15 giờ:22 phút Thứ năm, ngày 24 tháng 5 , 2018

Lặng lẽ Cầm Bá Nhì

Chiều Cam Ranh ngặt nắng. Nắng như thiêu đốt mọi vật. Ngỡ như có bao nhiêu nắng trên khoảng không ở miền đất không có mùa Đông đều gom lại đổ xuống gầm trời này, nhưng lòng tôi vẫn dịu mát đến lạ kì. Tôi mát lòng vì giữa cuộc sống đầy khó khăn, vất vả này, vẫn đầy ắp tình yêu thương khi luôn có những người như Cầm Bá Nhì với lẽ sống bình dị và niềm tin vững chãi, dù gia cảnh riêng đầy chênh chao, giông bão.


NƯỚC MẮT  “TRƯỜNG SA CẠN”
Gia đình Trung úy Cầm Bá Nhì.

 

Những ngày “giông gió”

Tháng 6 năm 2017, Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Cầm Bá Nhì - Y tá Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) được cấp trên phân công ra công tác tại Trạm ra đa 21, thuộc Quần đảo Trường Sa.

Ra công tác tại Trường Sa khi con đang còn nhỏ, gia đình hai bên nội, ngoại cách xa hàng trăm ki lô mét, trong khi vợ lại không có công ăn việc làm ổn định... là những khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, Nhì nghĩ, các thế hệ của đơn vị ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa cũng đều như mình nên anh luôn xác định, đó không những là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự. Bên cạnh tự xác định tốt nhiệm vụ để vượt qua khó khăn ấy, Nhì còn được sự động viên của vợ con, đồng đội, nên anh yên tâm ra đảo làm nhiệm vụ.

Một ngày giữa tháng 12 năm 2017, Nhì nhận được tin dữ từ gia đình. Vợ anh, chị Lê Thị Duyên không may mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là căn bệnh u não ác tính, phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, nếu không thời gian sống chỉ được tính bằng ngày.

“Nói ra anh đừng cười em nhé!”: Nhì rào đón.

Thấy tôi nhìn thẳng mắt mình trong nỗi sẻ chia, Cầm Bá Nhì đỏ hoe khóe mắt khi nghĩ đến và kể lại: “Nhận được tin từ gia đình em đã bật khóc nức nở anh ạ! Em khóc vì xen trong oằm oặp tiếng sóng giữa mênh mông biển biếc ngập ngàu mùa gió cuối năm ấy đâu đâu cũng hiện lên hình ảnh hai đứa con thơ của em đang chới với vì thiếu sự đùm bọc trực tiếp của cả cha lẫn mẹ, và hẳn, tụi nhỏ chưa biết được những gì đang diễn ra với gia đình mình. Khóc vì thương vợ bạo bệnh... Dẫu xác định trước điều ấy trước khi ra Trường Sa, nhưng ngăn lòng mình sao được. Con người mà!”.

Lấy vạt áo, thấm những ký ức qua nước mắt, Nhì kể tiếp trong ngắt quãng cùng tiếng nấc của chị Duyên: “Khi báo cáo với chỉ huy cấp trên, em đã nhận được sự chia sẻ, động viên của hầu hết anh em trên đảo. Chính sự đùm bọc, sẻ chia của chỉ huy đảo nói chung, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 21 nói riêng kể về bao tấm gương hi sinh những riêng tư cuộc sống thường nhật, thậm chí cả tính mạng của mình để bám đảo, bám đài làm em xốc lại tinh thần, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất đến với em và người thân của em”.

“Nhìn, nghe đồng đội của mình gọi điện về động viên gia đình, con cái, dù miệng cố tươi cười mà nước mắt lã chã rơi, rồi sau đó lại nghiêm ngắn, nhanh nhẹn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao khiến chúng tôi rất xúc động. Đã đành, những người được lựa chọn ra đảo làm nhiệm vụ đều là những đồng chí có lập trường chính trị và bản lĩnh kiên định vững vàng, nhưng suy nghĩ và hành động như Cầm Bá Nhì đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi về giá trị của nhiệm vụ mình đang thực hiện. Tuy bình dị thôi, mà cao quý lắm...”. Đại úy Cao Tiến Dinh - Trạm trưởng Trạm ra đa 21 nói qua làn sóng điện thoại khi tôi gọi điện hỏi anh về Trung úy QNCN Cầm Bá Nhì những ngày công tác trên đảo.

Chất chứa niềm riêng

Nắng hầm hập phả xuống Cam Ranh. Ngồi trong căn nhà nhỏ của Trung úy QNCN Cầm Bá Nhì và lặng nghe những lời chia sẻ về ước mơ, cuộc sống của gia đình anh, mỗi câu nói, ước mơ giản dị đều đọng lại trong trái tim tôi thành tiếng gọi sẻ chia đến cồn cào.

“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong lúc hoạn nạn, khó khăn, như động viên hậu phương và tìm mọi cách để đưa đồng chí khác ra Trường Sa thay cho đồng chí Nhì để đồng chi Nhì có thời gian gần gũi chăm sóc người vợ vừa đi qua cơn thập tử nhất sinh và vẫn mang trong mình bạo bệnh, rồi cả hai đứa con thơ đang chập chững tới trường, cần bàn tay, hơi ấm của bố mẹ. Tuy nhiên, cũng phải gần 3  tháng sau đó, khi có tàu ra, Nhì mới về công tác tại cơ quan Trung đoàn, để có điều kiện chăm sóc vợ con trong lúc khó khăn trăm bề như bây giờ. Cái chúng tôi luôn yên tâm ở Nhì là dẫu khó khăn, nhưng trong công việc, Nhì luôn chỉn chu, trách nhiệm. Bản lĩnh ấy, khí chất ấy của Nhì là tấm gương sáng để đồng đội soi chiếu, điều chỉnh mình vì nhiệm vụ chung. Việc làm, suy nghĩ của Cầm Bá Nhì là minh chứng sống động, hơn ngàn trang sách, bài diễn thuyết về bản lĩnh, trách nhiệm sống và lòng yêu thương”. Đại tá Trần Văn Độ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) chia sẻ.

Nghe lời từ chính người chỉ huy của mình, Nhì xúc động:“Rất may, vợ em đã vượt qua ca đại phẫu mà gia đình đã chấp nhận cả trường hợp xấu nhất trên bàn mổ. Nhưng hiện tại thì...”.

Theo như Cầm Bá Nhì, từ ngày mổ xong đến nay, chị Duyên vợ anh lúc nhớ, lúc quên và không thể lao động được. Căn bệnh hiểm nghèo ấy vẫn như “bản án tử hình” treo lơ lửng trên đầu, trong khi, mọi chi phí đi vào Sài Gòn thăm khám thường xuyên, đến số tiền cho ca đại phẫu thuật của vợ anh đều là tiền đi vay của mọi người làm lòng anh ngổn ngang.

“Bây giờ, cả nhà em đều sống vào đồng lương Trung úy QNCN  bậc sơ cấp của em nên cũng khó khăn. May mà vợ em được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nên đỡ đi phần nào”. Cầm Bá Nhì tâm sự. Hiện tại, anh chỉ mong sao cho căn bệnh quái ác trong người vợ mất đi vĩnh viễn, thì dẫu vất vả đến đâu anh cũng gắng chịu. “Mỗi người mỗi cảnh anh nhỉ? Em chẳng mơ ước gì cao sang, chỉ cần vợ chồng, con cái còn đủ đầy bên nhau trong tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng đội, người thân, chòm xóm là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng... em lo...”. Ngưng lời nói, Nhì quay mặt đi nơi khác trong sự ngơ ngác của các con. Chị Duyên, anh Độ và cả tôi đều rưng rưng nỗi niềm xa vắng lắm. Bởi theo như Đại tá Trần Văn Độ, đơn vị còn nhiều những đồng chí có gia cảnh éo le, khó khổ, nhưng anh em luôn xác định tốt nhiệm vụ. Chính điều đó đã góp phần làm nên sức mạnh chiến đấu của đơn vị trong mọi tình huống.

“Là người lính phải biết sống hi sinh”

21 năm quân ngũ với quân hàm Trung úy QNCN và đồng lương bậc sơ cấp giữa cuộc sống đầy ắp khó khăn, nhưng Cầm Bá Nhì vẫn kiên định, chuyên tâm một lòng, một dạ cống hiến trọn đời cho đơn vị nói riêng, Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung, khiến chúng tôi hãnh diện, vinh dự, vững tin về đồng đội của mình. Cầm Bá Nhì khắc sâu vào tôi và cả những đồng đội của anh thêm một lần nữa nhắc chúng ta biết sống vì khát vọng chân thành của tuổi trẻ. 

“Dù vợ mang bạo bệnh, gia cảnh khó khăn, nhưng bất cứ lúc nào, không kể ngày hay đêm, ở địa phương hễ ai bị đau ốm, bệnh tật, anh Nhì đều lao đến giúp đỡ rất tận tụy. Bên cạnh thăm khám và đôi khi còn bỏ cả những đồng tiền hạn hẹp từ túi mình để mua thuốc cho những hoàn cảnh neo đơn, nghèo khó hơn mình, anh còn tư vẫn giúp đỡ tận tình cách phòng chữa bệnh nên bà con lối xóm rất kính trọng vả nể phục...”. Chị Lý Thị Đẹn ở Phường Cam Phúc Bắc (hàng xóm của Trung úy QNCN Cầm Bá Nhì cho biết).

Theo như Cầm Bá Nhì, gần đây, có lẽ vì khối u lại phát triển, chèn vào các dây thần kinh nên vợ anh hầu như không thể hoạt động được gì, chỉ ngồi và nằm. Lúc nhớ, khi quên. Anh muốn đưa vợ nhập viện và được đưa vào Khoa Điều trị tích cực, nơi dành cho những bệnh nhân giai đoạn cuối, nhưng lại nghĩ đến món nợ, trong khi anh đang lo chuẩn bị một khoản để mua sách vở cho con nên đôi khi nước mắt anh cứ tự rưng ứa ra.

Sợ chị Duyên lo nghĩ mà mệt nên tôi tỏ ý cùng Cầm Bá Nhì ra ngoài ngồi nói chuyện để chị được nghỉ ngơi. Bỗng chị Duyên kéo tay tôi lại:  “Lỡ em mà nằm xuống thì nhà chỉ còn ba bố con, ba người đàn ông bơ vơ. Các anh nhớ động viên, giúp đỡ anh ấy nhé...”. Nhì nắm tay vợ: “Em yên tâm. Dù khó khăn đến đâu, anh và con sẽ làm tất cả để gia đình mình luôn được ở bên nhau”. Căn phòng lặng đi trong nước mắt. Và trong chính khoảng lặng ấy, tôi thấm thía, càng trong gian lao, thử thách khắc nghiệt, con người mới dễ nhận ra giá trị của chính mình. Chính Cầm Bá Nhì và vợ anh đã truyền cảm hứng, niềm tin sống, hành động cao đẹp cho chúng tôi. Và chúng tôi biết rằng, chính lẽ sống tưởng như rất bình thường ấy đã góp phần vun đắp truyền thống giá trị của người lính làm nên nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Những người không chỉ chấp nhận khó khăn, thử thách, thiệt thòi về mình, mà còn luôn sẵn sàng xông pha  ra nơi gian khổ nhất để thực hiện nhiệm vụ, dẫu cuộc sống riêng còn đầy ắp nước mắt.

Chia tay Cầm Bá Nhì, tôi ôm chặt và nhìn sâu vào đôi mắt trong vắt của cháu Cầm Thuốc Nam và Cầm Thuốc Bắc con của anh trong đầy ắp nỗi niềm.

Tôi lại nhớ về lời nói trên điện thoại của Đại úy Cao Tiến Dinh - Trạm trưởng Trạm ra đa 21, khi tôi gọi điện hỏi anh về Trung úy QNCN Cầm Bá Nhì. Theo như Đại úy Cao Tiến Dinh, dù thời gian Nhì gắn bó với đảo chưa được nhiều, nhưng anh thực sự là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nhiều người khác dọi mình, hiệu chỉnh, sống, cống hiến xứng đáng hơn, trách nhiệm hơn. Chính sự kiên định, bản lĩnh và lòng nhiệt huyết với công việc, nhất là công tác Đoàn và phong trào thanh niên, cộng với cách ứng xử đúng mực, khả năng chịu đựng, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ ở thời điểm gia đình gặp nhiều biến cố nhất đã toát lên điều ấy.  

Nắng vẫn trải đỏ trời Cam Ranh. Chia tay Cầm Bá Nhì, tôi chợt buồn khi đâu đó vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao..  Và nỗi buồn ấy tan biến khi tôi biết, đất nước này còn nhiều lắm những người như Cầm Bá Nhì. Lẽ sống của anh kéo văng vẳng bên tôi câu thơ của Bác: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website