Xứng danh Đoàn Không quân Sao đỏ anh hùng
Được thành lập ngày 3-2- 1964, hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam mang phiên hiệu 921 đã xuất kích trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay các loại. Với những chiến công xuất sắc đó, Trung đoàn và 3 tập thể cùng 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
Đến Trung đoàn 921 đúng vào dịp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đang tổ chức những hoạt động sôi nổi về huấn luyện SSCĐ, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Quân chủng PK-KQ (22- 10-1963 / 22-10-2018). Thượng tá Dương Quốc Thịnh - Chính ủy Trung đoàn 921 đã ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị.
Đội hình máy bay Su-22 của Trung đoàn 921 tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2018. Ảnh: HẢI AN
Vào những năm đầu của thập kỷ 60, bị thất bại thảm hại trong “Chiến tranh đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng Không quân chiến đấu trên cơ sở đơn vị tiền thân là Ban Nghiên cứu sân bay và đơn vị Không quân vận tải. Ngày 30-5-1963, Trung đoàn Không quân mang phiên hiệu 921, mật danh là Đoàn Không quân Sao Đỏ được thành lập. Sau đó, ngày 3- 2-1964, đúng vào ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, tại Sân bay Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc) lễ ra mắt công khai Trung đoàn được tiến hành. Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Ngày 6-8-1964, một ngày sau khi đế quốc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc, Trung đoàn được lệnh cơ động lực lượng về Sân bay Nội Bài. Mặc dù mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, nhưng Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, từng bước nâng cao trình độ tác chiến, xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng địch ngay từ trận đầu xuất kích. Ngày 9-11-1964, Trung đoàn đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu đến thăm.
Hơn một năm sau ngày thành lập, Trung đoàn đã “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Ngày 3-4-1965, bằng tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chỉ trong 8 phút, biên đội MiG-17 đã hạ gục 2 chiếc F-8U của không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời Đò Lèn, Thanh Hóa, mở đầu trang sử mới của mặt trận trên không.
Từ chiến thắng trận đầu, ngay ngày hôm sau (4-4-1965), biên đội thứ 2 gồm các phi công: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm, cũng được lệnh xuất kích chiến đấu và tiếp tục lập công: Bắn rơi 2 máy bay F-105D của đế quốc Mỹ. Sau 2 ngày chiến đấu và chiến thắng giòn giã, cả Trung đoàn như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh mới. Ngày 3-4-1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ngày 5-4-1965, Trung đoàn đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Tháng 12-1965, Trung đoàn được trang bị máy bay MiG-21 thay thế cho MiG17. Với loại vũ khí mới này, ngay từ trận đầu, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ vào ngày 4-3-1966. Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, cùng với lực lượng của Quân chủng, lực lượng phòng không ba thứ quân, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận chiến đấu và giành thắng lợi, góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách vươn lên làm chủ VKTBKT, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú”, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời và các mục tiêu được giao. Nhiều năm qua, Trung đoàn 921 là đơn vị dẫn đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của Sư đoàn 371 và Quân chủng; duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ canh trực, tổ chức lực lượng trực ban SSCĐ, QLVT đúng quy định, nhất là trong dịp bảo vệ các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Quân đội.
Bên cạnh đó, những năm qua, Trung đoàn luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương về công tác kỹ thuật trong tình hình mới và Cuộc vận động “Quản lý VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; tích cực khai thác làm chủ vũ khí trang bị hiện có trong biên chế; thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng, Ngày Kỹ thuật… theo đúng quy định. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất hậu cần kỹ thuật cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện bay của Trung đoàn; thực hiện tốt Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, bảo đảm kịp thời hậu cần cho các nhiệm vụ.
ÁNH TUYẾT