PHÍA SAU ÁNH ĐÈN SÂN KHẤU VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG
Kỳ 1: Chuyện của chị Hiệp
Tôi ngồi bên cánh gà Hội trường K1 Quân chủng trong suốt 3 ngày diễn ra Liên hoan “Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền”của Quân chủng năm 2017. Phía sau những tiếng hát, điệu múa, khuôn mặt tươi rói của những diễn viên không chuyên và cả tiếng vỗ tay râm ran tán thưởng của khán giả là những câu chuyện có thật. Trong câu chuyện của những người tôi gặp, có nhiều ước vọng, nhưng cũng không ít trăn trở từ những vấn đề mà thực tiễn hoạt động văn nghệ quần chúng đã và đang đặt ra.
Đêm trao giải, tôi mừng lắm khi Ban tổ chức Liên hoan “Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền” của Quân chủng năm 2017 đã xướng tên Thượng úy CN Hoàng Thị Hiệp - Nhân viên Thư viện Sư đoàn 363. Chị là một trong số những cá nhân xuất sắc được khen thưởng trong Liên hoan. Nhìn ánh mắt rạng rỡ của chị, tôi chợt nhớ lại những giây phút ngắn ngủi được chứng kiến và tâm tình với chị bên cánh gà sân khấu.
Chị hiệp cùng con gái bên cánh gà sân khấu Liên hoan “Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền”
của Quân chủng PK-KQ năm 2017.
Theo như chị Hiệp kể, từ năm 1998 đến nay, hầu như mùa hội diễn, liên hoan văn nghệ nào do Sư đoàn hay Quân chủng tổ chức chị đều có mặt. Chị nhớ lại lần tham gia đầu tiên năm 1998. Khi ấy chị mới là chiến sĩ. Khi còn trẻ, được tham gia hoạt động văn nghệ, rồi lại vào đội tuyển hẳn hoi khiến chị vui lắm.Thế rồi, đi mãi thành quen, chị trở thành hạt nhân văn nghệ lúc nào cũng chẳng hay. Để rồi đến hẹn lại lên, cứ mùa hội diễn các cấp chị đều có mặt.
“Ngày ấy vui lắm, nhưng bây giờ...”. Chị ngưng lại một chút khiến tôi tò mò để rồi chìm vào những tâm tư của chị.
Theo như chị kể thì từ khi lấy chồng và sinh con, việc tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ của cá nhân cũng bị tác động rất nhiều, nhất là khi con còn nhỏ.
“May mà chồng, gia đình nhà chồng cũng thấu hiểu, tham gia hoạt động văn nghệ, nhất là hội diễn, hay liên hoan cũng là nhiệm vụ và rất vất vả. Nếu không, chắc tôi không kham nổi...”. Chị nói và nhìn sang đứa con gái đang ngồi yên bên góc cánh gà.
Khi câu chuyện đang diễn ra thì thời gian biểu diễn của Sư đoàn 363 đã đến, tôi tạm ngưng bao điều muốn hỏi để chị có thời gian cùng đội hoàn thành tốt nhất nội dung, chương trình đã luyện tập tham dự Liên hoan.
Tiết mục thứ nhất có chị tham gia kết thúc. Chị thoăn thoắt lục hộp sữa đặt vào tay con, dặn con nhớ ngồi yên tại chỗ rồi lại lao đi thay trang phục cho tiết mục tiếp theo. Nhìn sự tất bật của chị, tôi nghĩ, việc ấy chắc đã diễn ra thường xuyên như một phản xạ. Và sau mỗi tiết mục, chị lại đáo mắt về phía con gái để cháu yên tâm.
Tôi đến bên Trịnh Hoàng Chi, 9 tuổi, con gái của Thượng úy CN Hoàng Thị Hiệp để hỏi chuyện. Cháu Chi bảo với tôi, cháu đã được đi cùng mẹ nhiều lần như thế này lắm và cháu cũng thích sau này lớn lên được làm bộ đội và tham gia múa hát như mẹ. Câu chuyện giữa tôi và cháu Chi dừng lại bởi chương trình tham gia Liên hoan của Sư đoàn đã kết thúc.
Lấy tay lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Hiệp cười hiền: “Hai vợ chồng tôi ở với bố mẹ chồng. Đợt này, mẹ chồng đau ốm liên miên, trong khi đó chồng lại đi công tác xa nên lúc đầu tôi cũng chưa biết xoay sở thế nào cho việc chung, việc riêng được trọn vẹn. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình tôi, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, nhất là chị em trong Hội phụ nữ cơ sở Sư đoàn đã thường xuyên hỏi thăm, chia sẻ, động viên. Thế là tôi tự động viên mình phải cố lên. Thời gian tham gia Liên hoan tuy không dài, nhưng tôi vẫn canh cánh lo về gia đình, nhất là mẹ chồng đang đau ốm. Tuy nhiên, tôi tự hứa với lòng mình rằng không để việc riêng ảnh hưởng đến việc chung” - Chị nói với tôi như tự nói với chính mình.
Ngay sau khi chị được Ban Tổ chức Liên hoan “Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền” của Quân chủng năm 2017 tặng Giấy khen cho cá nhân xuất sắc, tôi đã đến bên chị để chúc mừng. Sau cái bắt tay ấm tình đồng chí, tôi thấy đôi mắt chị ngấn nước. Nhưng sâu thẳm trong đôi mắt ấy tôi nhìn thấy lấp lánh nghị lực, niềm tin, xúc động.
Chia tay chị, lòng tôi bỗng dâng tràn cảm xúc khi ánh đèn sân khấu vụt tắt. Biết đâu mùa liên hoan, hội diễn lần sau tôi lại gặp chị. Nghĩ thế, tôi lại tự hỏi, có biết bao nhiêu con người như chị mà tôi chưa được tiếp xúc. Chỉ thế thôi cũng khiến tôi khâm phục ý chí, nghị lực của những nữ quân nhân với những chung riêng mà không phải lúc nào cũng có thể nói hết thành lời.
NGÔ TIẾN MẠNH
>>>Kỳ 2: Tìm hạt nhân như “đãi cát tìm vàng”