13 giờ:52 phút Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 , 2019

Bảo hiểm y tế trong Quân đội - Bước chuyển đổi cơ chế, phương thức chăm sóc sức khỏe quân nhân

Cùng với sự phát triển của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động trong Quân đội và thân nhân quân nhân, thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng ngày càng hoàn thiện, tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh, góp phần ổn định tư tưởng bộ đội, chăm lo chính sách hậu phương Quân đội.

 

Bảo hiểm y tế trong Quân đội - Bước chuyển đổi cơ chế, phương thức chăm sóc sức khỏe quân nhân

Quân nhân đăng kí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trưng ương Quân đội 108. (ảnh: Nguyên Hải)

Chuyển đổi cơ chế bảo đảm tài chính y tế từ ngân sách nhà nước sang Quỹ BHYT

Từ đầu những năm 1980, tình hình chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng ở các cơ sở khám, chữa bệnh lâm vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, trong khi đó chi phí dành cho khám, chữa bệnh và củng cố, nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng ngày càng tăng do khoa học - kỹ thuật, trình độ, năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế ngày càng phát triển hiện đại. Để giải quyết khó khăn này, Nhà nước đã cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh thu một phần viện phí, được huy động, quyên góp thêm tài chính cho chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh. Các biện pháp này trước mắt đã giảm bớt khó khăn nhưng không cơ bản, không giải quyết căn bản nguồn tài chính thiếu hụt phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân.

Năm 1989, Bộ Y tế đã tiến hành thực hiện thí điểm BHYT ở một số địa phương, đến năm 1990, được sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) các địa phương đồng loạt tiến hành triển khai thực hiện thí điểm BHYT, cùng với đó là Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, xây dựng dự thảo văn bản pháp luật về thực hiện BHYT ở Việt Nam. Mặc dù thời gian thí điểm BHYT ngắn nhưng kết quả bước đầu đã chứng tỏ đây là một hướng đi mới, đúng đắn, phù hợp với các nước trên thế giới, không chỉ tạo thêm nguồn tài chính cho khám, chữa bệnh mà còn từng bước nâng cấp, trang bị mới thiết bị, dụng cụ y tế, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ trực tiếp cho chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh. Ngày 15/8/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký ban hành Điều lệ BHYT kèm theo Nghị định số 299-HĐBT. Đây được coi là văn bản đầu tiên, chính thức triển khai thực hiện chính sách BHYT ở nước ta, có sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước.

Thực hiện BHYT để huy động sự đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hình thành Quỹ BHYT, cùng với ngân sách nhà nước bảo đảm cho ngành Y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT; giảm bớt gánh nặng về tài chính, nhất là người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế cao, hiện đại, điều trị dài ngày theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro và chi trả trước qua Quỹ BHYT; đồng thời góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ, thông qua tái phân phối thu nhập qua mức đóng BHYT theo phần trăm (%) thu nhập của người tham gia BHYT.

Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách BHYT thông qua sửa đổi, bổ sung, cải cách, đổi mới các quy định của Chính phủ về chế độ, phạm vi, quyền lợi, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHYT, với 2 hình thức thực hiện BHYT là bắt buộc và tự nguyện (đến năm 2015 tham gia BHYT chỉ còn một hình thức là bắt buộc theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014); hệ thống tổ chức BHYT được thành lập và đi vào hoạt động ở các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ ngày một nâng cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển BHYT. Số bao phủ BHYT theo tỷ lệ dân số ngày càng tăng, năm 2005 chỉ có 28,77% người dân có BHYT, thì năm 2010 tỷ lệ này là 58,45% và tính đến tháng 12/2017 có gần 81 triệu người tham gia BHYT, chiếm 86,4%. Toàn quốc có trên 1.600 cơ sở y tế công lập, 400 cơ sở y tế ngoài công lập (bao gồm cả các bệnh viện, bệnh xá quân y) tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Về khám, chữa bệnh và chi khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT: năm 2015, có trên 130 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, chi khoảng 49,8 nghìn tỷ đồng, năm 2016 là 144 triệu lượt (tăng 13%), chi 70,01 nghìn tỷ đồng (tăng 44,6%) và năm 2017 có 168,2 triệu lượt (tăng 10%), chi khám, chữa bệnh vượt trên khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Triển khai thực hiện BHYT trong Quân đội

Về đối tượng tham gia BHYT: Bắt đầu triển khai thực hiện BHYT bắt buộc đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp Quân đội (Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992); thân nhân của sĩ quan đang tại ngũ (Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002); thân nhân của quân nhân chuyên nghiệp (Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01/02/2007); thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ (Nghị định số 106/2007/NĐ-CP ngày 22/6/2007); thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng (Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016). Năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định quân nhân tại ngũ tham gia BHYT. Đây là điểm mốc quan trọng, chính thức khẳng định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong triển khai thực hiện pháp luật về BHYT đối với 100% quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động và thân nhân của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, đồng thời đánh dấu bước chuyển đổi cơ chế, phương thức chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh của quân nhân từ ngân sách nhà nước sang Quỹ BHYT, góp phần thực hiện BHYT toàn dân như Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đã xác định.    

Về phương thức tổ chức thực hiện BHYT trong Bộ Quốc phòng từng bước được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển đối tượng tham gia BHYT và hoạt động quân sự, quốc phòng. Từ năm 2009 trở về trước, việc mua và cấp thẻ BHYT đối với người lao động, thân nhân quân nhân do các đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương thực hiện trực tiếp với cơ quan BHXH địa phương, nơi đơn vị đóng quân. Phương thức này giao quyền chủ động cho các đơn vị thực hiện chính sách BHYT, song đã bộc lộ một số bất cập: không đạt tỷ lệ 100% đối tượng tham gia; không đủ thời hạn sử dụng thẻ (12 tháng hoặc bằng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tính từ ngày mua thẻ BHYT); lập, cấp trùng thẻ; không quản lý được nguồn thu do ngân sách nhà nước đóng mua thẻ BHYT nên không quản lý, bảo đảm khám, chữa bệnh; không bảo đảm được tính bí mật trong lĩnh vực BHXH, BHYT theo quy định...

Với mục tiêu 100% đối tượng quản lý và thân nhân quân nhân tham gia BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm khắc phục cơ bản những khó khăn trong việc mua, cấp và quản lý thẻ BHYT, ngay sau khi được thành lập (tháng 5/2008), BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện thí điểm cấp thẻ BHYT đối với 100% lao động hợp đồng có chỉ tiêu và thân nhân quân nhân của một số đơn vị. Qua đó thấy các ưu thế vượt trội như: quản lý được đối tượng tham gia BHYT đồng nghĩa với việc quản lý thu BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước đóng (đối với thân nhân quân nhân) hoặc người sử dụng lao động và cá nhân (đối với người lao động); thẻ BHYT có đủ thời hạn sử dụng theo đúng thời hạn phục vụ tại ngũ của Luật Nghĩa vụ Quân sự (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ); thời hạn sử dụng thẻ 24 tháng thay cho 12 tháng như trước đây nên tiết kiệm được khá nhiều về thời gian cấp thẻ và chi phí cho thủ tục, hồ sơ, in phôi thẻ. Trên cơ sở đó, từ năm 2010, BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện thu, cấp thẻ BHYT đối với 100% người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và thân nhân quân nhân toàn quân và tiếp tục phát huy thế chủ động trong quản lý, cấp thẻ BHYT, bảo đảm không trùng cấp (đối tượng do ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT); thu hồi được ngay thẻ của những trường hợp không tiếp tục tham gia (tiết kiệm ngân sách nhà nước); cân đối, điều tiết thẻ về các cơ sở quân y khám, chữa bệnh BHYT; xác định rõ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Đối với quân nhân tham gia BHYT, việc BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ đã quản lý chặt chẽ thông tin. Nhờ đó đã góp phần chủ động trong việc ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở quân y - một xu thế của BHYT toàn dân là các cơ sở khám, chữa bệnh cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, tự chủ về tài chính (khác so với trước đây hoạt động y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm), duy trì hệ thống quân y trong thời bình, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế, tạo nguồn lực y tế cho các tình huống.

Trong thời gian tới, công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn về phương thức tổ chức, trách nhiệm trong bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT trong đó có quân nhân. Nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT trong Quân đội còn gặp nhiều khó khăn: đối tượng tham gia BHYT lớn, phân bổ rộng khắp trên toàn quốc (cả biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa); áp lực về thời gian lập, cấp thẻ ngày càng lớn; quản lý quỹ BHYT luôn là bài toán cân đối với mức đóng góp. Do đó, trước hết cần nhận thức, đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan BHXH, của người trực tiếp thực hiện chế độ, chính sách BHYT để củng cố, xếp sắp lực lượng phù hợp; phân cấp, phân quyền, gắn kết trách nhiệm trong lập, cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT; quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Các biện pháp nêu trên được thực hiện sẽ tiếp tục khẳng định BHYT là một chính sách lớn, trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng, Chính phủ, là loại hình bảo hiểm đặc biệt, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống nhân dân, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn: Bqp.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website