Chiến công của những người lính thợ
Sân bay Đà Nẵng vào trung tuần tháng 5 nhộn nhịp hơn bởi Nhà máy A32 (Cục Kỹ thuật) phối hợp với Sư đoàn 372 tổ chức bay thử cho máy bay Su-27UBK, sau sửa chữa lớn tại Nhà máy.
Tại bãi đỗ, chiếc máy bay Su - 27UBK được khoác trên mình “chiếc áo mới”, lừng lững quay đầu hướng sân bay sẵn sàng cất cánh. Hàng chục cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng các phương tiện bảo đảm như: Máy phát điện, máy làm mát động cơ, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn… tập trung cao độ cho công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho máy bay cất cánh. Hai phi công làm nhiệm vụ bay thử cùng các kỹ thuật viên kiểm tra máy bay lần cuối, sẵn sàng chờ lệnh của chỉ huy bay.
Bảo đảm kỹ thuật trước ban bay thử nghiệm tại Nhà máy A32.
Tại Đài chỉ huy kỹ thuật K4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đảm - Phó Tư lệnh Quân chủng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cùng các cơ quan chức năng đang tập trung theo dõi, chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị.
Thượng tá Hoàng Văn Khương - Chính ủy Nhà máy cho biết: “Cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã có mặt từ 2 giờ sáng để làm công tác chuẩn bị, tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh của chỉ huy bay”.
8 giờ 46 phút, tiếng động cơ phản lực rền vang, chiếc máy bay từ từ lăn ra đường băng chính. Chỉ trong chốc lát, chiếc máy bay vút lên bầu trời xanh, thực hiện các động tác theo yêu cầu của chỉ huy. Sau bài bay thử nghiệm với thời gian trên 40 phút, chiếc phi cơ nhẹ nhàng đáp xuống sân bay. Khi chiếc máy bay lăn vào bãi đỗ an toàn, cả sân bay vỡ òa niềm vui. Những cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật ùa ra chúc mừng phi công và mừng cho thành quả lao động của chính mình.
Đại tá Trương Minh Đức - Giám đốc Nhà máy A32 cho biết: “Thành công của chuyến bay hôm nay là món quà ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà máy (18/6/1966 - 18/6/2016), mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2013, mặc dù có nhiều khó khăn chi phối, nhưng với sự nỗ lực cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, đến nay Nhà máy đã làm chủ công nghệ mới”.
Nhà máy A32 có truyền thống 50 năm sửa chữa, khắc phục hỏng hóc cho rất nhiều loại máy bay; đội ngũ cán bộ, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tiếp xúc với dây chuyền sửa chữa mới, linh kiện vật tư phải nhập từ nước ngoài, thiết bị kiểm tra khan hiếm, một số đồng chí chưa quen với công nghệ mới.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Nhà máy đã cử hàng chục cán bộ đi tập huấn nước ngoài, nghiên cứu tài liệu, biên soạn quy trình công nghệ, lập hồ sơ sửa chữa các công đoạn: Tiếp nhận máy bay, phát hiện hỏng hóc ban đầu, tháo dỡ, sửa chữa kết cấu đường dây, đường ống, bàn giao thiết bị lẻ cho các xưởng, tiếp nhận linh kiện, lắp ráp, hiệu chỉnh.
Việc sửa chữa phải tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt, chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí thì nguy cơ mất an toàn là rất cao. Vì vậy, khi vào phân xưởng, mọi người đều luôn ghi nhớ “Trung thực, thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, chính xác”. Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết, trước khi tháo gỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh; khi bàn giao các linh kiện giữa các bộ phận đều có sổ sách đăng ký và phiếu bàn giao…
Bằng sự quyết tâm, tinh thần cần cù, sáng tạo, những người lính thợ Nhà máy A32 đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Đảm nhận xét: “Việc sửa chữa, đại tu thành công máy bay Su-27 chứng tỏ khả năng làm chủ hoàn toàn về kỹ thuật, là nền tảng vững chắc để Nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng loại máy bay Su-30, góp phần nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng của đất nước…”.
Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ