Ghi ở hội thi cán bộ giảng dạy chính trị Lữ đoàn 26
Vừa qua, Lữ đoàn 26 đã tổ chức thành công hội thi cán bộ giảng dạy chính trị (GDCT) năm 2018. Theo dõi suốt quá trình hội thi diễn ra, chúng tôi ghi nhận được những tín hiệu đáng mừng và cả những vấn đề cần được quan tâm hơn để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị.
Làm tốt công tác chuẩn bị
Theo Thiếu tá Lưu Văn Hào - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 26, để hội thi đạt kết quả cao, ngay sau khi có hướng dẫn của Quân chủng, Phòng Chính trị Lữ đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức hội thi cán bộ giảng dạy chính trị với những nội dung, biện pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của Lữ đoàn, kịp thời phổ biến quán triệt triển khai tới các đơn vị. Song song với đó, việc thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo hội thi, xây dựng quy chế, đề cương, đáp án theo hướng dẫn của Quân chủng cũng được cơ quan các cấp nhanh chóng hoàn thiện.
Thí sinh thực hành giảng bài chính trị.Hội thi lần này ở Lữ đoàn có sự vào cuộc sâu sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trong đó, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị Lữ đoàn là nòng cốt. Để hội thi đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Tổ chức đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị bảo đảm tốt cơ sở vật chất cho hội thi; thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị của các thí sinh, dự nghe các đơn vị tổ chức thông qua, thục luyện bài giảng, kịp thời có những uốn nắn, điều chỉnh bổ sung về phương pháp sư phạm, cách thức xây dựng giáo án, sơ đồ, bài giảng trình chiếu; đồng thời tiến hành làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên cho hội thi.
Tổ chức thi hiệu quả
Tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm nay của Lữ đoàn 26 có 26 thí sinh tham gia. Các thí sinh tham dự thi thực hiện 3 nội dung chính là thi trắc nghiệm; soạn thảo nội dung giảng dạy trên phần mềm trình chiếu powerpoint và thực hành giảng dạy. Trong đó, nội dung thực hành giảng dạy được quan tâm nhất.
Theo dõi phần thi thực hành giảng bài, chúng tôi thấy đa phần các thí sinh đã lựa chọn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mang tính cấp bách, thời sự, được dư luận quan tâm như: Tình hình Biển Đông, tình hình thế giới, khu vực, trong nước; đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới… Trong thực hành giảng bài, các thí sinh đã có sự phân tích, liên hệ vận dụng vào thực tiễn, sát đối tượng và có định hướng tư tưởng, hành động. Bên cạnh đó, nhờ vận dụng các phương pháp giảng dạy thích hợp như: Sử dụng máy trình chiếu, các tài liệu, sơ đồ, mô hình, tranh vẽ, băng đĩa phim tư liệu có liên quan đến nội dung bài giảng, tạo hiệu ứng tốt về nghe nhìn, thu hút người học, giúp người học tiếp thu tốt nội dung bài giảng và thông điệp muốn truyền tải.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Chính ủy Lữ đoàn 26, cho biết: “Nhiều cán bộ chính trị có phong cách thuyết trình đĩnh đạc, tự tin, đã chuyển tải nội dung sinh động, súc tích, logic, chặt chẽ, dễ hiểu, phù hợp đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn đơn vị mình, rút ra được ý nghĩa sâu sắc, liên hệ thực tiễn cụ thể, sát đúng theo hướng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý đơn vị... Do vậy, ở phần thi này, điểm thi của các thí sinh không chênh lệch quá lớn. Điều này chứng tỏ mặt bằng trình độ, khả năng của các thí sinh khá đồng đều, các cán bộ giảng dạy chính trị đã có sự nghiên cứu sâu đề tài mình lựa chọn, thực sự tâm huyết với nghề và nhiệm vụ được cấp ủy phân công”.
Ở hội thi, phần trả lời câu hỏi do Ban Giám khảo đặt ra cũng vô cùng quan trọng. Qua theo dõi thấy rằng, dù nội dung câu hỏi mà Ban Giám khảo đặt ra khá đa dạng, rộng, song không vì thế mà ở phần thi này trở nên khó khăn đối với các thí sinh. Nhiều thí sinh nghiên cứu tài liệu khá kỹ, nắm vững các nguyên tắc và nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị nên trả lời đúng, đủ nội dung câu hỏi đặt ra; linh hoạt, phân tích diễn giải chính xác.
Kết quả hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm nay ở Lữ đoàn 26 đạt khá cao với 100% đạt khá, giỏi, trong đó có 15/26 thí sinh đạt giỏi.
Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH