Trận không chiến “Đồng thời công kích”
Phi công Nguyễn Nhật Chiêu từng khẳng định: Chưa thấy khi nào phi công phải cảm ơn người chỉ huy sâu sắc như trong trận không chiến ngày 23-8-1967. Trận đánh đã thể hiện tài năng phán đoán tình hình và sử dụng lực lượng vô cùng sáng suốt của Trung đoàn trưởng Trần Mạnh. Khả năng dẫn dắt của kíp trực chỉ huy - dẫn đường cũng rất tài tình nên đã đưa biên đội vào vị trí rất có lợi, rất nhiều máy bay Mỹ “bày ra” trước mắt, phi công muốn bắn chiếc nào cũng được.
Các phi công: Chiêu-Cốc-Ngân-Ngự đều lập thành tích, trở thành Anh hùng LLVTND.
Ảnh tư liệu Chiều 23-8-1967, Phi đội 1, Trung đoàn 921 trực 2 chiếc MiG21 tại Sân bay Nội Bài. Lúc phi công Nguyễn Nhật Chiêu và Nguyễn Văn Cốc mặc quần áo cao không đang ngồi nghe radio thì chuông điện thoại reo lên. Đầu dây bên kia là Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, ông nói: “Hôm nay thời tiết tốt, có lợi cho cả hai phía, cậu nhắc anh em chuẩn bị tốt, sẵn sàng cất cánh”.
Được một lúc, Trung đoàn trưởng lệnh vào cấp 1 và yêu cầu mở máy ngay. Sau khi cất cánh, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu vòng phải bay hướng 240 độ, về phía Hòa Bình. Lúc bay ngang cầu Long Biên trong lòng ông dâng trào niềm xúc động, phía dưới là Phủ Chủ tịch uy nghiêm. Vừa khi đó, biên đội được lệnh tăng tốc lên 1.000km/h và tăng cường quan sát.
Bay được một lúc biên đội được dẫn về hướng Tây 250 độ, bay trên độ cao thấp, sau đó tăng lực lên độ cao 6.000m, rồi vòng phải lên hướng Bắc, tiếp cận máy bay Mỹ ở góc vào 60 độ, đến cự ly 15km, trên độ cao có lợi. Đến 15 giờ 8 phút 39 giây, số 1 phát hiện mục tiêu, đội hình của địch có khoảng 40 chiếc F-4 và F-105 bay theo đường thẳng ở độ cao thấp hơn. Phán đoán đội hình máy bay địch chưa phát hiện sự hiện diện của MiG-21 đang bám phía sau, vì vậy số 1 cắt thùng dầu phụ vào công kích và đồng thời lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng công kích theo phương án cả hai đồng thời công kích để tạo thế bất ngờ, nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Bằng những động tác nhanh gọn và chính xác, phi công Nguyễn Nhật Chiêu tăng tốc độ, bám theo chiếc F-4 số 4, ở cự ly 1.800m, tốc độ 1.100km/giờ, anh ấn nút phóng 1 quả tên lửa. Chiếc F-4 rơi ngay tại hẻm núi Thần Sấm 80km phía Tây Bắc Hà Nội. Số 2 từ vị trí yểm trợ, thấy thời cơ thuận lợi, quan sát phía sau không có máy bay Mỹ cũng đã lao lên bám theo F-4, phóng tên lửa ở cự ly 1.000m, phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi thêm 1 F-4. Trên đường về hạ cánh tại sân bay, số 1 lại chớp thời cơ hạ thêm 1 chiếc F-4 nữa. Vậy là trong trận đánh trong vòng chưa đầy 2 phút, biên đội đã bắn hạ thành công 3 máy bay F-4 của Mỹ. Trận này, chỉ huy dẫn dắt tốt, chiếm vị trí lợi thế, phi công chọn đúng đối tượng, tên lửa mới, thời tiết tốt, chiến thắng giòn giã.
Cuối trận không chiến này còn diễn ra một hiện tượng hiếm có trong lịch sử không chiến hiện đại, đó là khi quay về hạ cánh, máy bay của phi công Nguyễn Văn Cốc bị thương, hỏng chóp nón, khi đến ngang Vĩnh Yên. Với vị trí Biên đội trưởng, phi công Nguyễn Nhật Chiêu không thấy yên tâm nên hỏi số 2 xem đang ở đâu. Nguyễn Văn Cốc trả lời đang ở ngang Vĩnh Yên, tốc độ 600km/h. Lúc đó, ngay đầu sân bay rất nhiều máy bay F-4 và F105 của Mỹ đang bay để đón lõng khi các máy bay MiG của ta trở về, tranh thủ lúc MiG gần cạn dầu hòng lao vào công kích. Nhưng buổi chiều ngày 23-8-1967, điều đó lại không xảy ra, đó gần như là chuyện không thể quên được và đến tận bây giờ nhiều người vẫn chưa thể lý giải được lý do. Lúc đó, tình hình rất phức tạp vì trên bầu trời khu vực sân bay dày đặc máy bay Mỹ đang khống chế. Trong lúc chiếc MiG của phi công Nguyễn Văn Cốc đã bị thương và gần cạn dầu, không thể tăng tốc để không chiến. Cùng lúc đó, trên vòng ba gần sân bay cả máy bay MiG-21 và các máy bay Mỹ bay rất gần nhau, như chung một đội hình, thậm chí các phi công của ta còn có thể nhìn thấy số hiệu trên đuôi và khuôn mặt các phi công Mỹ trong buồng lái. Tất cả mọi người dưới sân bay đều nín thở chờ đợi. Phi công Nguyễn Văn Cốc cũng trong tâm thế sẵn sàng cho trận không chiến không cân sức. Nhưng không hiểu sao, sau vài vòng lượn các máy bay F-4 và F-105 của Mỹ lại quay ra, không bên nào tấn công bên nào. Điều gì đã xảy ra? Không ai có thể hiểu được. Phải chăng các phi công Mỹ sợ bị ta gài bẫy?
Ngày 23-8-1967, trong lịch sử phát triển chiến thuật MiG- 21 đã ghi nhận Biên đội 2 chiếc của Phi công Nguyễn Nhật Chiêu và phi công Nguyễn Văn Cốc bằng cách bố trí đội hình tấn công của mình đã lần đầu tiên ứng dụng cách đánh “Đồng thời công kích”. Sau trận này, trong các trận không chiến khác, khi điều kiện cho phép các phi công MiG-21 đã tiến hành áp dụng cách đánh này và hiệu quả chiến đấu đã được nâng cao. Nhiều trận, cả biên đội đồng thời bắn rơi hai chiếc máy bay Mỹ khiến các phi công đối phương rất e ngại cách đánh này của chúng ta.
BÍCH PHƯỢNG
(Theo "Những trận chiến trên không nhìn từ hai phía")