cúng tất niên. Mà ông đề xướng cái việc tự gói bánh này cũng hay đấy. Bánh vừa ngon lại vừa có không khí Tết. Mọi năm cứ đến tận chiều 30 khu nhà này mới đông người, mà nhà nào cũng chỉ biết có nhà ấy thôi. Năm nay nhờ nồi bánh của ông mà ối nhà hết cả xích mích đấy.
Ông Dũng bỗng cao giọng :
- Bà này, đêm mai sau Giao thừa, tôi định sẽ dẫn đầu đoàn người đến từng nhà chúc Tết. Loanh quanh toàn anh em đồng chí đồng đội cả. Suốt năm bận rộn, ít có điều kiện thăm hỏi nhau, không đến với nhau lúc này thì còn đợi khi nào nữa?
Bà Dũng nhìn chồng cảm kích:
- Tôi đã đổi được ít tiền mới kia rồi. Ông nhớ mang theo mà đón tay cho lũ trẻ nhé! Thôi, ông thu gọn gọn việc rồi vào ngả lưng một lúc. Nồi bánh cứ để đấy cho tôi.
- Tôi cứ chộn rộn thế nào ấy bà nó ạ. Có nằm chắc cũng không ngủ được. Bao nhiêu năm xa nhà, lúc nào cũng chỉ ước được về sum họp gia đình vào đúng dịp Tết. Nay toại nguyện rồi lại thấy thương anh em trong ấy. Nói bà lại cho tôi là lẩn thẩn chứ thời gian tôi sống với anh em còn nhiều hơn nhiều lần tôi sống với bà cơ đấy.
Bà Dũng tủm tỉm lườm yêu chồng:
- Mấy chục năm ông đi biền biệt, không có tôi và lũ trẻ ở bên, ông chả sống với anh em thì sống với ai? Có điều kiện thì mai mốt lại vào thăm. Bây giờ tàu xe thuận tiện chứ có khó khăn như ngày xưa nữa đâu? Mà này, tôi còn chưa có dịp nào hỏi ông, thế ở trong ấy anh em ăn Tết thế nào?
- Bộ đội bây giờ chỉ phải cái xa nhà nên thiếu thốn tình cảm gia đình chứ Tết nhất thì đầy đủ lắm. Cảnh quan môi trường trong lành xanh mát còn hơn cả công viên với bệnh viện ấy chứ. Gà lợn nuôi sẵn trong chuồng, cá dưới ao, rau ngoài vườn. Mà toàn thứ thực phẩm sạch theo đúng nghĩa, chẳng có cám tăng trọng hay thuốc kích thích gì đâu. Thực đơn ngày Tết có đầy đủ món ăn truyền thống của người Việt Nam, từ bánh chưng, bánh tét, dưa muối, mứt ngọt, kẹo bánh... cho đến nem chua, chả giò. Đấy, bà xem cây đào anh em vừa tặng tôi này? Cũng một tay bộ đội uốn tỉa chăm sóc đấy. Đào rừng tuy ít hoa nhưng hoa nở lại rất bền. Lúc trao món quà quý này cho tôi, đồng chí Chính ủy đã nói một câu mà tôi nhớ mãi. Tuổi trẻ bây giờ sâu sắc thật.
Bà Dũng chìm vào câu chuyện của chồng lúc nào không hay:
- Nghe nói anh cán bộ này trẻ lắm. Trẻ là bao nhiêu tuổi hả ông? Anh ấy đã nói câu gì mà ông tâm đắc thế?
- Mới ngoài 40 một tí thôi bà ạ. Thế mà đã là chính ủy của một sư đoàn là oách lắm đấy.
- Thế anh ấy đã nói gì mà ông thấy tâm đắc thế?
- À, anh ấy bảo: “Trong này khí hậu khắc nghiệt lại nhiều sương gió nên đào rừng thường khẳng khiu, khô khốc, mốc meo. Nhưng có lẽ về xuôi khí hậu ấm áp, nó sẽ nở rất nhiều hoa đấy. Đồng chí hãy mang tấm lòng của chúng tôi về trồng ở phía yên bình nhé!”. Mà bà xem này, đồng chí ấy nói quả không sai. Cây đào được tưới nước ấm, ở trong không gian ấm, ít gió nên đã sưng khối nụ đây này. Giống này hoa bé, sắc hồng nhạt nhưng lâu tàn mà lại có hương thơm. Cứ đà này chỉ sớm mồng Một là thi nhau bung cánh đấy thôi.
Bà Dũng bỏ đi dọn dẹp từ lúc nào, ông Dũng cũng không hề hay biết. Mải ngắm cái thế quần tụ độc đáo của gốc đào rừng, ông chìm vào suy tư. Theo quan niệm dân gian, màu hồng của hoa đào là màu may mắn. Vì vậy, chưng một cành đào Tết sẽ không chỉ giúp cho căn nhà sang trọng, ấm áp mà còn như mang một vận may đến với gia chủ trong năm mới. Có lẽ vì thế mà hoa đào đã trở thành biểu tượng của hoa ngày Tết. Nghe nói cây đào này được một chiến sĩ trên trạm quan sát mắt tìm thấy ở triền núi cao. Nơi ấy quanh năm sương mù bao phủ. Năm ngoái ông đã được chứng kiến nó trổ bông. Đó là giống đào phai mang sắc hồng thật nhẹ. Mỗi nụ đào giống như ngọn đèn nhỏ, thắp sáng cả không gian. Mỗi bông hoa có nhiều lớp cánh mỏng, mịn màng, xếp chồng lên nhau. Nhụy hoa nhỏ xinh, màu vàng tươi phảng phất hương thơm dịu nhẹ.
Được sở hữu một gốc đào quý thế này, ông luôn nghĩ mình là người may mắn.
QUỲNH VÂN